Multimedia Đọc Báo in

"Việt Nam luôn là đối tác mạnh của Liên hiệp quốc”

18:04, 21/09/2021

Sau thành công tốt đẹp của chuyến thăm chính thức Cuba, chiều 20-9 theo giờ địa phương, tức sáng ngày 21-9 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên đường sang Hoa Kỳ, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên hiệp quốc và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.

Hoạt động quan trọng này nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam đến năm 2030; thể hiện vai trò, vị thế là thành viên có trách nhiệm và đóng góp thực chất vào các hoạt động của Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế.

Gia nhập Liên hiệp quốc từ năm 1977, sau 45 năm, Việt Nam từng bước khẳng định vai trò và vị thế quốc tế, trong đó đã và đang đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Tháng 4 vừa rồi, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch HĐBA Liên hiệp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao của HĐBA về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên hiệp quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột”. Đây là lần đầu tiên Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam chủ trì một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ HĐBA và được các nước đánh giá cao.

án bộ Đại sứ quán tại Hoa Kỳ và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, Việt Nam được Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hiệp quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp quốc ở cấp độ quốc gia. Những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam với Liên hiệp quốc được Tổng thư ký Liên hiệp quốc Atonio Guterres đánh giá cao bởi sự hiệu quả, thực chất.

“Việt Nam luôn là đối tác mạnh nhất của Liên hiệp quốc kể từ khi gia nhập năm 1977. Lực lượng quân đội của Việt Nam đã tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và vai trò đầu tầu của các bạn trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp các bạn triển khai Chương trình phát triển bền vững 2030. Tầm nhìn và khát vọng của các mục tiêu phát triển bền vững sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta phục hồi sau đại dịch COVID-19. Với tư cách là Ủy viên không thường trực của HĐBA Liên hiệp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững” – ông Atonio Guterres nói.

Việt Nam đã triển khai 3 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ hòa bình LHQ ở Nam Sudan. Ảnh: 32 thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Cộng hòa Nam Sudan. (Nguồn: TTXVN)
Việt Nam đã triển khai 3 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ hòa bình Liên hiệp quốc ở Nam Sudan. Ảnh: 32 thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Cộng hòa Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)

Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hiệp quốc và ghi được nhiều dấu ấn Việt Nam tại các cơ quan như tại HĐBA Liên hiệp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC). Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc cho rằng, Việt Nam đã chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy mình là một thành viên tin cậy với tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

“Chúng ta đã vượt qua một giai đoạn như thế. Bây giờ, Việt Nam đã rất vững vàng khi tham gia vào bất cứ một cơ chế lãnh đạo nào của Liên hiệp quốc. Ngoại giao đa phương nói chung và vị trí của Việt Nam trong Liên hiệp quốc đã thay đổi một cách rất rõ ràng, ngoạn mục” – ông Ngô Quang Xuân nhấn mạnh.

Với sự tham dự trực tiếp của hơn 100 nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao, Đại hội đồng Liên hiệp quốc Khóa 76 sẽ là cơ hội tốt để tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương giữa lãnh đạo các nước sau thời gian dài không thể gặp trực tiếp do đại dịch COVID-19. Nằm trong bối cảnh chung đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn có các hoạt động song phương tại Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ, nhằm tăng cường hợp tác của ta với chính quyền các nước và chính quyền mới của Hoa Kỳ; thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp; phù hợp với mục tiêu, lợi ích chung của hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.

Chuyến đi là dịp để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc triển khai mạnh mẽ chiến lược ngoại giao vắc xin, vận động các nước, tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống COVID-19 và hợp tác phục hồi sau đại dịch.

Theo VOV
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.