Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị COP27: Mang lại cả hy vọng và thất vọng!

07:21, 26/11/2022

Sau hơn hai tuần làm việc căng thẳng, có lúc tưởng như rơi vào bế tắc, các nhà đàm phán tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) đã nhất trí thông qua thỏa thuận khí hậu của COP27 tại phiên bế mạc ngày 20/11.

Trong hai tuần diễn ra hội nghị, phái đoàn của gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tích cực thảo luận các vấn đề chủ chốt, bao gồm việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng và công bằng cho các nước đang phát triển và kém phát triển, nâng tham vọng hành động khí hậu để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, phát triển hydro xanh, chuyển đổi năng lượng, khử carbon, giảm thiểu, thích ứng, nông nghiệp, an ninh lương thực, đa dạng sinh học, các giải pháp khí hậu...

Thành lập Quỹ  "Tổn thất và thiệt hại" 

Tại COP27, các nước đang phát triển đồng loạt kêu gọi các nước giàu, vốn đã phát thải phần lớn lượng khí thải nhà kính trong nhiều thập niên qua, phải có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho nhóm nước đang phát triển và kém phát triển.

Nhóm nước này cũng hối thúc các nước phát triển không chỉ thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm, được đưa ra tại COP15, để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn tăng mức hỗ trợ. Trong khi đó, các nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã do dự vì lo ngại việc thiết lập một quỹ bồi thường có thể khiến các quốc gia này phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường không giới hạn có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Thành lập Quỹ "Tổn thất và thiệt hại" được coi là khoảnh khắc lịch sử tại COP27.

Cuối cùng, sau hai tuần đàm phán căng thẳng, hội nghị đã thông qua việc thành lập quỹ đặc biệt để chi trả cho những tổn thất mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu. Quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.

Thành công này đã phản ánh quyết tâm và ý chí chính trị cao nhất từ tất cả các bên. Từ kết quả của COP27, các bên kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được thêm tiến triển về hành động khí hậu tại Hội nghị COP28, dự kiến diễn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm tới.

Chưa đủ tham vọng

Bên cạnh đó, Thỏa thuận COP27 kêu gọi cần phải giảm nhanh, sâu và bền vững lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, theo đó giảm 43% lượng khí thải ròng toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2019 để hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5oC.

Thỏa thuận kêu gọi các bên tiếp tục lồng ghép vấn đề nước vào các nỗ lực thích ứng để tăng cường bảo vệ, bảo tồn và khôi phục an ninh lương thực, nông nghiệp, nước và các hệ sinh thái liên quan đến nước, bao gồm cả các lưu vực sông.

Thỏa thuận nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế trong hệ thống tài chính để đảm bảo huy động được tài chính khí hậu từ nhiều nguồn khác nhau. Thỏa thuận cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư 4.000 tỷ USD/năm vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và 4.000 - 6.000 tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải loại bỏ dần than đá và bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại COP26 ở Glasgow (Anh) hồi năm ngoái liên quan tới các vấn đề chủ chốt. Theo các nhà khoa học, giới hạn mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5oC là "hành lang an toàn" trước các tác động mang tính thảm họa do biến đổi khí hậu. Song, thế giới đang đi chệch hướng trong thực hiện mục tiêu này và đang tiến tới mức tăng nhiệt 2,5oC, căn cứ vào những cam kết và kế hoạch khí hậu hiện nay.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đánh giá hội nghị chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu. Đại diện Liên minh châu Âu (EU) cũng có quan điểm tương tự khi bày tỏ thất vọng vì thỏa thuận cuối cùng của COP27 "vẫn thiếu tham vọng về giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính". 

Bộ trưởng Khí hậu Bỉ Zakia Khattabi cho rằng thỏa thuận cuối cùng được thông qua tại Hội nghị COP27 đã khiến nhiều người thất vọng, cho dù các cuộc đàm phán đã được kéo dài so với kế hoạch. Phát biểu với báo giới, bà Khattabi cho biết: "Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng chúng ta đang hướng tới mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2,5oC. Đây là một thảm họa đối với nhân loại, và đặc biệt đối với các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất".

Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry đánh giá việc thành lập Quỹ "Tổn thất và thiệt hại" để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra là "một thành tựu lịch sử" sau 27 năm đàm phán, bởi đây là lần đầu tiên "tổn thất và thiệt hại" được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị COP.

 

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.