Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng năng lượng do xung đột Nga – Ukraine

09:10, 13/03/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác của Nga trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine ngày càng leo thang. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, việc trừng phạt lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ là cách tốt nhất và cũng có thể là cách duy nhất để buộc Moskva chấm dứt chiến dịch quân sự.

Nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu

Thông tin này ngay lập tức khiến giá dầu thế giới đồng loạt tăng. Giá xăng dầu tại Mỹ đã lên cao kỷ lục vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (3,78 lít), mức tăng được đánh giá có thể đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Mỹ. Nếu như vào tháng 2, giá dầu mỏ là 90 USD/thùng thì hiện giờ đã tăng lên khoảng 130 USD/thùng. Các chuyên gia năng lượng cảnh báo giá dầu có thể lên tới 160 USD hoặc 200 USD/thùng nếu người mua không được tiếp cận với dầu thô của Nga.

Nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk do Rosneft vận hành ở Novokuibyshevsk, vùng Samara, Nga. Ảnh: Bloomberg

Trên thực tế, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine ngày 24/2, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt - đáp trả của Mỹ và phương Tây với Moskva, giá dầu thế giới đã tăng hơn 30%. Bởi vậy, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp nhằm vào ngành năng lượng - vốn là “trái tim” của nền kinh tế Nga - được đánh giá sẽ tạo ra nhiều rủi ro, mặc dù dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga chỉ chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào Mỹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể gây ra sự sụt giảm lớn nguồn cung dầu trên thế giới và điều này sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu. Goldman Sachs nhận định rằng giá dầu Brent có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm nay nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm. Công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo (Na Uy) dự đoán lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu khí của Nga có thể khiến giá dầu thô tăng lên 200 USD/thùng so với mức đỉnh 147 USD/thùng vào năm 2008.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo kịch bản giá dầu có thể tăng lên mức 300 USD/thùng nếu phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga.

Viễn cảnh này có nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu và đẩy nền kinh tế thế giới đối mặt với một trong những “cú sốc” về nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu trong GDP toàn cầu vào khoảng 3%. Mặc dù không phải là yếu tố chính dẫn đến lạm phát, nhưng “vàng đen” là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới, bởi đây là nhiên liệu cho hoạt động vận tải và nguyên liệu của các loại hàng hóa thiết yếu khác như dược, may mặc, hóa chất... Do đó, tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận tại các trạm xăng, mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát tăng cao.

Hãng tin Reuters nhận định tình hình giá dầu hiện tại có thể kéo mức lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên trên 7% và "ăn sâu" vào sức mua của các hộ gia đình. Giá dầu tăng không ngừng cũng gây sức ép lên tình hình lạm phát phi mã tại khu vực châu Á, khu vực nhập khẩu ròng năng lượng.

Các biện pháp đối phó

Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược hiện có khoảng 727 triệu lít dầu. Chính quyền Mỹ cũng dự định sẽ đàm phán để tăng nguồn cung dầu từ các nước sản xuất dầu lớn như Venezuela, Iran và Saudi Arabia trong thời gian tới.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch để chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng từ Nga trước năm 2030 và trước mắt sẽ nỗ lực cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga ngay trong năm nay.

Phát biểu tại hội nghị năng lượng thường niên CERAWeek lần thứ 40 diễn ra tại Houston (Mỹ), Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo đã kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng, bởi theo ông, cũng như các mục tiêu mà Liên hiệp quốc đặt ra, mọi người đều có quyền tiếp cận năng lượng sạch, với giá hợp lý và nguồn cung bền vững.

Theo kế hoạch thúc đẩy sự độc lập về năng lượng được EU công bố ngày 8/3, để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, EU sẽ ưu tiên đa dạng hóa nguồn cung thay thế thông qua nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đặc biệt là từ Mỹ và Qatar. Theo số liệu thống kê, EU đã nhập khẩu 10 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng trong tháng 1/2022, con số kỷ lục từ trước đến nay và đặt mục tiêu sẽ nhập khoảng 50 tỷ m3 khí này trong năm nay.

Ưu tiên thứ hai của EU là cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt hằng năm hiện nay xuống còn 30% vào năm 2030, đồng thời đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo cũng như phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất và dự trữ năng lượng. EU dự kiến từ nay đến tháng 4 tới sẽ ban hành văn bản luật yêu cầu các quốc gia thành viên phải nâng mức dự trữ trong kho năng lượng chiến lược từ 30% lên 90% trước tháng 10/2022 để phục vụ nhu cầu cho mùa đông tới.

Tại một điểm bán xăng ở Alhambra, bang California (Mỹ) ngày 4/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban châu Âu (EC) trước mắt vẫn cho phép các quốc gia thành viên tự lựa chọn nhà cung cấp năng lượng trong ngắn hạn, đồng thời xem xét phương án mua chung khí đốt và áp đặt giới hạn giá năng lượng tạm thời để đối phó với tình trạng giá tăng đột biến hiện nay. EC dự kiến cũng sẽ mở cuộc điều tra về thị trường khí đốt trước khả năng bị chi phối và cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các nhà cung cấp khí đốt, đặc biệt là tập đoàn Gazprom của Nga.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cảnh báo rằng đưa việc cấm các công ty châu Âu hợp tác với Nga ngay lập tức có thể gây ra những hậu quả to lớn cho châu lục, bao gồm Ukraine và toàn thế giới. Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov tuyên bố không thể ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga, cảnh báo các nước thành viên EU sẽ "trải qua khó khăn lớn" nếu thực hiện điều này.

Bản thân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng thừa nhận rằng mục tiêu giảm phụ thuộc của EU vào năng lượng của Nga trong thời gian ngắn sẽ rất khó khăn.

Hồng Hà (Theo Vietnam+, VOV)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.