Xung đột địa chính trị và dịch COVID-19 tại Trung Quốc định hình lại tương lai các chuỗi cung ứng toàn cầu
Các cuộc xung đột địa chính trị, trừng phạt lẫn nhau và đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi thế giới, trong đó định hình lại tương lai của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trang chinausfocus.com dẫn lời chuyên gia Larry Fink - Giám đốc điều hành của BlackRock, Inc, tập đoàn quản lý đầu tư hàng đầu thế giới có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) - nói rằng chiến dịch quân sự đặt biệt của Nga ở Ukraine là sự kiện gây tác động lớn, góp phần chấm dứt xu thế toàn cầu hóa mà thế giới đã chứng kiến trong ba thập kỷ qua.
Cuộc chiến này, kéo theo đó là hàng loạt biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Nga và các nước phương Tây đang gây ra tình trạng thiếu phân bón tổng hợp, lúa mì, dầu cọ, dầu thô, khí tự nhiên lỏng và nhiều mặt hàng khác...
Trước khi xung đột Nga/Ukraine nổ ra, thế giới đã chứng kiến tình trạng đứt gãy đáng kể chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, cùng với sự thiếu hụt toàn cầu các chất bán dẫn thiết yếu. Những đứt gãy đó trở nên nghiêm trọng hơn bởi lệnh phong tỏa mới đây ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác của Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của thế giới, để phòng chống COVID-19.
Xung đột địa chính trị và COVID-19 định hình lại tương lai các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: TTXVN |
Rủi ro địa chính trị, các biện pháp trừng phạt và đại dịch viêm đường hô hấp cấp vừa bùng phát ở Trung Quốc đang định hình lại cách chúng ta nghĩ về tương lai của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tương lai, các quốc gia sẽ cần xem xét làm thế nào để đảm bảo tốt hơn các chuỗi cung ứng thông qua các mối quan hệ đối tác thương mại khu vực, nâng cao năng lực sản xuất thiết yếu và tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa từ nhiều quốc gia và khu vực.
Các thỏa thuận đối tác thương mại khu vực
Một số nước đang cố gắng ứng phó với sự thay đổi các chuỗi cung ứng thông qua việc phát triển các quan hệ đối tác thương mại khu vực mới, cho phép tăng cường thương mại giữa các nước gần gũi về mặt địa lý hoặc chính trị.
Một trong những thỏa thuận như vậy là Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USCMA), thỏa thuận thương mại tự do kế thừa Hiệp định NAFTA, theo đó tạo điều kiện cho việc tăng cường hoạt động thương mại giữa ba nước châu Mỹ này.
Một thỏa thuận khác là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Đưa hoạt động sản xuất thiết yếu trở lại
Xu hướng toàn cầu hóa trước đây mà chuyên gia Larry Fink đề cập đến là ưu tiên hóa lợi nhuận và hiệu quả hơn tất cả. Tuy nhiên, chứng kiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn do dịch COVID-19 gây ra, thì đó không phải là quyết định khôn ngoan nhất. Lệnh phong tỏa phòng chống COVID-19 ở Đài Loan (Trung Quốc) đã khiến thế giới không thể tiếp cận một trong những nguồn cung cấp chất bán dẫn và tấm silicon tốt. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, khiến giá xe hơi và đồ điện tử tăng hơn 30%.
Để giải quyết những khó khăn về nguồn cung chất bán dẫn, các tập đoàn như Intel đã công bố kế hoạch tự mình xây dựng một nhà máy trị giá 100 tỷ USD ở tiểu bang Ohio (Mỹ) để sản xuất chất bán dẫn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới.
Các phương tiện đi qua cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Maryland, Mỹ ngày 14/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự hỗ trợ đáng kể từ đạo luật CHIPS. Intel là một ví dụ hoàn hảo cho thấy quan hệ đối tác công - tư cần thiết như thế nào trong việc phát triển lại năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Các chất bán dẫn được sản xuất tại nhà máy này sẽ vừa bổ sung vào nguồn cung toàn cầu, vừa đảm bảo nguồn cung trong nước và giảm bớt những hạn chế của chuỗi cung ứng.
Theo ông Fink, các công ty vốn phải chật vật ứng phó với tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang lo ngại về sự gián đoạn do căng thẳng Nga - Ukraine, từ nguồn cung cấp năng lượng cho đến lúa mì đang bị đe dọa. Chuỗi cung ứng không ổn định sẽ buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm các nhà cung cấp gần hơn, chấm dứt mô hình hiện tại.
Do đó, ông tin rằng xu hướng "near-shoring", nghĩa là các công ty chuyển các cơ sở sản xuất gần với những thị trường sở tại hơn khi giá nhiên liệu và chi phí nhân công gia tăng, và "reshoring" - nghĩa là đưa hoạt động sản xuất về nước - đang ngày càng được đẩy mạnh. Tất cả điều này sẽ làm thay đổi trật tự thế giới "theo cách rất lớn". Ông kêu gọi các chính phủ cần suy nghĩ chiến lược trong dài hạn.
Đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa từ nhiều quốc gia và khu vực
Các biện pháp phong tỏa để phòng chống COVID-19 tại Thượng Hải và các thành phố khác của Trung Quốc là một nguyên nhân nữa gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hàng hóa và các chuyến hàng bị trì hoãn hơn nữa. Điều này đã dẫn tới việc đẩy nhanh dòng vốn rời khỏi Trung Quốc và hướng tới các quốc gia khác như: Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ để mở rộng chuỗi cung ứng của các công ty.
Các phương tiện di chuyển qua khu vực cửa khẩu Mỹ - Canada ở Lansdowne, Ontario, ngày 8/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Song cần lưu ý là các công ty không rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc do vẫn còn nhiều lợi thế để sản xuất, kinh doanh và bán hàng cho một thị trường đông dân như Trung Quốc. Thay vào đó, các công ty triển khai một chiến lược qui mô lớn hơn trên phạm vi toàn châu Á. Sự thay đổi trong chiến lược này “bảo vệ” các chuỗi cung ứng khỏi những đứt gãy bắt nguồn từ các vấn đề cục bộ như phong tỏa Thượng Hải.
Ông Martin Hirzel, Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp Swissmem (Thụy Sĩ), cho rằng "không thể mơ mộng" đến việc cải thiện sắp tới của các chuỗi cung toàn cầu vì đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine. Chủ tịch Hirzel cho rằng tình trạng phong tỏa hiện tại ở Thượng Hải để phòng dịch cũng gây ra nhiều vấn đề hơn mọi người dự báo, khiến hàng hóa xuất khẩu đi qua thành phố lớn nhất Trung Quốc này bị tắc nghẽn. Điều đó sẽ càng làm gián đoạn hơn nữa dòng chảy hàng hóa toàn cầu và vấn đề này sẽ rất khó khắc phục trong ngắn hạn.
Xu thế hiện nay là các nước chủ động “phòng xa”, tránh phụ thuộc lớn vào một nguồn cung truyền thống. Để làm được điều này, các nước sẽ đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa của mình, tích cực tham gia các hiệp định thương mại và mở rộng mạng lưới đối tác thương mại.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc