Multimedia Đọc Báo in

Leo thang căng thẳng giữa Belarus và châu Âu về vấn đề người nhập cư

16:01, 27/11/2021

Ngày 24/11, Cơ quan Biên phòng Ukraine cho biết nước này đã bắt đầu một "chiến dịch đặc biệt" ở gần biên giới với Belarus nhằm tăng cường an ninh và ngăn chặn dòng người di cư từ bên kia biên giới.

Cơ quan trên cho hay chiến dịch đặc biệt này có sự tham gia của lực lượng Vệ binh quốc gia, cảnh sát, các lực lượng vũ trang và một số đơn vị khác. Ngoài ra, máy bay và máy bay không người lái cũng sẽ được triển khai để tuần tra và giám sát trong chiến dịch này.

Ukraine đã triển khai thêm 8.500 binh sĩ và cảnh sát tới khu vực biên giới với Belarus nhằm ngăn chặn người di cư vượt biên.

Trước đó, vào ngày 23/11, tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Visegrad diễn ra ở thủ đô Budapest (Hungary), các nhà lãnh đạo của ba quốc gia Đông Âu là Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia đã bày tỏ tình đoàn kết của mình với Ba Lan trong cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở biên giới phía đông với Belarus, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường biện pháp hỗ trợ và bảo vệ biên giới bên ngoài của khối.

Người di cư  tại khu lều tạm ở biên giới Belarus - Ba Lan.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Budapest của Hungary sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng 4 nước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết tình hình ở biên giới phía đông của Ba Lan đã vượt ra ngoài vấn đề di cư. Ông khẳng định đây là một “cuộc khủng hoảng chính trị mới”, trong đó cáo buộc chính phủ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang có hành động dùng người di cư để gây áp lực lên EU.

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Hungary Orban cho biết EU chưa bao giờ chịu áp lực như hiện tại và chỉ trích phản ứng của khối này là chưa phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời cho rằng EU không có những sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn biên giới của EU. Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nhấn mạnh, Slovakia sẽ thể hiện sự đoàn kết với Ba Lan và có sự hỗ trợ để bảo vệ biên giới của Ba Lan. Về phần mình, Thủ tướng Séc Andrej Babis đã hối thúc các biện pháp trừng phạt tiếp theo chống lại Belarus và ông cho biết đã đề nghị triển khai một lực lượng sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ biên giới cho Ba Lan.

Những ngày qua, cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía tây của Belarus đã leo thang nhanh chóng, buộc Ba Lan và Litva phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới với các nước láng giềng. Hiện hàng nghìn người di cư, hầu hết đến từ Trung Đông đang vạ vật trong tiết trời băng giá dọc theo biên giới giữa Belarus và Ba Lan, với hy vọng có thể vào được EU.

EU đã cáo buộc Belarus để cho dòng người di cư từ Trung Đông đến nước này và vượt biên giới sang Ba Lan, cửa ngõ vào EU, cũng như các nước thành viên khác trong liên minh. Ngày 15/11, các bộ trưởng ngoại giao EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Belarus, nhằm vào các cá nhân và tổ chức mà khối này cho là chịu trách nhiệm đưa người di cư về phía biên giới của EU để tạo ra một “cuộc chiến tranh hỗn hợp”. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định, quyết định này thể hiện quyết tâm của EU nhằm phản đối việc lợi dụng người di cư để thực hiện “các mục đích chính trị”. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố rằng: “Tất cả những ai tham gia vào hoạt động vận chuyển người di cư bất hợp pháp mà ông Lukashenko đang thực hiện đều sẽ bị EU trừng phạt”.

Giữa những toan tính về địa chính trị, và các biện pháp đáp trả qua lại lẫn nhau, nhiều người lo ngại tình hình nhân đạo trong khu vực sẽ tiếp tục xấu đi, đặc biệt khi nhiệt độ giảm mạnh trong mùa đông và các nhân viên cứu trợ gặp khó khăn khi tiếp cận với những người tị nạn.

Động thái này không gây bất ngờ, bởi trước đó EU đã áp đặt 4 vòng trừng phạt đối với Belarus kể từ tháng 10/2020 với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và trấn áp những người biểu tình cùng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. Vòng trừng phạt mới nhất được đưa ra vào tháng 5/2021 sau vụ  nước này ép máy bay của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) chuyển hướng để bắt một nhà báo đối lập. Cho đến nay, Brussels đã thực hiện các biện pháp, trong đó có đóng băng tài sản và cấm đi lại nhằm vào 166 cá nhân và 15 tổ chức.

Ngày 18/11, các ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã hối thúc lập tức chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư ở khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan, do điều này đang gây rủi ro tới tính mạng của nhiều người. Tuyên bố chung của G7 nhấn mạnh "tình đoàn kết với Ba Lan, cũng như Litva và Latvia" - vốn là những quốc gia đang gồng mình ứng phó với làn sóng di cư này.

Người di cư tập trung ở gần chốt kiểm tra Bruzgi – Kuznica ở biên giới Belrarus-Ba Lan ngày 15/11/2021.

Cũng như EU, G7 cho rằng Belarus để cho dòng người di cư tự do di chuyển tới khu vực biên giới để vượt biên nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.

Phía Belarus luôn bác bỏ, khẳng định đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh.

Belarus đã đề xuất kế hoạch trong đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Ủy ban châu Âu (EC) và Đức bác bỏ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/11 cũng cho rằng do các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, nên các nước phương Tây, chứ không phải Belarus phải chịu trách nhiệm cuối cùng về khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan. Ngày 23/11, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Nikolai Patrushev cho biết nước này cùng với Belarus sẽ tiếp tục "đáp trả thích đáng trước các hành động khiêu khích, kể cả các hoạt động quân sự" dọc biên giới hai nước này với các nước khác.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.