Xung đột Ukraine, biến đổi khí hậu “phủ bóng” cuộc họp của Liên hiệp quốc
Từ ngày 20 đến 26/9, Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) khóa 77 đã diễn ra tại New York (Mỹ) với chủ đề “Thời khắc bước ngoặt: các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối”.
Tham dự sự kiện gồm Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 Csaba Kőrösi và đông đảo lãnh đạo nhà nước, chính phủ các nước thành viên LHQ. Trong vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã tham gia điều hành khai mạc Phiên thảo luận chung.
Lãnh đạo các nước tham dự Phiên thảo luận đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ về một kỷ nguyên mới của sự chia rẽ. Cảnh báo được đưa ra thời điểm tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và giá lương thực tăng cao tiềm ẩn gây ra những bất ổn mới.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã phát biểu khai mạc với hình ảnh một con tàu chở ngũ cốc rời khỏi Ukraine được trình chiếu - một minh chứng cho thấy sức mạnh ngoại giao có thể phát huy hiệu quả như thế nào.
Ông nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với "rắc rối lớn" và "sự chia rẽ ngày càng sâu sắc hơn". Niềm tin đang suy giảm nghiêm trọng, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nhiệt độ toàn cầu ngày một tăng lên, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất lại là những nạn nhân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.
Toàn cảnh phiên thảo luận. |
Với nhiệt độ toàn cầu tăng cao và một phần lãnh thổ Pakistan có diện tích tương đương Vương quốc Anh gần đây chìm dưới nước, Tổng Thư ký Guterres đã chỉ trích các công ty nhiên liệu hóa thạch, đồng thời kêu gọi các nước phát triển đánh thuế lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch và trích khoản tiền thu được để bù đắp thiệt hại do biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ những người đang gặp khó khăn. Ông nêu rõ thế giới hiện nay đang quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, do đó đã đến lúc phải can thiệp và buộc các công ty nhiên liệu hóa thạch phải chịu trách nhiệm.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng tuy tình hình thế giới ngày càng chia rẽ, đầy thách thức nhưng vẫn tràn đầy hy vọng nếu cộng đồng quốc tế có thể chung tay góp sức, cùng hành động. Các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), an ninh mạng đòi hỏi các nước cùng hợp tác, đối thoại để hướng tới tương lai.
Ông Antonio Guterres cũng thông báo khởi động một Gói kích thích SDG do nhóm G20 dẫn đầu nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững tại các nước đang phát triển, đồng thời, kêu gọi các nước thực hiện các sáng kiến trong Báo cáo Chương trình nghị sự chung của chúng ta.
Phát biểu của Tổng Thư ký LHQ được xem như lời cảnh tỉnh trong bối cảnh các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao hàng đầu từ hơn 20 quốc gia đã phát biểu hôm 20/9, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Trong khi Tổng thống Pháp Macron đã không tiếc lời lên án Nga, cho rằng nước này đang gây chia rẽ, phá hủy trật tự thế giới thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lại đưa ra một thông điệp khá trung lập. Ông Erdogan đã nổi lên như một nhân tố chính và là người đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine. Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho Ukraine các máy bay không người lái có khả năng vũ trang, nhưng ông Erdogan cũng đã nhiều lần gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và gần đây đã làm việc cùng với các quan chức LHQ để làm trung gian cho một thỏa thuận đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được an toàn thông qua Biển Đen.
Một số quốc gia đang phát triển đã bày tỏ phản đối việc các nước phương Tây kêu gọi áp đặt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tổng thống Senegal Macky Sall, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi, đã hối thúc một giải pháp có thể đàm phán được cho cuộc xung đột hiện nay để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần đảm bảo thế giới thế kỷ 21 duy trì một thế giới đa phương. Theo ông, Hiến chương LHQ sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu trật tự quốc tế không được duy trì. Ông cảnh báo nếu cộng đồng thế giới không củng cố hơn nữa trật tự quốc tế, các quy tắc sẽ do các quốc gia có tiềm lực quân sự, kinh tế hoặc chính trị kiểm soát.
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 77 Csaba Kőrösi nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy các giải pháp thông qua đoàn kết, bền vững và khoa học. Ông cũng cho biết sẽ tích cực thúc đẩy các cuộc họp lớn của LHQ sẽ diễn ra trong thời gian tới như Hội nghị Thượng đỉnh SDG 2023, Hội nghị về nước của LHQ vào năm 2023 và Thượng đỉnh Tương lai vào năm 2024.
Sự kiện nhận được sự quan tâm lớn chính là Cuộc họp cấp Bộ trưởng về chiến sự Ukraine diễn ra ngày 22/9. Cuộc họp là sáng kiến của Pháp, nước giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ. Sự kiện này có sự góp mặt của ngoại trưởng đến từ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, cùng với khách mời đặc biệt là Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. |
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc