Nhân lên sức mạnh từ ý thức về quốc gia và dân tộc
Tại Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển” do Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 26/10 tại TP. Buôn Ma Thuột, trong bản tham luận của mình, Tiến sĩ Phạm Đức Anh , Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Sự kiện thành lập tỉnh Đắk Lắk cũng bắt đầu hình thành ý thức quốc gia và dân tộc mạnh mẽ cho các sắc dân ở đây trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ PHẠM ĐỨC ANH chung quanh nhận định này.
TS. Phạm Đức Anh - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Xuân |
♦ Ông có thể cho biết, trên cơ sở nào để ông đưa ra nhận định như vậy?
Theo quan điểm của sử học hiện đại, lịch sử Việt Nam được xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam hiện tại để ngược về quá khứ nhằm soi rọi và minh định những gì đã xảy ra trên mảnh đất này hàng nghìn năm qua. Nói cách khác, lịch sử Việt Nam là lịch sử của tất cả những vùng đất hợp thành lãnh hải, lãnh thổ hiện tại, gắn với đời sống của các cộng đồng người ở đó - và Đắk Lắk là một phần không thể tách rời trong dòng chảy lịch sử ấy.
Do cách trở về mặt địa lý, cũng như sự khác biệt về điều kiện kinh tế, xã hội và đặc điểm dân cư, nên vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung dường như cách biệt với các quốc gia cổ đại trong khu vực như Chăm Pa, Chân Lạp, Xiêm La hay Ai Lao. Từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15, thậm chí sau đó nữa, vùng đất này ít chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền các quốc gia như đã nêu. Cư dân ở đây sống cố kết dưới dạng thức cộng đồng (làng/ buôn/bon) hay liên kết lại để cùng nhau đương đầu, giải quyết một vấn đề gì đó xảy ra như thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh chẳng hạn. Vì thế ý thức về một quốc gia, dân tộc (hiểu theo nghĩa đầy đủ danh từ Nation) còn chưa hình thành rõ ràng, mà chỉ ở tầm mức ý thức tự trị về một tộc người/sắc dân nào đó mà thôi.
♦ Có phải từ đặc điểm này, vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung luôn bị các quốc gia lân cận tranh chấp và gây ảnh hưởng không, thưa ông?
Đúng như vậy, trong nhiều thế kỷ, vùng đất này trở thành nơi tranh chấp, gia tăng ảnh hưởng của các quốc gia láng giềng, trước là giữa Lâm Ấp và Phù Nam, sau là Chân Lạp và Chăm Pa. Họ đến đây để vừa mở rộng mạng lưới giao thương, khai thác các nguồn lợi lâm thổ sản; đồng thời vừa truyền bá văn hóa và tìm cách can thiệp chính trị, rồi xâm chiếm vùng đất Đắk Lắk - Tây Nguyên.
Cũng trong suốt chiều dài lịch sử, Đắk Lắk - Tây Nguyên bây giờ, có những giai đoạn được đặt dưới quyền quản lý, cai trị của các chế độ phong kiến Đại Việt. Đặc biệt là vào thời nhà Lê (Hậu Lê) - vào năm 1471, đích thân vua Lê Thánh Tông cầm quân đi đánh Chăm Pa và đã giành thắng lợi. Vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập nước Nam Bàn (cũng như một số phiên quốc khác) thuộc Đại Việt. Nhà Lê đã thi hành nhiều chính sách nhằm tăng cường phạm vi ảnh hưởng, thắt chặt mối quan hệ với các tộc người vùng cao ở đây (nay cơ bản thuộc địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông) với nhiều nội dung quan trọng như: Di dân đến khai hoang, vỡ đất lập dinh điền; cho phép các thương lái miền xuôi lên buôn bán với người Thượng; đặt ra các chức dịch cho người địa phương trông coi việc mua bán, thu thuế và cống nộp cho triều đình Đại Việt.
Đến thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, công cuộc mở rộng lãnh thổ về phương Nam của người Việt được đẩy mạnh. Thời kỳ này (1558 – 1771), chính quyền các chúa Nguyễn không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế, văn hóa và áp đặt chính trị lên vùng đất Tây Nguyên. Qua thời Tây Sơn cho đến triều Nguyễn, mối quan hệ với các tộc người ở đây (thuộc phiên quốc Thủy xá và Hỏa xá) càng được chú trọng và trở nên khăng khít hơn.
♦ Thưa tiến sĩ, có nghĩa là từ đây vùng đất Đắk Lắk - Tây Nguyên đã hội nhập vào lãnh thổ, lịch sử Việt Nam?
Cũng chưa hẳn như vậy, bởi nhà Nguyễn đã mất dần khả năng kiểm soát lãnh thổ và vị thế chính trị ở vùng đất này từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta vào năm 1858. Từ đây vùng đất Đắk Lắk - Tây Nguyên rơi vào tình trạng bị tranh đoạt của các thế lực như Xiêm La, Lào dưới chính sách đô hộ Đông Dương của thực dân Pháp. Vùng đất này trải qua nhiều năm “lưu lạc” tách - nhập với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, đại lý ở khu vực Nam Trung bộ cũng như vùng Nam Lào và Campuchia thời thuộc Pháp, đến ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định chính thức thành lập tỉnh Darlac (Đắk Lắk), trực thuộc xứ Trung kỳ. Đây là dấu mốc quan trọng để khẳng định vị thế của một địa phương thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, mặc dù bị thực dân Pháp đặt quyền cai trị và đô hộ, nhưng cái tên Đắk Lắk là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Theo đó ý thức về quốc gia, dân tộc (bao hàm đầy đủ ý nghĩa của danh từ Nation như tôi đã nói) của người Tây Nguyên nói chung đã nhanh chóng hình thành, để cùng với các cộng đồng người Việt sinh sống trên dải đất hình chữ S này nhận thức rõ về kẻ thù chung, cùng nhau đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho đất nước.
Hết đánh Pháp, đuổi Mỹ và các thế lực xâm lược khác, cộng đồng các dân tộc người Tây Nguyên - Đắk Lắk đã đóng góp một phần công sức, xương máu to lớn để giành thắng lợi cuối cùng - và theo tôi sức mạnh ấy được nhân lên từ nhận thức toàn vẹn về lãnh thổ của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
♦ Trân trọng cảm ơn tiến sĩ!
Đình Đối (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc