Multimedia Đọc Báo in

Vòng trừng phạt mới với Nga - phép thử sự thống nhất trong nội bộ EU

17:15, 17/03/2022

Ba Lan và các nước Baltic muốn siết chặt lĩnh vực tài chính của Moskva hơn nhưng Đức không muốn đề cập đến nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

Theo trang Politico.eu ngày 16/3, cho đến nay sự đoàn kết, thống nhất của EU là rất ấn tượng khi đã áp dụng bốn đợt trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, việc tăng cường cấp độ trừng phạt tiếp theo sẽ gặp khó khăn hơn và phơi bày một số vấn đề ngoại giao cũ: Đức hết sức cảnh giác với những lời kêu gọi của Ba Lan và các nước Baltic, trong việc phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin và cắt đứt nguồn thu nhập từ năng lượng quan trọng của Moskva.

Sau giai đoạn ban đầu thiếu thống nhất về việc trừng phạt Nga liên quan đến hệ thống thanh toán SWIFT, sự đoàn kết tiếp theo EU đã làm hài lòng cả những nhà chỉ trích gay gắt nhất ở châu Âu. Các biện pháp trừng phạt hệ thống ngân hàng Nga của EU đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gây tổn thất nghiêm trọng đối thị trường tài chính và tiền tệ của Nga.  

Tuy nhiên, vòng trừng phạt thứ năm có khả năng là phép thử quyết định đối với sự đoàn kết của EU. Ukraine nhiều lần kêu gọi doanh thu từ dầu khí của Nga phải bị chặn và tất cả các ngân hàng Nga phải bị trừng phạt. Kiev cho rằng việc cấm vận năng lượng hoàn toàn "có thể giúp giảm đáng kể tổn thất của cuộc xung đột và buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán".

Mặc dù EU không loại trừ cuối cùng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt dầu và khí đốt của Nga, nhưng hiện tại không có đề xuất nào như vậy được đưa ra nhằm tránh những tác động kinh tế lớn hơn. Ảnh: Euractiv.com
Mặc dù EU không loại trừ cuối cùng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt dầu và khí đốt của Nga nhưng hiện tại không có đề xuất nào như vậy được đưa ra nhằm tránh những tác động kinh tế lớn hơn. Ảnh: Euractiv.com/TTXVN

Ukraine khẳng định rằng Moskva có thể kéo dài cuộc xung đột khi thu về hơn 600 triệu USD mỗi ngày từ việc bán năng lượng và trên thực tế Iran cho thấy một quốc gia bị trừng phạt nặng nề, nhưng vẫn duy trì các hoạt động của mình nhờ bán nhiên liệu hóa thạch.

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, Ba Lan và các nước Baltic (những nước có quan điểm cứng rắn nhất về Nga) rất ủng hộ cách tiếp cận của Kiev và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trừng phạt dầu khí. “Tiền mà chúng tôi đang chi trả cho dầu và khí đốt từ Nga được sử dụng để hỗ trợ cuộc xung đột ở Ukraine”, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis nói.

Điều này dẫn đến phản ứng từ Berlin, trụ cột kinh tế của EU, vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga và nhiều năm theo đuổi chính sách thân thiện với Moskva hơn là đa dạng hóa nguồn cung dầu, khí đốt.

Được sự ủng hộ của Hungary và nhiều nước khác, Đức cho rằng "đánh vào dầu khí là điều không nên". Các biện pháp trừng phạt của EU đòi hỏi sự đồng thuận, do đó ngoài Ba Lan cùng một số nước ủng hộ, lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu và khí đốt của Nga dường như khó có thể thực hiện được trong giai đoạn này.

Các đại sứ EU dự kiến tổ chức một cuộc họp quan trọng vào ngày 18/3 để xem xét vấn đề trên. Nhưng một quan chức EU cho biết có thể cuộc họp này sẽ trở thành một cuộc đối đầu vì vài quốc gia phía Đông, dẫn đầu là Ba Lan đang yêu cầu hành động mạnh hơn. 

Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU sắp tới được coi là cột mốc quan trọng tiếp theo về quy trình ra quyết định của EU và nhiều nhà ngoại giao cũng như quan chức Ủy ban châu Âu cho biết họ có thể gia tăng sức ép với Nga nếu tình hình leo thang đáng kể ở Ukraine.  

Các nhà ngoại giao cho biết ở một mức độ nào đó, cuộc tranh luận về các biện pháp trừng phạt Nga đã chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Một nhà ngoại giao EU nêu rõ: “Công việc vẫn tiếp tục, nhưng tất nhiên nhiều nước thành viên thận trọng hơn so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột". 

Cách tiếp cận của EU đối với các biện pháp trừng phạt Moskva trong những tuần qua đã tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Khi đó các nước Ba Lan và Baltic đã rất tức giận vì những quốc gia Tây Âu từ chối đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn. Lần này, EU đã có động thái, nhưng vấn đề liên quan đến dầu và khí đốt của Nga có nguy cơ làm hồi sinh sự chia rẽ ngoại giao chính của EU như năm 2014 khi Warsaw và Vilnius lập luận rằng các quốc gia phương Tây không chấp nhận sự cần thiết của biện pháp răn đe phòng ngừa.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.