Multimedia Đọc Báo in

Đồng thuận ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân

06:14, 09/01/2022

Ngày 3/1, Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp đã nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh để xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Trong một tuyên bố hiếm hoi, 5 cường quốc hạt nhân của thế giới đồng thời là 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc khẳng định “không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân” và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra. Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng khẳng định rằng, đến khi nào chúng ta còn tồn tại, vũ khí hạt nhân phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và chiến tranh. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa của những loại vũ khí này".

Tuyên bố trên được công bố trước thềm một hội nghị của Liên hiệp quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân, đáng lẽ diễn ra từ ngày 4 đến 28/1 tại New York (Mỹ) nhưng đã bị hoãn do dịch COVID-19. Hội nghị này nhằm rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), được tổ chức 5 năm/lần kể từ năm 1975 (gần đây nhất vào năm 2015), tạo diễn đàn để các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thảo luận với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Khoảng 190 nước đã ký NPT.

Một cuộc họp thảo luận về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Năm 2020, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres từng bày tỏ lo ngại tiến trình xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân có nguy cơ bị đẩy lùi khi mà nhiều nước coi vũ khí hạt nhân như một phần của chiến lược chiến tranh, chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp tự vệ hay răn đe. Cuối tháng 9/2021, ông Guterres lại một lần nữa lên tiếng cảnh báo nhân loại đang phải đối mặt với “mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất” trong gần 4 thập kỷ qua.

Trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, tuyên bố của 5 cường quốc thực sự là một thông điệp tích cực, được thấy rõ qua phản ứng của dư luận. Theo hãng tin Sputnik, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc Abdulla Shahid đã hoan nghênh tuyên bố chung ngày 3/1 của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề hạt nhân. Ông Paulina Kubiak - người phát ngôn của ông Shahid cho biết: “Chủ tịch Abdulla Shahid hoan nghênh tuyên bố chung của 5 cường quốc hạt nhân, những quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Các cam kết theo nghĩa vụ của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm nghĩa vụ theo Điều VI và mong muốn tăng cường sự hiểu biết, cũng như tin cậy lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không mang lại lợi ích và gây nguy hiểm cho tất cả. Đây là thông điệp đúng đắn đối với thế giới trong bối cảnh chúng ta bắt đầu năm mới".

Cũng trong ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng tuyên bố của các cường quốc hạt nhân trên thế giới sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều biến động hiện nay. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng rằng trong điều kiện khó khăn chung của tình hình an ninh quốc tế hiện nay, việc thông qua một tuyên bố chính trị như vậy sẽ giúp giảm căng thẳng quốc tế".

Tổng số vũ khí hạt nhân, dù đã giảm trong vài chục năm qua, nhưng vẫn còn khoảng 14.000 vũ khí được dự trữ trên khắp thế giới.

Trả lời hãng thông tấn RIA Novosti, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Moskva vẫn coi hội nghị thượng đỉnh giữa các cường quốc hạt nhân lớn trên thế giới là điều cần thiết.

Trung Quốc khẳng định tuyên bố này giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các cường quốc thế giới. Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triều Húc nhấn mạnh: "Tuyên bố chung của 5 nhà lãnh đạo các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và thay thế sự cạnh tranh giữa các cường quốc bằng sự hợp tác".

Trong khi đó, các cuộc đàm phán diễn ra ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) cũng đang đạt được những tiến bộ.

Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Ali Bagheri cho biết: "Một số thay đổi bằng văn bản về việc dỡ bỏ các trừng phạt đã được thiết lập giữa hai bên và đã đạt được tiến bộ tương đối đáng hài lòng trong những ngày đầu tiên của vòng đàm phán thứ 8". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng nhận định "có thể đạt một số tiến bộ khiêm tốn" tại vòng đàm phán này.

JCPOA được Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) ký năm 2015, theo đó, Tehran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận do cho rằng JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại.

Ngày 27/12/2021, vòng đàm phán thứ 8 nhằm đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đã bắt đầu tại Vienna. Mỹ chỉ tham gia một cách gián tiếp qua trung gian là các nước châu Âu.

Hồng Hà

(Theo Vietnam+, SGGP)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.