Giữ rừng - cuộc chiến sinh tử
Cuối năm 2024, tôi có chuyến đi xuyên qua nhiều tỉnh Tây Nguyên và đã được chiêm ngưỡng những cánh rừng đẹp như tranh vẽ.
Nhớ đêm đầu tiên nghỉ lại Vườn Quốc gia Cát Tiên, tôi đã thao thức trò chuyện với anh Nguyễn Thanh Long, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Long cho hay, với diện tích xấp xỉ 82.000 ha, Cát Tiên được xem là “lá phổi xanh” của Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Nằm ở phía thượng nguồn sông Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên bao gồm những cánh rừng rộng lớn, liên hoàn thuộc vùng giáp ranh ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai.
Để bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm của Vườn phải lập 21 chốt trạm canh giữ, mỗi trạm cách nhau chừng 20 km. Anh Long tâm sự: “Rừng mênh mông nhưng lực lượng kiểm lâm thì mỏng. Nên không quá khó cho kẻ với lòng tham khai thác nguồn lợi bất chính từ rừng như gỗ quý, động vật hoang dã”.
Vì vậy, để giữ được rừng, đội ngũ kiểm lâm viên của Vườn Quốc gia Cát Tiên phải ngày đêm canh chừng. Họ phải túc trực, đổ mồ hôi và cả máu để giữ rừng.
Anh Nguyễn Hữu Thăng, Phó trưởng Trạm Kiểm lâm của Vườn nói giọng như nghẹn lại: “Chuyện gì cũng có thể xảy ra, mình có tuần tra, kiểm soát kỹ đến mấy cũng không xuể”.
Thăng kể, chỉ mới năm 2023, một nhóm người vào rừng sâu Cát Tiên săn bắn động vật hoang dã. Khi bị kiểm lâm phát hiện, họ đã dùng bình xịt hơi cay, dao rựa chống trả, tấn công khiến nhiều kiểm lâm viên trọng thương.
Cuộc tấn công này đã để lại những vết thương trên vùng mặt, bụng và ngực của kiểm lâm viên Chìu Văn Hai. Anh Hai vừa cởi áo cho tôi xem, vừa kể lại câu chuyện anh bị lâm tặc tấn công, chém tới tấp, những vết sẹo giờ liền lại dài cỡ gang tay hằn trên da bụng.
Và trước đó nữa, trong một vụ việc khác, kiểm lâm viên Phạm Quốc Vinh, khi đang cố gắng ngăn chặn một vụ vi phạm cũng phải gánh chịu những nhát dao đau đớn. Vinh phải nhập viện chữa trị một thời gian dài và cơ thể phía sườn trái cũng hằn dấu chém những vết dao lâm tặc.
![]() |
Lực lượng kiểm lâm tuần tra rừng Ea Sô. |
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đắk Lắk) với diện tích rừng lên đến 27.000 ha cũng là mục tiêu thường xuyên của lâm tặc. Tại đây đã xảy ra nhiều vụ vi phạm lâm luật mà những đối tượng lâm tặc rất manh động, hung hãn, liều lĩnh. Tháng 12/2023, anh Nguyễn Kim Anh, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Kiểm lâm số 2 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô trong khi đi tuần tra khu vực rừng được giao đã bị lâm tặc dùng súng bắn đạn hoa cải hạ gục. Anh Nguyễn Kim Anh mất đi khi đã có gần 25 năm công tác trong ngành kiểm lâm, để lại vợ và hai con thơ dại.
Khi tôi đến thăm, nỗi đau vẫn chưa nguôi trên gương mặt chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Nguyễn Kim Anh. Nhỏ bé, hiền lành, chị Thu kể trong nước mắt về cái ngày định mệnh xảy ra. Chị kể lại rằng cái ngày đó chị không thể tin được người ta đang tâm cướp đi sinh mệnh chồng mình chỉ vì dăm ba tấc gỗ hoặc vài ba con thú rừng hoang dã.
Tôi ngồi trong lán của lực lượng kiểm lâm nhìn ra cánh rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô mà lòng dậy lên những suy tư. Trên các địa bàn, địa phương có rừng vẫn xảy ra những vụ việc chống người thi hành công vụ từ những kẻ vi phạm lâm luật như phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã bằng những thủ đoạn ngày càng phức tạp, lộng hành. Diện tích rừng thì lớn, lực lượng kiểm lâm lại mỏng. Mỗi kiểm lâm viên phụ trách địa bàn hay nhóm/tổ/hạt kiểm lâm phải dàn trải trên một địa bàn rộng lớn. Địa hình rừng núi không mấy khi bằng phẳng, toàn núi cao, vực sâu, sông rộng, khe suối gập ghềnh. Tuần tra canh giữ, bảo vệ rừng nếu không phải chạm trán với những kẻ rắp tâm vi phạm lâm luật thì cũng phải đối mặt với những nguy hiểm như thú dữ, rắn độc, côn trùng có hại, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và áp lực tâm lý.
![]() |
Đàn bò rừng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. |
Theo thống kê của ngành kiểm lâm, dù những năm gần đây số vụ vi phạm lâm luật đã giảm hơn so với trước đây nhưng vẫn ở mức hàng nghìn vụ mỗi năm. Điều đó cho thấy công tác bảo vệ rừng là vô cùng gian nan, phức tạp.
Dù có nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng ngành kiểm lâm tại các địa phương vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp các cấp, các ngành liên quan phối hợp, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm bảo vệ tối đa những diện tích rừng còn lại.
Tuy nhiên, để giữ được rừng, bảo vệ rừng, ngành kiểm lâm cần được sự quan tâm của toàn xã hội, của các cấp, ngành chức năng trong việc nâng cao đời sống, hỗ trợ trang thiết bị và cả những văn bản pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả khi đối mặt với những kẻ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: "Để giữ được rừng không chỉ nhờ vào lực lượng kiểm lâm mà phải là toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt phải tuyên truyền, triển khai các biện pháp giữ rừng từ cấp cơ sở, từ đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình rồi đến thôn, buôn".
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc