Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định vị thế, nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

09:40, 16/10/2022

Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành một trong số 14 thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025, tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 ở New York (Mỹ).

14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu vào tháng 1/2023.

Trước đó, Việt Nam đã được các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.

Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới - là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của LHQ.

Đồng thời, Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của LHQ cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.

Việc 14 quốc gia trong đó có Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ đã nhận được sự quan tâm của bạn bè và truyền thông quốc tế. Sự kiện này cũng cho thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang được thế giới nhìn nhận ngày một khách quan hơn, bất chấp nhiều luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Ảnh: TTXVN

Việt Nam xứng đáng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ bởi kể từ khi chính thức trở thành thành viên LHQ vào tháng 9/1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của LHQ trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người, là thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên của LHQ.

Đây là nội dung bài viết đăng trên báo Washington Times của Mỹ mới đây, trong đó nhấn mạnh Việt Nam trong tâm thế sẵn sàng để có được tiếng nói và vị thế nổi bật hơn trên trường quốc tế.

Theo bài viết, Việt Nam đã giành được sự tin tưởng rất lớn của cộng đồng quốc tế, các thành viên LHQ đều công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền và tự quyết.

Bài báo đánh giá, trong nhiệm kỳ 2014 - 2016 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế ủng hộ, trong đó có nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, vấn đề bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...

Đặc biệt, kể từ năm 2014, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đã thúc đẩy các phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời giới thiệu các dự thảo nghị quyết thường niên về biến đổi khí hậu và quyền con người.

 

“Việt Nam là một đối tác quan trọng của LHQ, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới” - Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

Đánh giá cao việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, nhà báo nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah khẳng định đây là “sự công nhận” cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Theo nhà báo Anjaiah, Việt Nam là đất nước hòa bình và ổn định, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong nước.

Bà Caitlin Wiesen, Nguyên trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người là công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được ASEAN tín cử là đại diện cho Khối tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Theo bà Caitlin Wiesen, đó là sự ghi nhận những thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”: “Chính phủ Việt Nam đã nhận được đánh giá cao của người dân và cộng đồng quốc tế vì đã chủ động dự báo được tình hình đại dịch, nhanh nhạy và thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong việc kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, các biện pháp nhanh chóng và minh bạch với ưu tiên hàng đầu là an toàn của người dân được coi là những yếu tố then chốt củng cố niềm tin và sự ủng hộ của người dân với chính phủ và các nhà lãnh đạo”.

Đánh giá về vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ Federico Villegas cho rằng với Hội đồng Nhân quyền, việc có những nước đã thể hiện và sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại như Việt Nam là rất cần thiết, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp, còn nhiều khác biệt giữa các nước và các nhóm nước.

Ông cũng đánh giá cao thông điệp ứng cử của Việt Nam: “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”, nêu rõ đây chính là tinh thần các nước cần theo đuổi khi tham gia Hội đồng Nhân quyền.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.