Multimedia Đọc Báo in

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết về miễn trừ đối với viện trợ nhân đạo

19:20, 10/12/2022

Ngày 9/12, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết 2664 cho phép duy trì viện trợ nhân đạo đến những nước đang bị LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt, đặc biệt là phong tỏa tài sản.

Nghị quyết 2664 nêu rõ việc cung cấp, phê duyệt các khoản thanh toán, tài sản tài chính, nguồn lực kinh tế cũng như cung cấp dịch vụ hàng hóa thiết yếu để đảm bảo hỗ trợ nhân đạo kịp thời là không vi phạm lệnh phong tỏa tài sản của HĐBA hoặc các ủy ban trừng phạt liên quan. Quy định mới sẽ áp dụng với các chương trình, quỹ và cơ quan LHQ, cũng như các tổ chức tham gia vào công tác nhân đạo của LHQ.

Theo nghị quyết, quy định miễn trừ sẽ chỉ áp dụng trong 2 năm với cơ chế trừng phạt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mạng lưới khủng bố al-Qaeda kể từ ngày nghị quyết được được thông qua và HĐBA có thể gia hạn. Nghị quyết đã nhận được 14/15 phiếu ủng hộ trong HĐBA, với Ấn Độ bỏ phiếu trắng.

Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ, ngày 30/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ, ngày 30/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vòng 9 tháng từ khi nghị quyết được thông qua, Tổng Thư ký LHQ sẽ soạn thảo báo cáo về những hậu quả nhân đạo không mong muốn từ các biện pháp trừng phạt của HĐBA, bao gồm lệnh cấm đi lại, cấm vận vũ khí, cũng như những biện pháp đặc biệt theo các cơ chế trừng phạt hiện nay. Báo cáo cũng sẽ bao gồm đề xuất về cách thức giảm thiểu và giảm nhẹ những hậu quả như vậy thông qua việc ban hành các quy định miễn trừ bổ sung.

Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế đã hoan nghênh động thái trên, đồng thời bày tỏ hy vọng quy định mới sẽ giúp cải thiện dịch vụ cho các cộng đồng như chăm sóc sức khỏe và cung cấp nước sạch.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.