Multimedia Đọc Báo in

Chuyện “Vua Nước”

07:39, 06/04/2025

Từ thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) theo Quốc lộ 19 về hướng Đông Nam khoảng 20 km là đến Plei Tao. “Plei Tao” tiếng J’rai có nghĩa là “làng Vua”. Đây là nơi ở duy nhất của các vị “Vua Nước” từ xưa đến nay ở Tây Nguyên…

7 đời “Vua Nước”

“Vua Nước” trong tiếng J’rai là “Pơtao Ia”. “Vua” ở đây chỉ là cách gọi của người Kinh. Cũng như “Vua Lửa”, vai trò của “Vua Nước” chỉ giới hạn trong vai trò của một thầy cúng: trời hạn thì cúng cầu mưa; mưa lâu quá thì cúng cho tạnh. Ngoài ra nếu làng nào có dịch bệnh thì cúng cho khỏi. Do sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, người Tây Nguyên rất coi trọng yếu tố tâm linh. Vì vậy “Vua Nước”, “Vua Lửa” được đồng bào tôn sùng với một quan niệm thần bí không khác mấy một vị vua ở thế gian…

Theo các tài liệu nghiên cứu thì hiện tượng Vua Nước đã có cách đây trên 350 năm với 7 đời truyền nối xác định được tên. Các Vua Nước kế vị không theo chế độ cha truyền con nối; người nào trong họ cũng có thể làm “vua” miễn là thuộc dòng họ Rơ Chăm. Nếu là họ Kpă hoặc Siu thì chỉ được làm “phụ”, tức là thay “vua” đảm nhận các công việc ngoại giao, cúng lễ… Người làm “vua” phải được cả dòng họ và cộng đồng thừa nhận với những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt: không bao giờ được uống rượu say, ăn uống tạp; không được làm điều ác; không trai gái bậy bạ… Nói tóm lại là người đó phải có một nhân cách đạo đức hơn hẳn mọi người…

Làng Plei Tao.

Lễ “lên ngôi” của Vua Nước xưa kia được tiến hành rất long trọng. Người được thừa nhận là “vua” nếu đã có vợ thì phải cúng trước cho thân mình được sạch sẽ. Tù trưởng các làng đều phải đến dự. Nếu vì lý do gì đó mà không tới được thì phải chọn người xứng đáng đi thay. “Vua” sẽ được người uy tín nhất cộng đồng lấy 7 vòng chỉ đeo vào cổ tay; kế đó 7 làng lớn nhất sẽ đeo cho “vua” 7 chiếc coong (vòng đồng) nữa. Sau 7 lần cúng thì thủ tục xong xuôi và người đó sẽ chính thức làm “vua”.

Là “vua” nhưng suốt đời hoàn toàn không được hưởng chút quyền lợi gì của cộng đồng. “Vua” cũng phải đi làm rẫy để kiếm sống như người thường nhưng ở một khu vực riêng; giọt nước tắm cũng riêng. Không một người nào được phép đến gặp “vua” tại nhà, ngay cả con cái đã ở riêng cũng vậy. Trừ những lúc đi làm rẫy, “vua” chỉ ra ngoài lúc làng nào có dịch bệnh phải cúng. Mỗi chuyến “xuất cung”, “vua” thường cưỡi voi và đem tất cả người phụ việc cùng với đồ dùng riêng theo. Đến làng nào “vua” cũng được đón tiếp long trọng nhưng chỉ người già mới được giáp mặt. Tất cả những người dưới 50 tuổi phải ngồi im trong nhà. Người ta tin rằng ai thấy mặt “vua” mà không có lễ cúng thì sẽ bị ốm đau, thậm chí có thể chết. Không những thế, tất cả những gì mà “vua” đã chạm đến đều là linh thiêng, không ai được quyền đụng đến!

Như trên đã nói thì suốt cuộc đời “vua” chỉ giữ vai trò của một thầy cúng không hơn không kém. Nhưng sở dĩ “vua” có quyền năng trên tất cả là nhờ thanh kiếm. Thanh kiếm của “vua” rất đỗi kỳ bí, hiện đang được dân làng Plei Tao bí mật cất giữ trên núi. Họ cho rằng nếu không có lý do gì mà lấy kiếm ra thì mưa sẽ ngập lụt cả thế gian!

