Xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Ngày 24/8 đánh dấu mốc thời gian 6 tháng diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cuộc xung đột khiến cả hai bên đều chịu nhiều thiệt hại và có những tác động không nhỏ đến toàn cầu hiện vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt…
Giao tranh giữa Nga và Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, hai bên đang nỗ lực thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào phía sau chiến tuyến của đối phương. Cả Nga và Ukraine đang mắc kẹt trong cuộc chiến, với các cuộc pháo kích và không kích diễn ra từng ngày, từng giờ.
Ngày 24/8 cũng là ngày độc lập của Ukraine, nhưng Kiev đã hủy các lễ kỷ niệm, tăng cường lệnh giới nghiêm, do lo ngại sẽ xảy ra những cuộc tấn công bằng tên lửa mới. Chiến sự càng kéo dài, nguy cơ trả đũa và xung đột càng leo thang. Chưa bao giờ nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO lại cao như hiện nay, đi kèm với nỗi lo sợ chưa từng có về một thảm họa hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia.
Kinh tế Ukraine đã bị tàn phá nghiêm trọng trong 6 tháng qua. Ông Maksym Nefyodov, người đứng đầu dự án hỗ trợ cải cách tại Viện KSE thuộc Trường Kinh tế Kiev cho biết, Ukraine đã thiệt hại hơn 113,5 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra. Châu Âu, sau khi áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt với Nga, cũng đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế và loay hoay trong cuộc khủng hoảng năng lượng không có lối thoát.
Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine đến nay, hơn 6,6 triệu người Ukraine đã được tiếp nhận là người tị nạn trên toàn châu Âu. Các nước trong đó có Cộng hòa Séc, Ba Lan, Romania và Slovakia đã mở cửa biên giới, hỗ trợ người tị nạn Ukrane. Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Đức cho biết tổng cộng 967.546 người Ukraine chạy khỏi nước này đã nhập cảnh vào Đức, ít nhất là nhập cảnh tạm thời, với 36% trong số này là trẻ em. Trong số những người trưởng thành, cứ 4 người tị nạn Ukraine thì có 3 người là phụ nữ và khoảng 8% trong số này trên 64 tuổi. Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, đây là làn sóng người tị nạn lớn nhất tại châu Âu kể từ chiến tranh thế giới thứ 2.
Người dân Ukraine đứng cạnh một ngôi nhà bị phá hủy do pháo kích tại Kramatorsk. Ảnh: Reuters |
"Báo cáo về các Mục tiêu phát triển bền vững 2022" của Liên hiệp quốc cho thấy nguy cơ có thêm gần 20 triệu người bị rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine và những tác động tiêu cực của cuộc xung đột như tăng giá lương thực.
Theo báo cáo, số người có mức sống dưới 1,9 USD/ngày trên khắp thế giới trong năm nay ước tính là 656,7 triệu người, nhưng tình trạng giá lương thực tăng cao và những tác động lớn hơn của cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến con số này tăng lên 676,5 triệu người. Dù mức dự báo này vẫn thấp hơn con số 684,2 triệu người của năm 2021 nhưng cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến thế giới khó có thể đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030, một trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Trong báo cáo, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nêu rõ cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt trong khi tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, đồng thời gây ra tình trạng hỗn loạn ở các thị trường tài chính.
Giới phân tích nhận định, việc Nga và Ukraine tuyên bố đạt được những bước tiến trên chiến trường không thể che giấu một thực tế ảm đạm là xung đột đang rơi vào bế tắc và kịch bản chiến tranh sẽ kết thúc dường như là viễn cảnh xa vời. |
Nền kinh tế Nga sụt giảm khi đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine, khiến hoạt động thương mại bị gián đoạn và gần như loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Sự sụp đổ trong ngắn hạn như một số dự báo có thể sẽ không xảy ra song nhiều nhà kinh tế cho rằng tác động dài hạn đến nền kinh tế Nga sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, khi các doanh nghiệp từng bước hạn chế các hoạt động tại nước này cùng với việc không tiếp cận được các công nghệ thiết yếu. Kinh tế Nga đang đứng trước nguy cơ giảm một con số ở khoảng thấp trong 5 - 7 quý và một danh sách dài các thách thức mà nếu không được giải quyết hiệu quả có thể khiến tăng trưởng ở mức gần như đình trệ trong nhiều năm.
Trong khi đó, thế giới vẫn đang nỗ lực tìm cách hóa giải cuộc xung đột này.
Mới đây, hai thỏa thuận được Nga và Ukraine ký kết với sự trung gian của Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen và đảm bảo lương thực và phân bón của Nga không chịu các lệnh trừng phạt. Các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu hướng dương của Nga và Ukraine là những hàng hóa quan trọng với nhiều quốc gia tại châu Á, châu Phi và Trung Đông, với hàng triệu người dân ở những khu vực này sống dựa vào nguồn thức ăn chính là bánh mì.
Dựa trên bầu không khí tích cực gần đây nhờ hiệu quả của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres thăm Ukraine đã tiến hành cuộc họp 3 bên với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, thảo luận về các cách thức nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết ông cùng người đồng cấp Ukraine và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã thảo luận việc tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Nga do Liên hiệp quốc làm trung gian. Các bên cũng thảo luận về việc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trao đổi vấn đề này với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc