Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Pháp thăm Mỹ: Đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng

17:03, 30/11/2022

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong nỗ lực đưa quan hệ song phương “trở lại đúng hướng”.

Quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc khi năm ngoái, Mỹ thành lập liên minh an ninh AUKUS với Anh và Australia mà không tham vấn các đồng minh châu Âu, dẫn tới việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp. Ngoài ra, hai bên còn không ít vấn đề bất đồng liên quan tới các lĩnh vực thương mại và năng lượng.

Sự hồi phục của quan hệ song phương Mỹ - Pháp 

Tổng thống Pháp Macron trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên được Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp ở cấp nhà nước kể từ khi ông Biden nhậm chức. Sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron với nghi thức ngoại giao cao nhất, cấp nhà nước lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức là dấu hiệu cho thấy sự hồi phục trong quan hệ song phương Mỹ - Pháp. Sự kiện này cũng thể hiện sự coi trọng, động thái hòa dịu của Chính quyền Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh châu Âu lâu đời nhất trong thực hiện các chính sách toàn cầu.

Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh thế giới cũng như quan hệ song phương Mỹ - Pháp đang có nhiều thay đổi quan trọng. Tại châu Âu, sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine bùng phát, vai trò của Mỹ đối với khu vực được tái khẳng định thì vai trò lãnh đạo của các nước trụ cột châu Âu, trong đó có Pháp đang bị đặt dấu hỏi. Không chỉ vậy, Mỹ và Pháp còn công khai chỉ trích lẫn nhau sau sự kiện Mỹ - Anh - Australia công bố thành lập liên minh an ninh mới cộng với việc Australia thay vì mua tàu ngầm hạt nhân của Pháp đã chuyển sang mua của Mỹ.

Với các thay đổi địa chính trị quan trọng như cuộc chiến Nga - Ukraine, sự trỗi dậy của Trung Quốc và nguy cơ khủng hoảng năng lượng đe dọa châu Âu, cả Mỹ và Pháp có thể đều nhận thấy sự cần thiết phải khôi phục và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương nói chung và quan hệ giữa Washington và Paris nói riêng.

Mặc dù có thể còn nhiều mâu thuẫn, nhưng rõ ràng, trong chuyến thăm với nghi thức ngoại giao cao nhất, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp cũng như các quan chức cấp thấp hơn sẽ có nhiều cơ hội và không gian để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm và hy vọng sẽ đạt được các kết quả cụ thể.

Trước đó, năm 2018, ông Macron cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên được Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump đón tiếp tại Nhà Trắng ở cấp nhà nước. Thể hiện sự coi trọng dành cho Tổng thống Macron được xem là nỗ lực hòa dịu lớn nhất của Chính quyền Mỹ đối với Pháp nói riêng và các đồng minh châu Âu nói chung sau các tranh cãi về nhiều vấn đề, từ cuộc chiến Ukraine, liên minh Mỹ - Anh - Australia đến kinh tế, thương mại.

Chính quyền Mỹ đang nỗ lực triển khai các chính sách toàn cầu và rõ ràng, sự ủng hộ của Pháp, một trong những quốc gia lãnh đạo châu Âu là điều không thể thiếu. Có thể thấy rằng, chuyến thăm lần này được cả hai bên kỳ vọng sẽ phần nào làm giảm căng thẳng song phương cũng như mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước nói riêng và hai bờ Đại Tây Dương nói chung.

Kỳ vọng về chuyến công du của Tổng thống Macron

Giới quan sát cho rằng chuyến thăm này có thể được coi là minh chứng rõ ràng nhất trong nỗ lực của Mỹ nhằm hàn gắn mối quan hệ với Pháp sau cuộc khủng hoảng lòng tin, liên quan việc Mỹ thành lập liên minh AUKUS hồi năm ngoái.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt khá nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm Mỹ lần này. Báo chí Pháp cũng phân tích, so sánh nhiều chuyến thăm lần này với chuyến thăm đầu tiên của ông Macron đến Mỹ vào năm 2018 theo lời mời của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump.

Chuyến thăm cách đây 4 năm được tuyên truyền rất rầm rộ trên truyền thông nhưng lại bị đánh giá là không có nhiều thực chất và khá “ngây thơ” bởi khi đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn tự tin cho rằng mình có thể xây dựng được một cách tiếp cận mang nặng tính cá nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump để qua đó tác động đến các quan điểm đối ngoại có phần bất lợi, thậm chí là thù địch của ông Donald Trump với châu Âu, nhưng rồi kết quả nhận lại vẫn là một sự rạn nứt lớn trong quan hệ đồng minh truyền thống giữa châu Âu và Mỹ.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai đến Mỹ lần này, ông Emmanuel Macron đã thực tế hơn rất nhiều. Các nguồn tin cao cấp trong nội bộ chính quyền Pháp khẳng định ông Macron sẽ tìm kiếm một cuộc đối thoại “thực chất và có đòi hỏi” với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Có rất nhiều nội dung quan trọng mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự định thảo luận cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Đầu tiên, đó là về các dư âm của sự kiện AUKUS tháng 9/2021, khi Mỹ, Anh và Australia ký thỏa thuận an ninh AUKUS để chuyển giao tàu ngầm động cơ hạt nhân cho Australia, qua đó làm đổ bể hợp đồng thế kỷ trị giá nhiều chục tỷ euro mà Australia đã ký trước đó vài năm để mua tàu ngầm của Pháp. Chính quyền Pháp đã coi đó là một “cú đâm sau lưng” của các đồng minh và phản ứng quyết liệt.

Tất nhiên, trong chuyến thăm Mỹ lần này, ông Macron không đặt mục tiêu lật ngược câu chuyện AUKUS mà muốn thảo luận với Mỹ để đặt dấu chấm hết cho các tranh cãi về câu chuyện tàu ngầm. Phía Pháp đã chấp nhận rút lui trong thương vụ bán tàu ngầm cho Australia nhưng qua phát biểu của ông Emmanuel Macron tại Thượng đỉnh G20 mới đây tại Indonesia thì Pháp vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác với Australia trong lĩnh vực này. Quan trọng hơn, Pháp muốn có một sự đảm bảo từ phía Mỹ rằng sự ra đời của AUKUS không đồng nghĩa với việc Pháp bị gạt ra khỏi cuộc chơi địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chủ đề lớn thứ hai mà ông Emmanuel Macron sẽ thảo luận với ông Joe Biden dĩ nhiên là xung đột Nga - Ukraine. Pháp, Mỹ cũng như các nước phương Tây hiện tại đang thống nhất trong cam kết hỗ trợ Ukraine đến cùng về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự nhưng về khía cạnh ngoại giao, Pháp có một số cách tiếp cận tương đối khác Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần tuyên bố rằng cùng với việc hỗ trợ mọi mặt cho Ukraine, phía Pháp vẫn duy trì và xúc tiến các đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để khi cơ hội cho ngoại giao xuất hiện, hai phía Nga và Ukraine có thể lập tức thảo luận một giải pháp chính trị chấm dứt xung đột hiện nay. Cách tiếp cận này tương đối khác với phía Mỹ, vốn hiện vẫn ưu tiên viện trợ quân sự toàn diện cho Ukraine để đối đầu với Nga chứ ít đề cập khía cạnh ngoại giao.

Cuối cùng, một chủ đề lớn nữa hứa hẹn sẽ là cuộc đối thoại khó khăn giữa ông Macron và ông Biden là về “Đạo luật giảm lạm phát” (IRA) của Mỹ. Theo đạo luật này, chính quyền Mỹ chi ra hàng trăm tỷ USD để tạo ưu đãi về thuế, giá năng lượng cho các công ty đầu tư vào Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng mới, đồng thời sử dụng các biện pháp tài chính nhằm khuyến khích “Người Mỹ mua hàng Mỹ”, nhất là mua ô tô điện...

Pháp và các nước châu Âu đã công khai chỉ trích đạo luật này của Mỹ vì cho rằng đây là một chính sách bảo hộ, cạnh tranh không bình đẳng và sẽ làm tổn hại đến các công ty châu Âu, đặc biệt là các công ty trong ngành công nghiệp ô tô. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ phải tìm cách thuyết phục được phía Mỹ điều chỉnh Đạo luật này hoặc ít nhất là xác lập được một số lằn ranh đỏ nhằm tránh đẩy châu Âu và Mỹ vào một cuộc chiến thương mại mới.

