Căng thẳng liên quan đến Ukraine: Nỗi lo thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở châu Âu
Cuộc khủng hoảng an ninh liên quan đến vấn đề Ukraine tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới những ngày qua. Đặc biệt khi cuộc khủng hoảng Ukraine đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung năng lượng cho châu Âu và có thể dẫn tới sự dịch chuyển đáng kể của dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi cả Nga và Ukraine đều tiến thành các cuộc tập trận. Giữa bối cảnh các tàu chiến Nga hướng về Biển Đen và điện Kremlin bố trí số lượng lớn binh lính và vũ khí cho các cuộc tập trận ở Belarus, quân đội Ukraine cũng đang chuẩn bị các cuộc tập trận quân sự của mình, sử dụng các máy bay không người lái và tên lửa chống tăng được các đối tác phương Tây cung cấp. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikovn cho biết, các cuộc tập trận này dự tính sẽ diễn ra cho tới ngày 20/2 nhằm phản ứng trước các cuộc tập trận của Nga gần biên giới nước này.
Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngày 8/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda sau vòng đàm phán "con thoi" với các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Ukraine.
Công nhân kiểm tra thiết bị giám sát tại trạm nén khí Slavyanskaya, điểm khởi đầu của Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: TASS |
Nhà lãnh đạo Đức cho biết, trong cuộc gặp, các bên đều nhấn mạnh mục tiêu chung là “tránh một cuộc chiến tranh ở châu Âu”. Phát biểu họp báo chung với hai nhà lãnh đạo Pháp và Ba Lan, ông Scholz nói rõ: “Chúng tôi thống nhất với mục tiêu duy trì hòa bình ở châu Âu thông qua ngoại giao, các thông điệp rõ ràng và quyết tâm cùng hành động".
Về phần mình, Tổng thống Macron kêu gọi đối thoại "không chùn bước" với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Ba Lan Duda cũng nêu rõ các bên cần “tìm ra giải pháp để tránh chiến tranh vì đây là nhiệm vụ chính hiện nay”.
Quan hệ Nga - phương Tây leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây, khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga sẽ triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, phía Nga luôn bác bỏ điều này và khẳng định không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moskva cáo buộc NATO đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Sức ép đè nặng lên thị trường năng lượng châu Âu dự kiến còn kéo dài đến mùa đông năm nay. Chi phí năng lượng của các hộ gia đình trên khắp châu Âu ngày càng “phình lớn” đã khiến các chính phủ phải loay hoay tìm cách bảo vệ người tiêu dùng. |
Căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Moskva liên quan đến Ukraine cũng đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung khí đốt từ Nga cho Liên minh châu Âu (EU). Nga hiện cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU.
Mỹ và EU quyết định hợp tác bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu giữa những xáo trộn phát sinh từ cuộc khủng hoảng an ninh liên quan đến vấn đề Ukraine. Ngày 7/2, tuyên bố chung sau cuộc họp của Hội đồng Năng lượng Mỹ - EU tại Washington cho biết, Washington và Brussels dự kiến sẽ phối hợp tăng nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường thế giới trước tình hình căng thẳng ở Ukraine. Tuyên bố chung có đoạn: “Để đối phó với các tác động địa chính trị và khí hậu lên thị trường năng lượng hiện nay, EU và Mỹ dự kiến sẽ phối hợp để đảm bảo các thị trường LNG toàn cầu có khả năng đảm bảo nguồn cung bổ sung và đa dạng trong trường hợp gián đoạn nguồn cung thông qua các đường ống dẫn khí đốt trong thời gian tới”. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh Mỹ và EU đã tái khẳng định cam kết cùng hợp tác để “đối phó với bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào liên quan đến hoạt động cung cấp các nguồn năng lượng” cho châu Âu.
Nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga trong tháng 1/2022 ở mức thấp lịch sử và EU tuyên bố trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 nếu Nga tấn công Ukraine. (Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230 km, trị giá 11,6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm. Được hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng dự án vẫn chưa vận hành thương mại do cần phải có sự chấp thuận của Đức và EU theo quy định). Bên cạnh đó, EU cũng đang tìm các giải pháp thay thế khí đốt của Nga, trong đó có thể tìm nguồn cung cấp từ Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khí đốt khác không thể nhanh chóng thay thế Nga trở thành nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu, nhất là với những hạn chế về hạ tầng.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Moldova - Romania tại Zagarancea, Ungheni (Moldova). Ảnh: EPA/TTXVN |
Bên cạnh Nga, EU còn nhập khẩu khí đốt từ Na Uy (20,5%), Algeria (11.6%), Mỹ (6,3%) và Qatar (4,3%), cùng một số quốc gia khác có tổng khoảng 10%. Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu, đã tuyên bố nước này đang cung cấp khí đốt ở mức tối đa và không thể bù đắp nguồn cung bị hao hụt từ Nga nếu có. Qatar – một trong những nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và nước xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới sau Australia – có nguồn cung dự trữ khá hạn chế bởi phần lớn sản lượng hiện tại đều phục vụ cho các hợp đồng dài hạn. Hơn nữa, Nga hiện đang có kế hoạch tham gia vào việc xây dựng Dòng chảy Pakistan, một dự án dự kiến làm tăng nhu cầu khí đốt ở Pakistan và điều này sẽ phần nào thúc đẩy Qatar quyết định tái phân phối khí đốt tới quốc gia châu Á và giảm cung cấp cho châu Âu.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết, giá khí đốt tự nhiên ở nhiều quốc gia trong khối tăng 6 - 10 lần so với một năm trước và điều này gây áp lực lớn lên giá điện. Ông Borrell cũng kêu gọi EU khẩn trương xem xét khả năng tạo ra các nguồn dự trữ khí đốt chiến lược và mua chung khí đốt, điều mà EC đã khuyến nghị.
Hồng Hà (Theo Vietnam+, VOV)
Ý kiến bạn đọc