Multimedia Đọc Báo in

Châu Âu đối mặt với nhiều khó khăn

08:56, 22/10/2022

Các nước châu Âu đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề, từ khủng hoảng năng lượng đến khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn loay hoay tìm giải pháp giải quyết vấn đề năng lượng khi mùa đông lạnh giá đang đến gần…

Đình công ở Pháp, lạm phát tăng cao tại Anh

Ngày 19/10, Thủ tướng Anh Liz Truss đã xin lỗi Hạ viện nước này vì buộc phải đảo ngược phần lớn những biện pháp cắt giảm thuế mà trước đó chính phủ của bà đã đề xuất, đồng thời khẳng định tiếp tục vai trò của mình.

Phát biểu tại phiên chất vấn trước Hạ viện, bà Truss đã đưa ra lời xin lỗi vì đã mắc một số sai lầm nhưng bà khẳng định điều đúng đắn cần làm trong những hoàn cảnh như lúc này là thay đổi nhằm bảo vệ cho quyết định đảo ngược những chính sách mới đề xuất.

Vị trí Thủ tướng của bà Truss đang bị lung lay sau khi sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, chỉ 38 ngày sau khi ông đảm nhiệm vai trò này, giữa lúc thị trường phản ứng dữ dội sau thông báo về chương trình cắt giảm thuế. Sau đó, Bộ trưởng Tài chính mới Jeremy Hunt ngày 17/10 đã tuyên bố đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm, đồng thời xem xét lại chính sách giá nhiên liệu.

Trong phát biểu mới, bà Truss cũng duy trì cam kết tăng quỹ lương hưu quốc gia để thích ứng với tình hình lạm phát và khẳng định Bộ trưởng Hunt cũng sẽ cùng chung quan điểm. Tuy nhiên, bà không đảm bảo làm điều tương tự với các khoản phúc lợi xã hội và trợ cấp nước ngoài. Ngoài ra, nữ Thủ tướng Anh cam kết sẽ triển khai dự luật liên quan Nghị định thư Bắc Ireland, một phần trong thảo thuận Brexit, nếu các cuộc đàm phán với EU không đạt kết quả.

Người dân tham gia đình công tại Rennes, Pháp, ngày 18/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Số liệu chính thức công bố ngày 19/10 cho thấy lạm phát ở Anh đã tăng lên trên ngưỡng 10% trong tháng 9/2022, do giá thực phẩm tăng vọt, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo, Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 10,1% so với mức 9,9% trong tháng 8/2022. Số liệu trong tháng 9/2022 tương đương với mức ghi nhận được trong tháng 7/2022 và là mức cao nhất trong 40 năm, nguyên nhân do hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Các nhà phân tích cho hay số liệu lạm phát trên sẽ gây sức ép cho Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tiếp tục tăng lãi suất với mức tăng mạnh hơn.

Trong khi đó, Pháp tiếp tục đối mặt với những gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội do làn sóng đình công vẫn tiếp diễn sau gần 3 tuần, sau khi các nghiệp đoàn lớn kêu gọi tiến hành cuộc đình công trên cả nước vào ngày 18/10.

Đình công kéo dài khiến nguồn cung nhiên liệu bị tê liệt trong khi hoạt động của các lĩnh vực công như vận tải, trường học... cũng chịu ảnh hưởng, đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông tái đắc cử hồi tháng 5 vừa qua. Hoạt động dạy và học cũng bị gián đoạn khi dữ liệu của Bộ Giáo dục cho thấy dưới 10% giáo viên trung học phổ thông cũng tham gia vào cuộc đình công trong ngày, còn ở cấp tiểu học con số này thấp hơn. Làn sóng đình công lan rộng sang cả các lĩnh vực khác trong ngành năng lượng, trong đó công ty hạt nhân EDF cũng chịu tác động, khiến công tác bảo trì đối với nguồn cung năng lượng châu Âu bị trì hoãn.

Các cuộc đình công trong ngành năng lượng Pháp kéo dài gần 3 tuần khiến nguồn cung nhiên liệu nước này thiếu hụt nghiêm trọng. Thực tế này đã khiến nhiều trạm xăng không có xăng bán cho người dân và chỉ 30% số trạm xăng được cung ứng xăng dầu.

Tìm cách giải quyết vấn đề năng lượng

Ngày 18/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cơ chế tạm thời hạn chế giá bán buôn khí đốt trong mùa đông tới. Công cụ này là một phần của gói giải pháp mới được EC trình bày nhằm đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

 

Quá trình châu Âu chuyển dịch khỏi nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga tỏ ra không hề dễ dàng, dù đã tám tháng trôi qua kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát.

Gói giải pháp mới cũng bao gồm các nguyên tắc cho việc mua khí đốt chung và sẽ giải phóng hàng tỷ euro trong quỹ của Liên minh châu Âu (EU) để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, các biện pháp được EC trình bày không bao gồm các phương án áp giá trần khí đốt từng được thảo luận trước đó do các nước vẫn còn nhiều bất đồng về ý tưởng này.

"Cơ chế điều chỉnh giá" được đề xuất sẽ hoạt động như một chính sách bảo hiểm chống lại những biến động bất thường trên thị trường. Trong trường hợp cần thiết, EU sẽ áp đặt “giới hạn giá linh hoạt” đối với giao dịch trên trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) của Hà Lan, vốn có tính chất quyết định giá khí đốt trong EU.

Theo giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu hiện đã rất tồi tệ và tình hình có thể sẽ chưa thay đổi vào mùa xuân tới. Chính phủ các nước đã thành công trong việc lấp đầy các kho dự trữ khí đốt tự nhiên dưới lòng đất để chuẩn bị cho những tháng mùa đông lạnh giá sắp tới - thời điểm nhu cầu năng lượng ở mức cao nhất. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng các kho chứa khí đốt ở châu Âu chỉ được thiết kế để duy trì trong vài tháng, bất kể đó sẽ là mùa đông lạnh giá hay ôn hòa.

Và khi đối mặt với một loạt bất lợi gồm nguồn cung từ Nga ngày càng hạn chế, không có dự án khí đốt tự nhiên mới nào đi vào hoạt động trong năm tới cũng như sự cạnh tranh gia tăng từ các thị trường châu Á, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có vẻ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều vào mùa đông 2023 - 2024.

Châu lục này đã chuyển sang nhập khẩu khối lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông. Song các nhà sản xuất lớn này đều nói rõ sẽ không có dự án sản xuất khí đốt tự nhiên mới nào khởi công vào năm tới, đồng nghĩa là nguồn cung sẽ tiếp tục eo hẹp.

Đáng lo ngại hơn, tình trạng thiếu hụt khí đốt có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn đối với châu Âu vào năm tới, vì sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các quốc gia cũng muốn đảm bảo nhu cầu năng lượng của họ.

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc