Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam và những “người bạn đồng hành” hướng đến tương lai

16:40, 16/12/2022

Mùa Đông đang đến với châu Âu nhưng Luxembourg, La Hay, Brussels đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với những nụ cười ấm áp, nghi lễ trọng thị. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến, hội đàm với các lãnh đạo cao nhất của Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và có những phát biểu quan trọng về hợp tác ASEAN - EU.

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ”, “chúng tôi sẽ đồng hành”, “chúng tôi cam kết hỗ trợ” là những cụm từ được nhắc nhiều lần trong mỗi câu chuyện mà Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo châu Âu cùng trao đổi.

Từ ngày 9-16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Hướng đến Đối tác chiến lược về tài chính xanh

Chuyến thăm Luxembourg của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ song phương. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng và là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau 10 năm, trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, cũng là dịp để đưa quan hệ sang giai đoạn phát triển mới.

Luxembourg là một nước có diện tích nhỏ, không có biển nhưng trong thời gian ngắn đã có những bước phát triển vượt bậc, từ quốc gia nghèo nàn trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người hàng đầu thế giới, cường quốc về tài chính lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Luxembourg đã lựa chọn đúng hướng đi để “đi trước đón đầu”, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Do vậy, hợp tác tài chính, đặc biệt là tài chính xanh là chủ đề quan trọng được lãnh đạo hai nước thảo luận, giúp Việt Nam có thêm nguồn tài chính trong quá trình phát triển và cho các dự án về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, cơ sở hạ tầng bảo đảm yêu cầu môi trường.

Chính phủ hai nước bày tỏ quyết tâm coi trọng trụ cột đầu tư, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như tài chính xanh, năng lượng tái tạo, kết nối logistics, sớm thiết lập Đối tác chiến lược về tài chính xanh nhằm tranh thủ các thế mạnh của Luxembourg và hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Tầm nhìn 2050 và cam kết về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Hai bên đều nhận thấy rằng mặc dù xa cách về mặt địa lý, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng, như có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều là cửa ngõ của hai khu vực EU và ASEAN. Các điểm này là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Luxembourg hiện có 58 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 2,6 tỷ USD, đứng thứ 17/141 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ ba của EU tại Việt Nam. Thương mại giữa hai nước đang tăng nhanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hội đàm. (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hội đàm. Ảnh: TTXVN

Một nền nông nghiệp sinh thái và thông minh

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Hà Lan khi hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Do vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hà Lan lần này góp phần đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển mới sâu sắc, mạnh mẽ hơn.

Các nhà lãnh đạo thống nhất phương hướng và các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, gia tăng tin cậy chính trị, đóng góp cho sự phát triển bền vững và phối hợp chặt chẽ trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Hợp tác kinh tế cũng là trọng tâm được hai bên thảo luận với nhiều đề xuất mới trên tinh thần làm sâu sắc hợp tác hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững.

Việt Nam bày tỏ mong muốn Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp hướng tới sinh thái, hiện đại, thông minh; Chính phủ Hà Lan hỗ trợ về tài chính, công nghệ đào tạo nguồn nhân lực trong khuôn khổ “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, nhằm giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả và thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu; hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam đề nghị Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Hà Lan như cảng biển, công nghệ đóng tàu, kết nối về logistics, hạ tầng chiến lược; ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng biển, cảng hàng không và trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình trung tâm Brainport…

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp, tọa đàm với giới doanh nghiệp Hà Lan, có những trao đổi, “đặt hàng” cụ thể, chia sẻ kinh nghiệm tốt, bài học hay, ý tưởng, sáng kiến đột phá, những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai nước.

Thủ tướng Vương quốc Bỉ Alexander De Croo đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Vương quốc Bỉ Alexander De Croo đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Hiện thực hóa cam kết quốc tế về khí hậu

Tại Bỉ, điểm dừng chân cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều hoạt động ở cả cấp độ song phương và đa phương (trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU).

Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng góp phần đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, nhất là về thương mại - đầu tư.

Việt Nam luôn coi Bỉ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong EU. Về phần mình, Bỉ khẳng định coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các lãnh đạo đã thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn để đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa hai nước, làm sâu sắc hợp tác Đối tác chiến lược về nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại và trên các lĩnh vực tiềm năng khác.

Việt Nam đề nghị Bỉ hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, hỗ trợ các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn và hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phần mình, Bỉ khẳng định sẽ thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững, sẽ chuyển đề nghị đến EC để xem xét gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam. Bỉ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính và công nghệ để thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu, đặc biệt là phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (phải) đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (phải) đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Đoàn kết cùng hướng tới tương lai

Hội nghị cấp cao ASEAN - EU lần này có ý nghĩa lịch sử khi lần đầu tiên ASEAN và EU phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm quan hệ hai bên tại EU, với sự tham gia của Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên ASEAN và EU, kể từ khi thiết lập quan hệ Đối thoại vào năm 1977, và nhất là sau khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo cấp cao hai bên cùng nhìn lại, đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN - EU trong thời gian tới, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những phát biểu quan trọng mang các thông điệp của Việt Nam gửi tới các đối tác. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các nước.

“ASEAN và các đối tác chiếm gần một nửa dân số và hai phần ba GDP toàn cầu. Trong đó, ASEAN và EU có diện tích tương đối lớn với dân số gần một tỷ người, chúng ta cần đoàn kết, cùng suy nghĩ, hành động, cùng hướng tới tương lai”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN - EU.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU lần thứ 10. (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - EU lần thứ 10. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định một thông điệp xuyên suốt của Việt Nam, đó là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Là đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhất quán quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, “không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”.

Việt Nam nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, lấy ngoại lực (như vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá.

Chuyến đi châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các hoạt động song phương và đa phương dày đặc cho thấy một Việt Nam đầy quyết tâm vượt qua những thách thức của bối cảnh hiện tại để đạt được những mục tiêu phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế của tương lai - kinh tế xanh, sạch. Trong hành trình ấy, rõ ràng Việt Nam không một mình mà luôn có những cánh tay sẵn sàng hỗ trợ. Có thể thấy rõ điều ấy trong những cam kết từ các nhà lãnh đạo châu Âu mà Thủ tướng đã gặp gỡ và trao đổi.

Theo Baoquocte.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.