Bất ổn ở Afghanistan đe dọa an ninh khu vực
Những ngày qua, sau khi Mỹ và các đồng minh lần lượt rút quân, lực lượng phiến quân Taliban tại Afghanistan liên tiếp tấn công trên khắp đất nước, đánh chiếm thủ phủ của nhiều tỉnh thành, khu vực trọng điểm khiến nhiều người thương vong.
Bạo lực ngày càng gia tăng
Ngay từ thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố việc rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 4-2021, lực lượng Hồi giáo vũ trang mang tư tưởng cực đoan Taliban cũng đã khởi động chiến dịch của mình nhằm giành lấy ưu thế về tinh thần và sự bất ngờ. Kể từ tháng 5, Taliban đã tràn qua các vùng nông thôn và vào cuối tháng 6, lực lượng này bắt đầu tấn công các thành phố lớn của Afghanistan. Taliban tuyên bố hiện đã kiểm soát được hơn 80% lãnh thổ Afghanistan và mục tiêu của phong trào này là "biến Afghanistan trở lại thành tiểu vương quốc Hồi giáo" như giai đoạn 1996 - 2001.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan với Taliban diễn ra tại Doha vẫn đang bế tắc. Theo người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan - ông Mohammad Amiri, trong khi Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani vẫn sẵn sàng đàm phán, Taliban đã quay lưng lại với giải pháp chính trị. Trong cuộc họp với người đứng đầu các bộ lạc và các nhà lãnh đạo chính trị ngày 9-8, Tổng thống Ashraf Ghani đã quyết định “huy động và trang bị vũ khí” cho lực lượng dân quân địa phương để chống lại Taliban.
Tình hình Afghanistan đang “nóng” lên từng ngày khi bạo lực gia tăng chưa từng thấy gây thương vong cho dân thường. Theo thống kê của Phái bộ Hỗ trợ Liên hiệp quốc tại Afghanistan (UNAMA), số thương vong của dân thường 6 tháng đầu năm nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết hơn 359.000 người dân Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong năm 2021. Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người (hơn 1/3 dân số) cần hỗ trợ nhân đạo.
Hôm 6-8, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã họp khẩn về tình hình Afghanistan. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã chia sẻ quan ngại về tình hình an ninh, nhân đạo ở Afghanistan thời gian qua, lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và nhân viên Liên hiệp quốc. Một số quốc gia bày tỏ quan ngại về tác động của việc các lực lượng quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan đối với tình hình an ninh nước này và khu vực.
Nhiều nghị sỹ Mỹ và những người chỉ trích quyết định rút khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Taliban sẽ tiếp quản hoàn toàn đất nước nếu lực lượng quân đội Mỹ không hỗ trợ quân chính phủ.
Tuy nhiên, phát biểu họp báo tại Nhà Trắng ngày 10-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ tiếp tục giữ cam kết của mình tại Afghanistan. Ông khẳng định Mỹ đã chi hơn 1.000 tỷ USD trong hơn 20 năm qua và huấn luyện cũng như trang bị khí tài hiện đại cho hơn 300.000 binh lính Afghanistan. Hàng nghìn người Mỹ đã thiệt mạng và bị thương trong cuộc chiến này. Tổng thống Biden khẳng định các nhà lãnh đạo Afghanistan phải tập hợp lại và chiến đấu vì chính bản thân và quốc gia của mình. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết cung cấp hỗ trợ trên không, tiếp tế lương thực, thiết bị cho lực lượng Chính phủ Afghanistan.
Khu lều tạm dành cho những người bị mất nhà do xung đột tại Balkh, Afghanistan. Ảnh: THX/TTXVN |
Mối nguy với an ninh khu vực
Mối quan ngại lớn hơn nhiều là sự hiện diện ngày càng tăng của các phần tử khủng bố cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan khiến cho quốc gia này trở thành vấn đề nhức nhối đối với các nước láng giềng. Theo Đại diện thường trực của Afghanistan tại Liên hiệp quốc Ghulam Isakzai, Taliban hiện sử dụng hơn 10.000 chiến binh nước ngoài từ 20 nhóm, kể cả al-Qaeda.
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc xung đột ở Afghanistan có nguy cơ leo thang trầm trọng hơn nữa. Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu Chính phủ Kabul hiện được quốc tế công nhận bị lật đổ, tổ chức Taliban có thể sớm trở lại nắm quyền ở nước này, tạo ra dòng người tị nạn lớn qua biên giới, trong khi các nhóm cực đoan xuyên biên giới như IS, hiện không còn bị kiềm chế, có thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để phá hoại sự ổn định ở Trung Á.
Ngoài ra, nhiều năm qua, Afghanistan vẫn bị coi như "nguồn cung cấp" ma túy hàng đầu vận chuyển qua Trung Á đến Nga.
Các nước Trung Á và Nga cũng đang chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất, tích cực phối hợp hành động, bao gồm tổ chức tập trận với những tình huống giả định cụ thể để đẩy lùi nguy cơ xung đột quân sự có thể phát sinh. Chẳng hạn như cuộc tập trận Nga - Uzbekistan ngày 9-8 với sự tham gia của 1.500 quân; từ ngày 5 đến 10-8, các cuộc tập trận Nga – Uzbekistan - Tajikistan được tổ chức trên lãnh thổ Tajikistan, với 2.500 người trong đó có 1.800 lính Nga.
Theo giới quan sát, điều này cho thấy Nga và các nước Trung Á thực sự lo ngại nguy cơ xuất khẩu chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong trường hợp Taliban nắm quyền ở Afghanistan.
Tuy nhiên, Nga vẫn đánh giá tình hình tại Afghanistan khó đoán định với nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Điều đó khiến Nga tích cực thể hiện vai trò cũng như các nỗ lực ngoại giao trong cuộc xung đột ở Afghanistan. Đặc phái viên của Tổng thống Nga về vấn đề Afghanistan kiêm Vụ trưởng Vụ châu Á 2 thuộc Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov đã tiến hành hàng loạt cuộc đối thoại với cả đại diện của Chính phủ Afghanistan lẫn phong trào Taliban nhằm thúc đẩy thành lập một chính phủ liên minh lâm thời trong vòng 2 - 3 năm tới, trong khi tiếp tục đàm phán một thỏa thuận lâu dài. Moscow cũng đề cao vai trò của nhóm bộ ba mở rộng gồm Nga, Trung Quốc và Pakistan cộng với Mỹ trong các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình ở Afghanistan.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc