Multimedia Đọc Báo in

Afghanistan vẫn trong vòng vây nghèo đói, khủng hoảng

09:35, 20/08/2022

Đã tròn một năm kể từ ngày lực lượng Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan. Trong một năm qua, đất nước Nam Á này ngày càng lún sâu hơn trong vòng vây nghèo đói, khủng hoảng, với thảm họa nhân đạo tồi tệ đang chực chờ phía trước…

Cách đây 1 năm, khi các lực lượng Mỹ và đồng minh rút đi trong hỗn loạn khỏi đất nước Afghanistan, chính quyền thân phương Tây tại nước này kháng cự yếu ớt và tan rã rất nhanh và kết quả là lực lượng Taliban lên nắm quyền một cách dễ dàng vào ngày 15/8/2021. Sau khi lên nắm quyền, Taliban đã cam kết sẽ xây dựng một đất nước Afghanistan mới, để được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Song, thực tế đang diễn ra hoàn toàn trái ngược.

Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trong 2 năm qua khiến cho sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), 18,9 triệu người Afghanistan, bao gồm 9,2 triệu trẻ em có thể phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp hoặc nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2022. Trong khi đó, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho biết, 97% dân số Afghanistan đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực và ngày càng nhiều người đang sống dưới mức nghèo đói mỗi ngày. Hơn 1,1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong khi Afghanistan hiện đang phải đối phó với nhiều dịch bệnh khẩn cấp như COVID-19, bệnh sởi, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết bùng phát cùng lúc.

Afghanistan hiện có số người trong tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp cao nhất thế giới, với hơn 23 triệu người cần hỗ trợ và khoảng 95% dân số không đủ ăn mỗi ngày. Hai vụ động đất trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua càng khiến cho điều kiện nhân đạo tại nhiều khu vực ở Afghanistan xuống dốc. Tuy nhiên, chính quyền Taliban lại không thể sử dụng các khoản tiền của Ngân hàng Trung ương nước này gửi ở nước ngoài cho tình huống khẩn cấp hiện nay.

Một chiến binh Taliban tại một khu chợ ở Kabul ngày 8/7. Ảnh: Reuters

Sau khi Taliban lên nắm quyền, Mỹ và các nước phương Tây đã đóng băng khối tài sản trị giá gần 10 tỷ USD này. Ngoài ra, các nước phương Tây cùng các thể chế cho vay quốc tế cũng đã đình chỉ, tạm dừng nhiều khoản vay, khoản viện trợ cho Afghanistan cho tới khi nào Taliban thực hiện các cam kết của mình với người dân nước này.

Ngoài tình hình nhân đạo ngày một tồi tệ, các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, cùng các nhóm sắc tộc thiểu số đang ngày một xấu đi. Một năm qua, Taliban nhiều lần thất hứa với người dân Afghanistan xung quanh câu chuyện mở cửa trường học cho nữ sinh. Phụ nữ Afghanistan ngày càng bị hạn chế nhiều hơn về các quyền cơ bản.

Đáng lo ngại hơn, Afghanistan đang trở thành nơi tập hợp và tranh chấp của các nhóm khủng bố. Tổ chức khủng bố Haqqani, một nhánh của Taliban hoạt động ở đây. Bên cạnh đó là IS Khorasan, một chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng đang gia tăng hoạt động phá hoại. Trong 1 năm qua, số vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan có xu hướng giảm, nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn tiếp tục nhắm mục tiêu vào cộng đồng tín đồ Hồi giáo Shiite chiếm gần 20% dân số Afghanistan.

 

Ngoài tình hình nhân đạo ngày một tồi tệ, các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, cùng các nhóm sắc tộc thiểu số đang ngày một xấu đi.

Mới đây, Mỹ đã lên án hành động dung dưỡng cho trùm khủng bố al-Qaeda Ayman al-Zawahihi của Taliban. Khi ký kết với Mỹ thỏa thuận hòa bình tại Qatar hồi tháng 2/2020, Taliban cam kết không để lãnh thổ Afghanisan là nơi chứa chấp khủng bố. Đây là điều kiện để Mỹ rút toàn bộ binh lính khỏi lãnh thổ nước này. Trong các tuyên bố của mình, Taliban luôn nhắc lại điều này và đòi hỏi sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Nhưng vào ngày 31/7 vừa qua, vụ không kích do quân đội Mỹ thực hiện đã phơi bày sự thật là Ayman al-Zawahihi đang cư trú ở giữa vùng Xanh ở thủ đô Kabul.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/8 đã bày tỏ quan ngại đặc biệt về tình hình ngày càng xấu đi của phụ nữ và bé gái tại Afghanistan sau khi chính quyền Taliban có hoạt động trấn áp thô bạo một cuộc tuần hành của phụ nữ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nêu rõ Afghanistan cần phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên, bao gồm việc duy trì và bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị, đồng thời cho phép toàn bộ người dân Afghanistan được xuất hiện, tham gia đầy đủ, bình đẳng trong việc vận hành đất nước. Tuyên bố nhấn mạnh Afghanistan cũng không được gây ra mối đe dọa an ninh cho bất kỳ quốc gia nào theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Tuyên bố của EU khẳng định việc khối này cung cấp hỗ trợ nhân đạo cơ bản cho người dân Afghanistan phụ thuộc vào yếu tố Afghanistan là một quốc gia ổn định, hòa bình và thịnh vượng và Taliban cần duy trì các nguyên tắc nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái, trẻ em và người thiểu số.

Trong khi đó, ngày 15/8, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã hối thúc các chính phủ và các nhà tài trợ gạt quan điểm chính trị sang một bên đối với chính quyền Taliban và nối lại viện trợ đến các cơ quan của Afghanistan nhằm giải quyết tình hình nhân đạo tại đây.

ICRC là một trong những bên cung cấp viện trợ, sau khi các nhà tài trợ đột ngột dừng cung cấp tài chính nhằm thể hiện quan ngại về việc lực lượng Taliban lên nắm quyền. Để bù đắp việc thiếu hụt ngân sách, ICRC đã hỗ trợ cho khoảng 33 bệnh viện để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên, thậm chí là cung cấp nhiên liệu cho xe cứu thương và các suất ăn cho bệnh nhân.

Tổng Giám đốc ICRC Robert Mardini nhấn mạnh đây không phải là giải pháp bền vững bởi các tổ chức nhân đạo không thể thay thế các cơ quan nhà nước. Do đó, ICRC mong muốn các chính phủ và các cơ quan phát triển nối lại viện trợ cho người dân Afghanistan.

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc