Thỏa thuận hạt nhân Iran có giúp châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng?
Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ giúp Tehran mở lại việc kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, vận tải biển, kim loại, ô tô, bảo hiểm và các lĩnh vực khác.
Hiện các nhà phân tích chính trị và các chuyên gia thị trường dầu mỏ cho rằng, việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran đang đến gần hơn bao giờ hết, khi các quan chức Mỹ và châu Âu cân nhắc đề xuất mới nhất của Tehran.
Nếu - hoặc khi - đạt được một thỏa thuận và Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt được áp đặt vào năm 2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), Iran sẽ khôi phục kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, vận tải biển, kim loại, ô tô, bảo hiểm và các lĩnh vực khác.
Đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, sự hồi sinh của cái được gọi là "ngày thực thi" trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, sẽ mở lại các mối quan hệ thương mại đã bị buộc phải tạm dừng cách đây hơn 3 năm.
Iran đã tăng xuất khẩu dầu trong tháng 6 và tháng 7. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Tầm quan trọng của vấn đề trên chính là thời điểm, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ. Một triệu thùng dầu mỗi ngày của Iran sẽ tham gia vào nguồn cung toàn cầu, nếu điều đó xảy ra trong sáu tháng tới.
Kỳ vọng về dầu của Iran có thể giúp giảm áp lực đối với giá năng lượng, đây sẽ là tin tức đáng hoan nghênh sau khi có mức tăng đột biến 100.000 thùng/ngày, được bổ sung sau cái gọi là thỏa thuận OPEC + vào đầu tháng này. Đối với Washington, giá năng lượng thấp hơn có thể giúp giảm lạm phát. Đối với châu Âu, nguồn cung bổ sung có thể giảm bớt "nỗi đau" do căng thẳng với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moskva sẽ giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu. Điều đó có nguy cơ làm sụt giảm sản lượng công nghiệp và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngoại giao để sớm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Với bối cảnh này, việc Iran bổ sung vào nguồn cung năng lượng thế giới, như chuyên gia năng lượng Dan Yergin nhận định, là "vấn đề không hề nhỏ".
Về dài hạn, Iran có thể thúc đẩy xuất khẩu lên 2,8 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 2 năm rưỡi tới. Điều này cũng có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế của Iran, vì có thể đóng góp cho doanh thu lên tới 65 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, JCPOA có thể dẫn đến việc giải phóng hơn 100 - 150 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Tehran.
Tuy nhiên, lợi ích đến nhanh chóng trong lĩnh vực dầu mỏ có thể không diễn ra trong lĩnh vực khí đốt. Mặc dù có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai trên thế giới (sau Nga), Iran vẫn chưa có cơ sở hạ tầng hoặc năng lực cung cấp khí đốt cho châu Âu, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Ngoài ra, Iran đã không có nguồn đầu tư nước ngoài lớn trong vài năm qua. Nguyên nhân là vì các tập đoàn năng lượng châu Âu như: Total, Statoil, ENI và Shell, tất cả đều đã từng làm việc trong lĩnh vực khí đốt của Iran, có thể sẽ yêu cầu “một số loại đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ sẽ không bị trừng phạt trong suốt thời gian hoạt động của dự án, tức là tối thiểu 10 năm bao gồm cả việc phát triển và vận hành mỏ khí đốt”.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc