Multimedia Đọc Báo in

Chống biến đổi khí hậu: Nỗ lực biến thách thức thành hành động

21:36, 25/12/2021

Phía trước sẽ là một chặng đường đầy thách thức để thế giới hiện thực hóa mục tiêu chống biến đổi khí hậu

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2021 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt với việc thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26). theo đó 197 thành viên nhất trí theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm ngăn ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra. Phía trước sẽ là một chặng đường đầy thách thức để thế giới hiện thực hóa mục tiêu này.

Từ dấu ấn Glasgow

Diễn ra vào tháng 11 tại Glasgow (Anh), hội nghị COP26 khẳng định mức độ nghiêm trọng và tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, như lời đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry: “Hội nghị này có sự khác biệt vì có nhiều nỗ lực, sự tập trung, và tính cấp bách hơn tất cả các COP trước đó”. Hội nghị chứng kiến nhiều nỗ lực thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với những cam kết tham vọng.

Một trong những dấu ấn của COP26 là việc nhiều nước công bố thời hạn cụ thể để đưa mức phát thải ròng về 0, trong đó có 3 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia… cam kết đạt mục tiêu này vào năm 2050. Việt Nam cũng cam kết năm 2050. Trung Quốc, Nga và Saudi Arabia đưa ra thời hạn năm 2060. Đặc biệt, việc Ấn Độ tuyên bố đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2070 được đánh giá là "bước ngoặt" bởi trước đó, nước phát thải khí nhà kính nhiều thứ ba thế giới này thường tránh các cam kết “net-zero”.

Một điểm nhấn khác của COP26 là lần đầu tiên một thỏa thuận khí hậu của LHQ đề cập tới nhiên liệu hóa thạch, theo đó các quốc gia cam kết “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”. Hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết theo đuổi lộ trình loại bỏ dần loại nhiên liệu góp phần lớn nhất gây ra tình trạng biến đổi khí hậu này. 

Quan trọng hơn, nhằm đảm bảo giữ mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay, các chính phủ đã nhất trí cập nhật các kế hoạch quốc gia, được gọi là Đóng góp Quốc gia tự quyết (NDC), cho năm 2030 ngay tại Hội nghị COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập cuối năm 2022, đồng thời nộp NDC cho năm 2035 vào năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc biến những cam kết tại Glasgow thành các chính sách và tìm kiếm những cách thức mới để đẩy nhanh quá trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Đây là bước tiến lớn bởi theo các thỏa thuận khí hậu trước đây của LHQ, các thành viên được yêu cầu đệ trình NDC 5 năm một lần.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các bên cũng đưa ra một loạt cam kết quan trọng, trong đó nổi bật là hơn 100 quốc gia, gồm Brazil, quê hương của rừng nhiệt đới Amazon, cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Gần 100 nước cam kết đến năm 2030 cắt giảm 30% lượng phát thải khí methan (thủ phạm góp 30% vào sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu), trong đó có 6 quốc gia thuộc nhóm 10 nước phát thải khí methan lớn nhất thế giới.

Những mục tiêu và cam kết đầy tham vọng trên cho thấy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức về biến đổi khí hậu. Bản thân việc đạt được các mục tiêu này cũng là thách thức lớn trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu hiện vẫn tăng đều đặn ở mức 0,1- 0,3 độ C mỗi thập niên. Mức nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2020 cao hơn 1,1-1,3 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và con số này đang gia tăng. Dựa vào những cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nhà lập mô hình khí hậu dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,7 độ C vào năm 2100. Những cam kết tham vọng hơn tại Glasgow cũng chỉ khiến mức tăng này giảm khoảng 0,3 độ C.

Một thách thức khác là thế giới cần giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính trước năm 2030 để hiện thực hóa mục tiêu 1,5 độ C. Trước COP26, các nhà phân tích cho biết có sự chênh lệch từ 23-27 tỷ tấn giữa mức phát thải cần giảm vào năm 2030 và tổng lượng phát thải dự kiến từ nay đến năm 2030 theo NDC do các quốc gia đệ trình.

Mặc dù tại COP26, nhiều nước đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, song theo phân tích, các NDC mới đệ trình, cùng với các cam kết tại COP26 về giảm phát thải khí methan, loại bỏ than đá, ngăn chặn phá rừng và chuyển đổi sang xe chạy điện cũng chỉ giúp thu hẹp mức chênh lệch trên từ 6-9 tỷ tấn. Như vậy, thế giới vẫn cần giảm 17-20 tỷ tấn phát thải khí nhà kính trước năm 2030, tương đương mức giảm 45% so với năm 2010. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ, ngay cả khi hoàn thành mục tiêu này, cơ hội để đạt được mục tiêu 1,5 độ C cũng chỉ là 50%.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là đảm bảo tài trợ để giúp các nước nghèo loại bỏ năng lượng hóa thạch, xây dựng năng lực thích ứng và phục hồi sau thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Các nước giàu đã không thể thực hiện cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo vào năm 2020 và cam kết này chỉ có thể thực hiện sớm nhất vào năm 2023.

Theo Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), năm 2019 chỉ có 80 tỷ USD/năm được thực hiện và tài trợ cho thích ứng biến đổi khí hậu, dự kiến chiếm một nửa trong số 100 tỷ USD, chỉ đạt khoảng 20 tỷ USD. Thiếu tiền tài trợ cho các nước nghèo đồng nghĩa với việc thế giới đang phát triển không thể hoàn thành mục tiêu giảm phát thải, trở thành một thách thức đối với nỗ lực toàn cầu để hiện thực hóa mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia khẳng định điều quan trọng là tại COP26, các bên đạt được có sự đồng thuận tại rằng thế giới không nên rời bỏ mục tiêu 1,5 độ C bởi mỗi bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đều mang lại lợi ích.

Tới hành động cụ thể

Để giải quyết các thách thức trên, đã có những nỗ lực phối hợp đa phương nhằm thúc đẩy các cam kết tại Glasgow thông qua việc hình thành các “liên minh” gồm quốc gia, công ty và địa phương, để đưa ra các mục tiêu khí hậu riêng trong các lĩnh vực cụ thể. Trong số này phải kể đến Mỹ, Anh, Pháp, Đức và EU đã nhất trí huy động 8,5 tỷ USD từ các nguồn vốn công và tư trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ Nam Phi giảm phát thải carbon trong sản xuất điện, đồng thời bảo vệ sinh kế của 120.000 người làm việc trong ngành điện.

Khói bụi do Nhà máy điện than của Eskom tại tỉnh Mpumalanga (Nam Phi) gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Phi Hùng/TTXVN
Khói bụi do Nhà máy điện than của Eskom tại tỉnh Mpumalanga (Nam Phi) gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TTXVN

Một loạt các biện pháp khác, được thực hiện cùng một lúc, cũng có thể giúp thu hẹp khoảng cách phát thải. Là một phần trong kế hoạch hợp tác mới về khí hậu với Mỹ được công bố tại Glasgow, Trung Quốc sẽ xây dựng chiến lược quốc gia nhằm giảm phát thải khí methan, dự kiến sẽ được công bố trước COP27. Cam kết này rất quan trọng bởi Trung Quốc là nước phát thải khí methan lớn nhất thế giới.

Một biện pháp có thể góp phần giảm phát thải là phát triển thị trường carbon tự nguyện. Mặc dù khối lượng giao dịch trên thị trường hiện nay chưa cao, nhưng nhu cầu đang tăng lên do số lượng ngày càng lớn các công ty tư nhân cam kết các mục tiêu khí hậu. Những thị trường này có thể hướng các quỹ tư nhân tới các dự án giảm phát thải carbon hiệu quả nhất và vì vậy đẩy nhanh quá trình này. Các biện pháp khác để thu hẹp khoảng cách phát thải gồm các ưu đãi tài chính sử dụng nguồn vốn công và tư cho các nền kinh tế mới nổi để giảm lượng phát thải, và yêu cầu khu vực tư nhân nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Các chuyên gia nhận định vẫn còn là chặng đường dài để thế giới cán đích 1,5 độ C, trừ phi các chính phủ xây dựng được những kế hoạch cụ thể và hành động khẩn cấp với các biện pháp quyết liệt.

Việt Nam cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu, trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các cam kết thực hiện Hiệp định Paris vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu minh bạch…

Sau COP 26, Việt Nam đã triển khai rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã và đang được xây dựng để điều chỉnh phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050, thực hiện lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án điện than, nâng tỷ trọng “điện sạch” vào hệ thống; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai các cam kết....

2022 sẽ tiếp tục là một năm đầy áp lực để tăng tốc nỗ lực chống biến đổi khí hậu, trong đó nhiệm vụ xuyên suốt là tiến hành kiểm tra trên phạm vi toàn cầu về tiến độ thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris để đưa ra kết luận vào năm 2023. Đây cũng sẽ là trọng tâm của Ai Cập với vai trò chủ nhà COP27. Thế giới kỳ vọng Sharm el-Sheikh sẽ là nơi chứng kiến những bước tiến mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đầy thử thách.

Theo TTXVN/Tintuc


Ý kiến bạn đọc