Với một người J’rai bình thường, lễ tang thường rất đơn giản. Nhưng với Vua Nước thì đó là một tang lễ cực kỳ long trọng, không có một điểm chung nào với nghi thức cộng đồng… Với người thường, sau khi chôn cất được ba tháng đến một năm, người ta sẽ làm lễ bỏ mả để hồn ma về với làng ma. Song với "vua", nếu chưa có người kế vị thì chưa được làm lễ bỏ mả. Trong thời gian đó nếu xảy ra nắng hạn hoặc làng nào bị dịch bệnh, người ta sẽ mổ trâu, bò mang đến nhà mả của "vua" để cúng. Họ tin rằng khi chưa có người kế vị, “vua” vẫn đảm đương nhiệm vụ cúng Yàng cho họ ở thế giới bên kia…

 “Vua Nước” cuối cùng

 Chúng tôi đến làng Thơ Ga để tìm vị “Vua Nước” cuối cùng… “Vua” đang ngồi thái thuốc trước hiên nhà bằng một cây rựa dài, mình khoác hờ chiếc áo màu gạch non nhăn nhúm; điếu thuốc sâu kèn ngậm lút miệng phả khói khét lẹt. Một nụ cười ngỡ ngàng mở ra thay lời chào… Những người hàng xóm tròn mắt ngạc nhiên khi nghe chúng tôi gọi “vua”. Hóa ra ở làng Thơ Ga chẳng còn ai nhớ gì về Vua Nước cả. Người ta chỉ biết đây là Rơ Chăm Chuych bên Plei Tao cưới vợ ở làng này, tính tình hơi “hâm” một chút, thế thôi…

Nhưng với người Plei Tao, Rơ Chăm Chuych đích thực là vị Vua Nước cuối cùng. Người ta kể rằng Chuych là người được nhắm ngôi vị Vua Nước vào khoảng năm 1965, lúc còn rất trẻ. Mọi nghi thức đã chuẩn bị nhưng chưa kịp làm lễ thì Chuych bỗng bị điên. “Thằng Chuych đi lính, rượu chè, trai gái bậy bạ rồi sẽ hỏng mất con người vua”, già làng nói vậy và dẫn dân làng lên đòi Chuych về. Người ta làm lễ “lên ngôi” rồi cưới vợ cho Chuych. Trong hơn 20 mùa rẫy, vợ đẻ được 11 đứa con nhưng chỉ nuôi được 5 đứa. Thấy làm “vua” chẳng được gì mà chỉ cúng lễ tốn kém, vợ gây gổ với Chuych luôn. Khổ quá, Chuych hay lén đi uống rượu nhà mả, bị điên trở lại. Vợ đã khổ vì con đông nay lại phải gánh thêm “vua điên” nên bỏ luôn. Dân làng thấy vậy cho là Yàng không muốn Chuych làm “vua” nên xui ra thế, và từ đó họ không còn coi Chuych là “vua” nữa…

Ông Rơ Chăm Chuych và vợ.

Ba năm sống lang thang một mình, bỗng nhiên bệnh Chuych lại đỡ. Nhờ người mai mối, Chuych làm quen rồi cưới Siu Ar Lol ở làng Thơ Ga. Trước đó Siu Ar Lol đã có hai đời chồng, Chuych về ở cũng như “góp gạo nấu cơm chung” vậy thôi… Câu chuyện đượm bi kịch pha chút hài hước về “vua” thật trái với sự tín ngưỡng nghiêm cẩn từng diễn ra với cả một vùng đất rộng lớn cách nay hãy còn chưa lâu…

“Bây giờ Chuych khỏi bệnh rồi, sao không nói làng cho trở lại làm vua?”. Nghe hỏi, ngần ngừ một thoáng, Chuych buông một câu khiến chúng tôi bất ngờ: “Không phải Yàng không cho làm “vua” nên xui Chuych làm những việc cấm. Chính vì không thích làm “vua” nên Chuych cố làm ra như vậy. Làm “vua” khổ quá, làm con người thường sướng hơn. Không phải riêng Chuych đâu, mọi người đều nghĩ thế cả. Cúng làm sao tới trời được, đó là vì ngày xưa ông bà mình nghĩ thế thôi’’. Nói rồi Rơ Chăm Chuych cười thoải mái.

“Ông vua” này quả “bất trị” thật! Nhưng ngẫm điều ông nói cũng có lý: Vua Nước thực ra chỉ là hiện tượng tín ngưỡng của một thời…

Ngọc Tấn


Ý kiến bạn đọc