Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam-Thụy Sĩ thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực

10:09, 28/11/2021

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ, trong các ngày 26-27/11 theo giờ địa phương, tại thành phố Bern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Guy Parmelin; hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Thụy Sĩ Andreas Aebi; đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ… cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.

* Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Guy Parmelin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Thụy Sĩ tươi đẹp và mến khách, trân trọng cảm ơn Tổng thống Guy Parmelin và Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã dành cho Đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp chu đáo và trọng thị.

Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Cách đây đúng 50 năm, vào năm 1971, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn cam go nhất, Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đặt những viên gạch đầu tiên trong tiến trình vun đắp nhịp cầu hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin. (Ảnh: TTXVN)

Hai bên vui mừng nhận thấy trong suốt chiều dài một nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị-ngoại giao, kinh tế, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển và khoa học-công nghệ.

Trên tinh thần xây dựng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã thảo luận sâu rộng, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực hợp tác và đạt được sự nhất trí chung về nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hai nước.

Nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, qua đó làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội những năm vừa qua cũng như trong việc kiểm soát dịch COVID-19 hiện nay; nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác kinh tế ưu tiên quan trọng của Thụy Sĩ ở Đông Nam Á.

Với hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,9 tỷ USD, hiện Thụy Sĩ xếp thứ 20 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và dư địa hợp tác còn rất lớn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Sĩ khuyến khích doanh nghiệp nước này đầu tư tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm…

Hai bên nhất trí nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), mà Thụy Sĩ là nước dẫn đầu, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin. (Ảnh: TTXVN)

Hai nước coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung thúc đẩy theo hướng linh hoạt, cân bằng lợi ích, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp hai nước yên tâm hợp tác lâu dài, trong đó có bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Hai bên bày tỏ vui mừng về những tiến triển tích cực trong hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ. Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 với khoa học-công nghệ đóng vai trò then chốt và Thụy Sĩ có thế mạnh trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác về đổi mới sáng tạo.

Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Chương trình Hợp tác phát triển (ODA) của Thụy Sĩ ở Việt Nam. Thay mặt Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp nguồn ODA quý báu cho Việt Nam, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.

Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là một đối tác sử dụng ODA hiệu quả và Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu franc Thụy Sĩ (hơn 75,6 triệu USD) vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, cơ chế hợp tác Á-Âu... Việt Nam nhất trí ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối để Thụy Sĩ tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Về vấn đề Biển Đông, Thụy Sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên đối thoại minh bạch và xây dựng lòng tin.

* Tại buổi hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Thụy Sĩ Andreas Aebi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ.

Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua phát triển tích cực trong tất cả các lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương, trên các kênh Nhà nước và Nghị viện.

Để thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ lên tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước, khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh COVID 19 gây ra, hai bên nhất trí cần triển khai các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo…

Quang cảnh cuộc gặp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Quang cảnh cuộc gặp. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Andreas Aebi bày tỏ coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Quốc hội hai nước, ủng hộ tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt sớm hoàn tất Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA trong đó có Thụy Sĩ, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Aebi đánh giá cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hội nhập thành công, có nhiều đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế-xã hội và đa dạng văn hóa của Thụy Sĩ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ, chiều 26/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ.

Phát biểu với trên 100 doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên, đặc biệt trong về tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tại Diễn đàn, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhận định, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và cần những khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam.

Ông Parmelin cho biết, mức độ quan tâm cũng như cam kết của các doanh nghiệp Thụy Sĩ và đại diện của khu vực tư nhân có mặt hôm nay cho thấy Việt Nam là một ưu tiên của Thụy Sĩ trong hợp tác phát triển kinh tế. Theo dự kiến, không dưới 70 triệu Franc Thụy Sĩ sẽ được đầu tư trong các dự án phát triển kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 2021-2024.

Hai nước đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và một thỏa thuận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép doanh nghiệp hai bên hợp tác kinh doanh, cũng như tăng cường quan hệ giữa hai nền kinh tế.

Tuy nhiên, còn một thỏa thuận rất quan trọng là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã được hai bên đàm phán từ 9 năm qua. Nhà lãnh đạo Thụy Sĩ bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có các giải pháp tháo gỡ cho những vấn đề đang bàn bạc.

Tán thành với Tổng thống Thụy Sĩ về các nội dung nêu trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau khi hai nhà lãnh đạo hội đàm vào sáng 26/11 thì ngay buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã làm việc với Quốc vụ khanh của Thụy Sĩ để thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán và ký kết EFTA vì lợi ích hai bên.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thuỵ Sỹ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thuỵ Sỹ. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước cũng chia sẻ với các nhà đầu tư Thụy Sĩ về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn FDI sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi, có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, Việt Nam chọn lọc và ưu tiên thu hút những dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, cam kết hợp tác và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam...

Cho rằng hai nền kinh tế Việt Nam và Thụy Sĩ mang tính bổ trợ cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước đẩy mạnh trao đổi truyền thông sâu rộng về chính sách đầu tư của mỗi bên tới các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Nhà lãnh đạo Việt Nam đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ thúc đẩy đàm phán ký EFTA; các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích các dòng chảy thương mại, đầu tư trong bối cảnh mới; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh theo cam kết trong các FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao, bao gồm giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin và lãnh đạo các bộ, ngành hai nước đã lắng nghe và giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp nêu ra.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Việt Nam như có môi trường vĩ mô ổn định, kinh tế có xu hướng phục hồi khả quan và kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 600 tỷ USD trong năm nay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng sẽ được hưởng rất nhiều cơ hội khác khi tới làm ăn ở Việt Nam vì Việt Nam đã tham gia 15 FTA, trong đó có nhiều hiệp định quy mô lớn, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)…

* Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp nặng, công nghệ cao, điện, dược phẩm như ABB, Novatis, DKSH…

Tại các buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Hội nghị COP 26 vừa qua, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 nên sẽ không chủ trương phát triển thêm các nhà máy điện than mà tập trung vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi.

Do đó, Việt Nam mong muốn các công ty của Thụy Sĩ đầu tư công nghệ cao, đi tắt đón đầu trong lĩnh vực này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Marco Gadola, Chủ tịch Tập đoàn DKSH, doanh nghiệp hàng đầu của Thuỵ Sĩ đang cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho các công ty muốn phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Marco Gadola, Chủ tịch Tập đoàn DKSH, doanh nghiệp hàng đầu của Thuỵ Sĩ. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển hạ tầng để kết nối các vùng kinh tế và mong muốn các doanh nghiệp của Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đánh giá cao việc doanh nghiệp Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh tại Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên; đồng thời rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí sản xuất. Đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam.

Lãnh đạo các doanh nghiệp Thụy Sĩ bày tỏ mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh tại Việt Nam và nhiều lĩnh vực khác; đồng thời bày tỏ ủng hộ Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với EFTA.

Theo TTXVN, Baoquocte.vn…
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.