Pháp – Mỹ thu hẹp sự bất đồng

Không thể phủ nhận hai đồng minh còn tồn tại nhiều bất đồng và cuộc gặp trực tiếp lần này sẽ là cơ hội cho sự hợp tác, kết nối.

Trong số các nước đồng minh của Mỹ trong khối phương Tây, Pháp không phải là đồng minh quan trọng, có giá trị nhất với Mỹ, mà là Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Pháp chính là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ và bất chấp việc Pháp luôn là quốc gia phương Tây có các chính sách độc lập nhất với Mỹ, thể hiện rõ nhất qua tư duy “tự chủ tương đối” trong thời kỳ của Tổng thống Charles De Gaulle hay việc Pháp từng phản đối quyết liệt cuộc chiến của Mỹ tại Iraq năm 2003 dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, chính quyền Mỹ vẫn coi Pháp là một đồng minh không thể bỏ qua tại châu Âu.

Có được điều này là vì tại châu Âu, Pháp vẫn là một cường quốc chính trị và quân sự hàng đầu, là 1 trong 5 thành viên thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc và cũng là cường quốc hạt nhân. Do đó, dù có những thời điểm không mặn mà nhưng về cơ bản, Mỹ vẫn luôn xem Pháp là đồng minh quan trọng và không mong muốn Pháp trở thành mắt xích tạo nên rạn nứt trong khối phương Tây do Mỹ dẫn dắt.

Đổi lại, dù không ít lần công khai bất mãn với một số chính sách của Mỹ và giới tinh hoa Pháp vẫn luôn đánh giá Mỹ “không phải là đồng minh tự nhiên” của Pháp nhưng các đời chính quyền Pháp cũng coi việc giữ một quan hệ lành mạnh với Mỹ là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Trong bối cảnh thế giới biến động khó lường như hiện nay, dù còn bất đồng Mỹ và Pháp đều cần có nhau trong việc đối phó với một loạt các thách thức lớn về địa chính trị. Mỹ cần có sự ủng hộ và hỗ trợ của Pháp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm ứng phó với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc bởi Pháp là nước có lãnh thổ tại khu vực này và cũng chính là nước có sự hiện diện hải quân lớn thứ hai của phương Tây tại khu vực này, sau Mỹ.

Đối với chính quyền Mỹ thì ứng phó với Trung Quốc là mục tiêu chiến lược số 1 nên sau khi vụ AUKUS khiến Pháp tức giận, phía Mỹ đã tìm mọi cách hoà giải nhằm duy trì sự ủng hộ của Pháp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tất nhiên, Pháp cũng tuyệt đối không muốn bị các liên minh của Mỹ như AUKUS hay "Bộ Tứ kim cương" (QUAD) gạt sang một bên trong cuộc chơi ở khu vực này.

Trong khi đó, tại châu Âu, cả Mỹ và Pháp đều có nhu cầu duy trì một mặt trận đoàn kết của phương Tây nhằm ứng phó với xung đột Nga - Ukraine. Cách tiếp cận với Nga có thể có chút khác biệt nhưng rõ ràng Mỹ - Pháp đều không muốn sự đoàn kết hiếm có hiện nay của phương Tây bị rạn nứt. Về tổng thể, chất keo chính gắn kết quan hệ Pháp - Mỹ là lợi ích chung trong việc ứng phó với các đối thủ địa chính trị lớn của phương Tây, đó là Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, chuyến thăm đến Mỹ lần này của ông Emmanuel Macron cũng không thể gạt bỏ mọi bất đồng. Đối với “Đạo luật giảm lạm phát”, chắc chắn chính quyền Mỹ sẽ không có những nhượng bộ đáng kể bởi đây là một chính sách kinh tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Do đó, như giới phân tích tại châu Âu nhận định, ông Macron đến Mỹ lần này là để nhìn thẳng và hiểu rõ các ý định của phía Mỹ, chấm dứt các ảo tưởng và khi quay về, Liên minh châu Âu có thể sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa tương tự như những gì Mỹ đã thực hiện, ví dụ một đạo luật “Người châu Âu mua hàng châu Âu”, và khi đó nguy cơ chiến tranh kinh tế liên Đại Tây Dương vẫn không phải là nhỏ.

Theo VOV
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.