Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm thứ 3 vắc xin ngừa COVID-19 đối với biến thể Omicron

17:26, 11/03/2022

Vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA đạt hiệu quả cao trong việc phòng ngừa nguy cơ phải nhập viện đối với người mắc COVID-19 nhiễm các biến thể Alpha, Delta và Omicron.

Tuy nhiên, để đạt mức độ phòng ngừa biến thể Omicron tương đương phòng ngừa biến thể Delta và Alpha, cần tiêm 3 mũi vắc xin. Kết luận trên được các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí chuyên ngành The BMJ, số ra ngày 9/3.

Theo nghiên cứu, mặc dù mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhân nhiễm Omicron thấp hơn so với Delta, song những người nhiễm Omicron vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong. Các nghiên cứu trước đây cho thấy hiệu quả của vắc xin phòng ngừa lây nhiễm và nhập viện do biến thể Omicron thấp hơn so với các biến thể trước đó, hiện tại giới khoa học ít biết về hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng nhất của COVID-19, trong đó có suy hô hấp và tử vong, đối với bệnh nhân nhiễm Omicron.

Để hiểu hơn về hiệu quả của vắc xin, các nhà nghiên cứu đã đánh giá mức độ nghiêm trọng khi nhiễm một trong số các biến thể Alpha, Delta và Omicron đối với những người trưởng thành phải nhập viện và so sánh hiệu quả của việc tiêm 2 và 3 liều vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA (gồm vắc xin của Pfizer/BioNTech và của Moderna).

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi 5-11 tại Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi 5-11 tại Hartford, Connecticut, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của 11.690 người trưởng thành phải điều trị tại 21 bệnh viện trên khắp nước Mỹ từ tháng 3/2021 đến tháng 1/2022, trong đó 5.728 ca mắc COVID-19 và 5.962 không mắc COVID-19 để đối chứng. Bệnh nhân được phân loại theo 3 nhóm nhiễm các biến thể dựa theo giải trình tự gene của virus hoặc theo biến thể lưu hành chủ đạo tại thời điểm nhập viện, gồm: Alpha (từ ngày 11/3 đến 3/7/2001), Delta (từ ngày 3/7 đến 25/12/2021) và Omicron (26/12 đến 14/1/2022).

Sau đó, các nhà nghiên cứu đánh giá hiệu quả của vắc xin đối với từng loại biến thể và so sánh mức độ nghiêm trọng của bệnh giữa các biến thể thông qua việc sử dụng thang đánh giá tiến triển lâm sàng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kết quả cho thấy hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ nhập viện của việc tiêm 2 liều vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA đối với biến thể Omicron thấp nhất, với 65%, trong khi tỷ lệ này ở biến thể Apha và Delta lần lượt 85% và 85%; tuy nhiên, việc tiêm 3 liều vắc xin giúp hiệu quả bảo vệ người nhiễm Omicron khỏi nguy cơ nhập viện đạt 86%, tương đương hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm 2 liều vắc xin đối với biến thể Alpha và Delta.

Đối với những người nhập viện chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, những người nhiễm Delta có diễn tiến bệnh nặng nhất, tiếp đó là biến thể Alpha và cuối cùng là Omicron. Tuy nhiên, biến thể Omicron có liên quan đến tình trạng nguy kịch và tử vong, với 15% số bệnh nhân nhiễm Omicron (đã tiêm vắc xin và chưa tiêm vắc xin) phải thở máy xâm lấn và 7% tử vong trong bệnh viện. Bệnh nhân được tiêm vắc xin nhập viện khi nhiễm một trong số các biến thể kể trên có diễn tiến bệnh nhẹ hơn đáng kể so với những người chưa tiêm.

Do đây là nghiên cứu dựa trên phương pháp quan sát, nên nghiên cứu không chỉ ra nguyên nhân dẫn tới kết quả này.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.