Multimedia Đọc Báo in

Biến thể Omicron gây lo ngại toàn cầu

15:17, 05/12/2021

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã cho thấy vi rút SARS-CoV-2 khó có thể bị đánh bại trong một sớm một chiều và cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn trường kỳ.

Omicron: Biến thể nguy hiểm hơn Delta?

Đầu tháng 11/2021, số ca mắc COVID-19 ở Nam Phi đã tăng nhanh chóng. Trong quá trình xem xét lại các mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2, các nhà khoa học đã phát hiện ra một yếu tố bị bỏ qua trong protein gai của vi rút, cho thấy vi rút đã có sự thay đổi nào đó. Các nhà khoa học sau đó đã giải trình tự gen của vi rút và phát hiện ra hơn 50 đột biến so với chủng vi rút ban đầu. Ngày 25/11, Bộ Y tế Nam Phi và các nhà khoa học công bố phát hiện về một biến thể mới với những đặc điểm đáng lo ngại đã khiến số ca mắc gia tăng ở quốc gia này. Một ngày sau, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên cho biến thể mới là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng lo ngại. Chưa từng có biến thể nào khiến WHO đưa ra tuyên bố này nhanh chóng như vậy.

Cho tới nay, nguồn gốc và khả năng của biến thể Omicron vẫn là một bí ẩn trong khi các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu về nó. Có một đặc điểm đặc biệt đáng lo ngại là Omicron có 32 điều chỉnh ở một bộ phận của vi rút mà đa số các loại vắc xin COVID-19 đang nhắm tới - đó là protein gai - công cụ vi rút sử dụng để xâm nhập vào tế bào con người.

Sự xuất hiện của các đột biến hiện tại có thể đồng nghĩa với việc Omicron có khả năng lớn hơn để thoát khỏi hệ miễn dịch của cơ thể, trong đó bao gồm cả hệ miễn dịch được hình thành sau khi tiêm vắc xin. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Anh trước khi biến thể Omicron được phát hiện cho thấy vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện hàng loạt đột biến khiến các kháng thể ít hiệu quả hơn. Biến thể Omicron có một số đột biến này và một số đột biến không quen thuộc khác. Việc hiểu về mức độ kháng kháng thể sẽ cần thời gian nghiên cứu thêm.

Hiện còn quá sớm để khẳng định liệu Omicron có khiến người mắc bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng hơn hay không. Các bệnh nhân hiện mắc biến thể này sẽ cần vài tuần để xem tình trạng bệnh của họ diễn biến như thế nào.

Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. (Ảnh minh họa: Kyodo)

Đối phó với biến thể mới

Sau khi WHO tuyên bố Omicron là biến thể đáng lo ngại, nhiều quốc gia đã nhanh chóng áp đặt lệnh cấm đối với khách du lịch từ khu vực miền Nam châu Phi - nơi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên. Các nước châu Âu đã đóng cửa biên giới với hành khách từ nhiều nước châu Phi. Ủy viên Y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides ngày 30/11 kêu gọi chính phủ các nước thành viên EU đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và khẩn trương triển khai tiêm tăng cường; đồng thời xét nghiệm trên diện rộng hơn nữa bằng phương pháp xét nghiệm nhanh và xét nghiệm phân tử. Nhật Bản và Israel thậm chí cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài. Malaysia thì siết chặt kiểm soát biên giới với các nước và khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới này; đồng thời cũng quyết định tạm dừng việc chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu vì biến thể Omicron mới xuất hiện có khả năng lây nhiễm cao, đồng thời giám sát sự lây nhiễm của biến thể này để ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.

 

“Chìa khóa” cho cuộc chiến chống COVID-19 nằm ở việc các quốc gia phải cùng hướng tới một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc nhằm ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quyết định lùi đến tháng 3/2022 mới tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng để giải quyết các vấn đề thương mại gai góc. Hội nghị này ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 3/12 với sự tham dự của khoảng 4.000 quan chức, trong đó có các nguyên thủ quốc gia và hơn 100 bộ trưởng chính phủ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp toàn cầu đang “nín thở” theo dõi biến thể này để đánh giá tác động đối với hoạt động kinh doanh và lợi nhuận. Những thông tin về một biến thể vi rút có khả năng lây lan nhanh chóng đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng các nước sẽ áp đặt trở lại những biện pháp hạn chế vốn đã khiến các ngành "đóng băng" trong năm 2020.

Các nhà sản xuất thuốc và vắc xin thì đang chuẩn bị cho khả năng biến thể Omicron sẽ trở thành thách thức lớn tiếp theo của đại dịch COVID-19. Moderna đã công bố chiến lược đối phó với biến thể Omicron từ hôm 26/11. Moderna, Pfizer và BioNTech cũng đang thúc đẩy mũi tăng cường đối phó biến thể Omicron. Johnson & Johnson ngày 29/11 cho biết hãng này đang nghiên cứu vắc xin đặc trị Omicron. Novavax ngày 26/11 cho biết cũng đã bắt đầu phát triển vắc xin đối phó với biến thể Omicron, sẵn sàng thử nghiệm và sản xuất trong vài tuần tới nếu cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng “chìa khóa” cho cuộc chiến chống COVID-19 nằm ở việc các quốc gia phải cùng hướng tới một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc nhằm ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin.

Trong gần hai năm vừa qua, các làn sóng dịch bệnh COVID-19 gây thiệt hại nặng nề ở nhiều quốc gia có nguyên nhân từ sự thiếu hụt vắc xin và tình trạng trì trệ trong nỗ lực đạt được miễn dịch cộng đồng. Dù nhiều nước phát triển đang có thừa vắc xin đã đề xuất hỗ trợ các nước có thu nhập thấp nhưng sự giúp đỡ này còn mang tính thời vụ và thiếu sự bền vững.

Đã đến lúc để các quốc gia thành viên của WHO hướng tới một thỏa thuận quốc tế ràng buộc nhằm chuẩn bị đối phó tốt hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng như các đại dịch trong tương lai. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, thỏa thuận cần đặt ra các nguyên tắc mang tính cam kết cao nhằm tăng cường sự đoàn kết, công bằng và vì sức khỏe cộng đồng. Một thỏa thuận quốc tế cũng phải dựa trên việc mọi người được tiếp cận vắc xin công bằng, phù hợp với khả năng của nền kinh tế và quyền con người. Đồng thời, nội dung thỏa thuận cần nêu rõ cách tiếp cận chung để sử dụng và phân phối công bằng các nguồn lực, đảm bảo sức khỏe cho không chỉ riêng một quốc gia, mà cho cả cộng đồng.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.