Indonesia nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương trong giải quyết khủng hoảng
Sáng 8/7, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20 FMM) với chủ đề “Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn” đã chính thức khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Bali của Indonesia.
Đề cập đến các cuộc khủng hoảng hiện nay, bà Retno Marsudi nhấn mạnh: “Những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu. Song thành thật mà nói, chúng ta không thể phủ nhận rằng thế giới ngày càng khó ngồi cùng nhau”.
Ngoại trưởng Retno Marsudi cho rằng tình hình thế giới hiện nay làm cho mọi người mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và khả năng ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu. Song chắc chắn tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có chủ nghĩa đa phương.
Bà khẳng định chủ nghĩa đa phương là cơ chế duy nhất mà tất cả các quốc gia, bất kể quy mô và mức độ giàu nghèo, đều bình đẳng và được đối xử bình đẳng.
Nhấn mạnh rằng tiếng nói của tất cả các quốc gia - dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay đang phát triển - phải được lắng nghe bà Retno Marsudi cho biết, đây là lý do lần đầu tiên Chủ tịch G20 mời đại diện của các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước thành viên Liên minh châu Phi tham dự diễn đàn này.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cho rằng chủ nghĩa đa phương cũng là cách duy nhất phối hợp các ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, bà Retno Marsudi kêu gọi tất cả các nước nỗ lực hết sức để củng cố lòng tin chiến lược, sự tôn trọng lẫn nhau, cũng như duy trì tất cả các nền tảng và nguyên tắc sáng lập Liên hiệp quốc. Trên cơ sở đó, bà Retno Marsudi hối thúc sớm chấm dứt xung đột và giải quyết các bất đồng trên bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Indonesia cũng cho hay một cuộc khủng hoảng, cụ thể là cuộc xung đột ở Ukraine đã xảy ra trong bối cảnh thế giới đang tìm cách phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Bà Retno Marsudi nói rõ: “Chúng ta gặp nhau hôm nay vào thời điểm có nhiều thách thức lớn. Thế giới vẫn chưa phục hồi sau đại dịch, nhưng chúng ta đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác là cuộc xung đột ở Ukraine”.
Ngoại trưởng Retno Marsudi cũng nhắc lại chuyến thăm mới đây của Tổng thống Joko Widodo tới Nga và Ukraine, đồng thời khẳng định rằng đây là cách Indonesia giúp xây dựng “cầu nối” giữa các quốc gia và ủng hộ hòa bình, điều này phù hợp với các nguyên tắc của một Indonesia “độc lập và năng động.”
G20 FMM bao gồm hai phiên họp, trong đó phiên đầu tiên về tăng cường chủ nghĩa đa phương sẽ thảo luận các động thái chung nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới.
Phiên thứ hai về an ninh lương thực và an ninh năng lượng sẽ thảo luận về các bước đi chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.
Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, giá cả hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động lớn đến các nước đang phát triển. Với tư cách là một diễn đàn kinh tế đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới, G20 sẽ thảo luận toàn diện về các vấn đề này nhằm tìm kiếm các giải pháp kinh tế - xã hội bền vững.
G20 là nền tảng chiến lược đa phương quy tụ 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo tương lai của tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng toàn cầu.
Indonesia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2022 với 3 vấn đề ưu tiên gồm: tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng. Trước tình hình mới ở Ukraine, các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực cũng sẽ được thảo luận rộng rãi tại các cuộc họp của G20.
Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia bắt đầu từ ngày 1/12/2021 với hàng loạt cuộc họp, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ diễn ra tại Bali vào ngày 15-16/11.
Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc