Giai đoạn mới trong chiến sự tại Ukraine: Bước leo thang của cuộc đấu ý chí
Nga tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine, điều này đã được Tổng thống Putin xác nhận, mục đích cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Nga công khai, nhưng đó không chỉ là nhằm làm giảm khả năng quân sự của Ukraine.
Từ tháng 10/2022, chính xác là chỉ vài ngày sau vụ đánh bom chết người mà Moskva nghi là do Kiev dàn dựng trên cầu Crimea, Nga bắt đầu tập kích dồn dập vào hạ tầng năng lượng của Ukraine. Giờ đây, điều thường thấy là tiếng còi báo động không kích vang lên khắp nơi ở Ukraine, từ thủ đô Kiev đến các miền biên viễn sát biên giới với Nga như vùng Belgorod.
Phát biểu tại lễ trao huân chương Sao Vàng cho các "Anh hùng Nga" ở Điện Kremlin hôm 8/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine là phản ứng sau vụ nổ trên cầu Crimea và các cuộc tấn công khác. Người đứng đầu ở Điện Kremlin cũng cáo buộc Kiev cho nổ tung đường dây điện từ nhà máy điện hạt nhân Kursk ở miền Nam nước Nga và không cung cấp nước cho thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraine; đồng thời tuyên bố các lực lượng Nga sẽ tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine, bất chấp chỉ trích của phương Tây.
Những toà nhà bị phá huỷ trong xung đột tại tại phía Bắc thủ đô Kiev, Ukraine ngày 21/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phần lớn lý do này đã được ông Putin nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 2/12/2022. Khi đó, ông Putin cho rằng các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine là một phản ứng cần thiết đối với hành động phá hoại của Ukraine trên đất Nga, bao gồm cả vụ đánh bom cầu Crimea.
Giới chức quân sự Nga từng đề cập tới vấn đề tấn công hạ tầng năng lượng của Nga. Ngày 2/11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rằng Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng ở Ukraine là để giảm khả năng quân sự của nước này, đồng thời bác bỏ các cáo buộc cho rằng Moskva khiến cho người dân không có điện và khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông. Theo ông Shoigu, với các cuộc tấn công chính xác, các lực lượng Nga có thể nhắm trúng các cơ sở hạ tầng quân sự cũng như các cơ sở có thể làm giảm khả năng quân sự của Ukraine.
Tuy nhiên, về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 7/12/2022 cho biết giờ đây Ukraine đã không thể khôi phục 100% hệ thống năng lượng” như trước khi lực lượng Nga bắt đầu tấn công các cơ sở hạ tầng. Sau đó 6 hôm, ông Zelensky cho biết thêm các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái liên tiếp kể từ tháng 10 đã phá hủy khoảng một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và 12 triệu người Ukraine đang bị mất điện.
Ảnh vệ tinh chụp lại toàn cảnh Ukraine ngày 17/12/2022 do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố cho thấy đất nước này hoàn toàn chìm trong bóng tối vì mất điện. Những điểm sáng le lói xuất hiện trên ảnh là ở các quốc gia khác xung quanh. Tình trạng "chìm trong bóng tối' này là do ảnh hưởng từ vụ tấn công quy mô lớn của các lực lượng Nga một ngày trước đó, nhằm vào các hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự và các cơ sở năng lượng trọng yếu ở Ukraine.
Hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy Ukraine "chìm trong bóng tối". Ảnh: NASA |
Theo Tuần báo L'Obs (Pháp), những vùng bị cúp điện nhiều nhất là Kharkov, Donetsk, Kherson, Mykolaiv gần trận địa, nhưng thủ đô Kiev và các thành phố lớn như Odessa cũng bị ảnh hưởng lớn. Tại những nơi này, ai nấy đều trang bị bình điện để sạc điện thoại và máy tính, khi màn đêm buông xuống phải dùng đèn pin để soi trên lề đường tuyết phủ trơn trợt.
Nhà nghiên cứu Angélique Palle của Irsem cho rằng việc Nga tấn công mạng lưới năng lượng Ukraine mang nặng ý nghĩa chiến lược. Đánh vào hậu phương của Ukraine, Nga hy vọng sẽ tạo ra sự chia rẽ giữa người dân và chính phủ Ukraine để người dân lên tiếng yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Bên cạnh đó, không có điện, Kiev không thể sản xuất phụ tùng thay thế cho xe quân sự. Mạng thông tin liên lạc không hoạt động, Ukraine sẽ mất đi lợi thế chiến thuật lớn.
Về phần mình, chuyên gia quân sự Yuriy Podolyaka cho rằng cuộc chiến tranh năng lượng ở Ukraine đã bước sang giai đoạn mới, trong bối cảnh các lực lượng Nga đang dồn dập tấn công các cơ sở sản xuất điện trọng yếu của quốc gia này. Ông Podolyaka nhận xét trên kênh Telegram: "Đây là một tín hiệu xấu đối với cả chính quyền và người dân Ukraine. Các cơ sở sản xuất điện bị phá hủy đồng nghĩa với việc phải mất nhiều tháng để khôi phục, nếu như khả thi”,
Ngoài ra, theo chuyên gia Podolyaka, vụ tấn công bằng tên lửa những ngày gần đây cho thấy Nga đã có mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đặc biệt này của chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga muốn giành chiến thắng bằng cách phá hủy đồng loạt các cơ sở năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, cơ sở lưu trữ nhiên liệu, các doanh nghiệp liên hợp công nghiệp - quân sự cùng với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm lưỡng dụng.
Tờ Tin tức Thế giới (Mỹ) cho rằng, xung đột Nga – Ukraine đã diễn ra được 10 tháng. Kể từ đầu mùa thu, Nga đã liên tục phát động các cuộc tấn công quy mô lớn vào toàn bộ lãnh thổ Ukraine, có những ngày là hàng chục cuộc tấn công nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine, bao gồm các nhà máy phát điện. Mục đích của Nga là nhằm làm nhiễu loạn việc cung ứng điện của Ukraine khi nước này bước vào mùa đông, từ đó làm nhụt ý chí của người dân Ukraine.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc