Multimedia Đọc Báo in

Quan hệ Mỹ - Trung năm 2022: Tiếp nối, điều chỉnh và khả năng đột biến

21:11, 26/01/2022

Năm 2022 tiếp tục là một năm trắc trở trong quan hệ Mỹ - Trung hay lộ diện "tia sáng cuối đường hầm".

Quan hệ với Trung Quốc và Nga luôn là hai vấn đề cơ bản, trọng tâm, thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Năm 2021, căng thẳng giữa Mỹ và Nga leo thang lên đỉnh, với liên tiếp cảnh báo, răn đe, tạo ấn tượng cận kề “miệng hố chiến tranh” và khủng hoảng an ninh châu Âu. Ít “ồn ào” hơn, nhưng quan hệ Mỹ - Trung cũng không kém phần "kịch tính", từ vấn đề thương mại, quốc phòng, ngoại giao đều phủ bóng của hoài nghi và mâu thuẫn.

Phần chìm của tảng băng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden xác định Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI”, “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”, có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ, tham vọng, hành động cứng rắn, đe dọa vị thế, lợi ích chiến lược của Mỹ và đồng minh. Washington phải nỗ lực không để Bắc Kinh vượt lên.

Trong khi đó, Bắc Kinh tự tin vào sức mạnh của mình, cho rằng việc Trung Quốc vượt Mỹ là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra. Vì vậy, việc cạnh tranh, đối đầu giữa hai cường quốc là khó tránh khỏi.

Dấu ấn nổi trội trong quan hệ Mỹ - Trung năm 2021 là sự cạnh tranh quyết liệt, cả chiều rộng và bề sâu, trên nhiều lĩnh vực, từ an ninh, kinh tế, thương mại, công nghệ, ngoại giao đến các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương...

Mỹ tập trung nỗ lực, kết nối đồng minh, đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, duy trì quyền lực, lợi ích chiến lược ở khu vực. Washington thúc đẩy, nâng tầm hoạt động Bộ tứ (Quad), hình thành “liên minh tàu ngầm” tay ba với Anh, Australia (AUKUS), tăng cường diễn tập, hoạt động tự do hàng hải (FONOP), phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông...

Mỹ cùng nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) xúc tiến chiến lược Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W), được cho là để đối trọng với Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc.

Màn hình lớn trình chiếu cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên kênh CCTV ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16/11/2021. (Nguồn: Getty Image)
Màn hình lớn trình chiếu cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên kênh CCTV ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16/11/2021. (Ảnh: Getty Image/Baoquocte.vn)

Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng khó có thể gây sức ép một chiều, triệt tiêu sức mạnh của đối thủ, mà không bị tổn thất lớn.

Vì vậy, Tổng thống Joe Biden đề ra phương châm chỉ đạo “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh mục tiêu tạo lập môi trường để hai nước hoạt động trong hệ thống quốc tế trong một tương lai có thể đoán định trước và tìm kiếm biện pháp cùng tồn tại.

Theo tinh thần đó, hai bên có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại và cách thức tiến hành, theo hướng thực tế hơn, nhằm kiểm soát tình hình, giảm căng thẳng trực tiếp. Quan hệ song phương tuy căng thẳng, không ít lần chỉ trích, trừng phạt lẫn nhau xung quanh vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Biển Đông…, nhưng chưa đến mức đối đầu, xung đột quân sự.

Năm đầu tiên của Tổng thống Joe Biden trong hành trình đưa nước Mỹ trở lại, đan xen giữa thành công và thất bại, hạn chế. Trong quan hệ với đồng minh, đối tác, Mỹ nghiêng về hỗ trợ, hợp tác quân sự, an ninh hơn là đáp ứng nhu cầu kinh tế, thương mại, đầu tư, nổi lên trong đại dịch COVID-19. Việc liên kết, hợp tác với đồng minh, đối tác hiệu quả chưa cao, chưa tạo sức thu hút như con bài của Trung Quốc.

Quá trình thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ cũng bộc lộ mâu thuẫn, lúng túng. Sa lầy trong quan hệ với Nga, trong vấn đề Ukraine, an ninh châu Âu, Mỹ bị phân tán nguồn lực, tạo cơ hội cho Trung Quốc vượt lên.

Những nơi Washington rút bỏ, giảm nhẹ quan tâm (Afghanistan, Syria, Trung Đông, châu Phi…), Bắc Kinh đã nhanh nhạy thế chân. Việc Mỹ lạm dụng trừng phạt, đe dọa đã đẩy Nga, Trung Quốc, Iran… xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

Theo các học giả, chuyên gia, chủ trương, hành động của Mỹ thiếu nhất quán, sự phối hợp chặt chẽ. Về hình thức, cạnh tranh Mỹ - Trung năm 2021 bớt cực đoan so với thời Tổng thống Donald Trump, không quá nhiều sự kiện nóng. Nhưng đó chỉ là phần nổi.

Phần chìm tảng băng lớn hơn nhiều, tiềm ẩn những nhân tố phức tạp. Trung Quốc là thách thức lớn nhất, toàn diện nhất, lâu dài nhất đối với Mỹ. Đó là cuộc cạnh tranh ngôi vị cường quốc số một, mà mỗi bên đều có ưu thế, thuận lợi, khó khăn riêng.

Tiếp nối, điều chỉnh và đột biến

Bản chất mối quan hệ Mỹ - Trung, những vấn đề tiềm ẩn chuyển giao từ năm cũ và bối cảnh quốc tế phức tạp, báo hiệu cục diện song phương năm 2022 sẽ có nhiều trắc trở. Nếu tìm được biện pháp giảm nhiệt căng thẳng quan hệ với Nga và tạo đồng thuận cao với đồng minh, Mỹ sẽ có điều kiện tập trung nỗ lực vào mối quan hệ với Trung Quốc.

Trước đây, Mỹ từng có học thuyết tiến hành đồng thời hai cuộc chiến tranh. Nhưng trong bối cảnh mới, đối đầu đồng thời với nhiều đối thủ lớn, Mỹ sẽ gặp bất lợi.

Tình hình chính trị trong mỗi nước vừa chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, vừa là nhân tố tác động lớn đến xu hướng quan hệ Mỹ - Trung.

Năm 2021, chính sách quan hệ với Trung Quốc không nhận được sự ủng hộ của dư luận Mỹ, nên cần thay đổi. Chỉ số tín nhiệm thấp (41%), cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được dự báo nhiều rủi ro buộc Tổng thống Biden phải giữ lập trường cứng rắn. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm và chủ nghĩa dân tộc, đòi hỏi Bắc Kinh phải tiếp tục hành động mạnh mẽ, kiên quyết.

Vì vậy, cả Mỹ và Trung Quốc khó đưa ra những giải pháp, sáng kiến mới, tạo đột phá, giảm căng thẳng, tránh phản ứng từ bên trong.

Với bối cảnh đó, quan hệ Mỹ - Trung năm 2022 sẽ trong trạng thái “bình thường mới”. Căng thẳng vẫn là xu thế chủ đạo, có thể leo thang, song vẫn duy trì tiếp xúc, đối thoại. Mâu thuẫn lợi ích, cạnh tranh chiến lược sẽ gay gắt hơn, nhưng cố giữ trong tầm kiểm soát, tránh rủi ro, đột biến bất lợi, rơi vào khủng hoảng, đối đầu quân sự trực diện.

Trong quan hệ Mỹ-Trung, căng thẳng vẫn là xu thế chủ đạo, có thể leo thang, song vẫn duy trì tiếp xúc, đối thoại. (Nguồn: Eurasia Group)
Trong quan hệ Mỹ - Trung, căng thẳng vẫn là xu thế chủ đạo, có thể leo thang, song vẫn duy trì tiếp xúc, đối thoại. (Ảnh: Eurasia Group/Baoquocte.vn)

Mỹ tiếp tục nỗ lực cô lập Trung Quốc với môi trường công nghệ quốc tế, duy trì lệnh hạn chế, xử lý các lỗ hổng pháp lý, ngăn các công ty tiếp cận công nghệ quân sự quan trọng; đưa tổ chức, cá nhân liên quan vào “danh sách đen”; phối hợp với đồng minh kiểm soát xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Giải quyết vấn đề kinh tế, thương mại là ưu tiên của cả hai bên. Căng thẳng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại có thể tạm thời hạ nhiệt. Mỹ và Trung Quốc sẽ cố tìm kiếm một vài nội dung có thể hợp tác về biến đổi khí hậu, cung cấp vắc xin, khắc phục hậu quả COVID-19. Nhưng mâu thuẫn cơ bản, cốt lõi về kinh tế, thương mại vẫn còn nguyên và tác động lâu dài.

Bước vào năm 2022, khó có thể nói bên nào khó khăn, thuận lợi hơn. Có điều, khoảng cách chênh lệch ngày càng thu hẹp và sẽ có đổi ngôi ở một số nội dung, lĩnh vực. Tình thế đó khuyến khích xu thế cạnh tranh quyết liệt, tổng thể. Một bên cố giữ và một bên quyết vượt lên, bằng sự kết hợp các công cụ, biện pháp, lĩnh vực.

Trong lịch sử, sự thay đổi đế chế thường thông qua chiến tranh. Trong bối cảnh mới, điều đó ít khả năng xảy ra, có thể thay bằng chiến tranh lạnh. Sự thay đổi thường diễn ra chậm hơn, dài hơn.

Quan hệ Mỹ-Trung năm 2022 vẫn tiếp tục xu thế cạnh tranh quyết liệt, căng thẳng, phức tạp. Nhưng cả hai sẽ phải cân bằng giữa gây sức ép, răn đe với duy trì kênh liên lạc, đối thoại. Sẽ khó xảy ra đột biến giữa Mỹ và Trung Quốc, theo cả hai chiều, tốt lên và xấu đi.

***

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Nga là tâm điểm, phản ánh thực chất quan hệ quốc tế, xu thế đa trung tâm, đa phương, sự tùy thuộc lẫn nhau ở mức cao, tác động mạnh, đa chiều đến môi trường thế giới, khu vực.

Bên cạnh nguy cơ căng thẳng, xung đột, đối đầu, thì xu thế đối thoại, hợp tác, cùng phát triển ngày càng được các quốc gia coi trọng. Các nước đang phát triển, nước nhỏ cần chủ động thích ứng với chính sách, chiến lược và những tác động từ các nước lớn.

Theo Baoquocte.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.