Multimedia Đọc Báo in

Áp giá trần đối với dầu mỏ Nga: Bước tiến mới trong căng thẳng phương Tây - Nga

08:51, 10/12/2022

y ban châu Âu (EC) cho biết tất cả chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 3/12 đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga.

Trước đó một ngày, các nước G7 và Australia nhất trí đặt hạn mức giá dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển là 60 USD/thùng, với mục đích hạn chế nguồn thu của Nga trong khi vẫn để dầu mỏ của Nga lưu thông trên thị trường quốc tế.

Theo đó, từ ngày 5/12, các nước EU sẽ không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga. Khối này cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga từ ngày 5/2/2023. Theo EC, mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga trong thời gian tới, sử dụng cùng cơ chế đối với giá dầu thô. Ngoài ra, cũng từ ngày 5/12, các công ty vận tải biển của EU sẽ chỉ được phép chuyên chở dầu thô của Nga nếu mặt hàng này được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần nói trên.

Các bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Việc đưa ra mức giá trần đồng nghĩa với việc các nước tham gia sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần.

Ý tưởng áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga do G7, trên thực tế do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, đề xuất nhằm làm giảm nguồn thu của Nga nhưng vẫn muốn đảm bảo dầu thô từ Nga tiếp tục được cung cấp ra thế giới, qua đó tránh kịch bản giá dầu tăng đột ngột.

Cơ sở để “Liên minh giá trần” áp đặt biện pháp này là việc phương Tây nắm trong tay các công ty vận tải biển và bảo hiểm danh tiếng, vốn cung cấp 85 - 90% bảo hiểm, tái bảo hiểm và dịch vụ cho xuất khẩu dầu thô của Nga.

 

Theo giới quan sát, các biện pháp trên của phương Tây có thể dẫn tới những bất ổn đối với giá dầu thế giới, khi thị trường vừa lo ngại về nguồn cung bị mất đi, vừa phải thận trọng quan sát khả năng nhu cầu năng lượng thấp hơn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

EU khẳng định việc áp giá trần không ảnh hưởng tới lệnh cấm vận toàn diện đối với dầu mỏ Nga, tức là các nước thành viên của liên minh sẽ không mua dầu thô có nguồn gốc từ Nga được vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5/12 theo quyết định được thông qua từ hồi tháng 6.

Trong thông báo ngày 3/12, EC làm rõ hơn mục đích của việc áp giá trần là nhằm ổn định thị trường năng lượng thế giới mà cơ quan này đánh giá đã bị cuộc chiến ở Ukraine “thổi phồng”. EC tin rằng điều này cũng sẽ giúp giải quyết tình trạng lạm phát, giữ giá năng lượng ổn định giữa lúc giá cả tăng cao ảnh hưởng tới tất cả các nước thành viên EU. Theo EC, mức giá trần 60 USD/thùng không cố định mà sẽ được xem xét trong tương lai để phản ánh biến động thị trường.

EC cảnh báo các hãng tàu biển cố tình vận chuyển dầu thô của Nga được bán cao hơn giá trần sẽ bị cấm cung cấp bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, EC khẳng định nếu được tuân thủ, việc áp giá trần giúp duy trì nguồn cung dầu mỏ của Nga với giá thấp và bên hưởng lợi chính là các nước thứ ba, bao gồm các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Phản ứng ngay sau khi EU thông báo hoàn tất phê chuẩn thỏa thuận áp giá trần đối với dầu thô của Nga, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố Moskva không chấp nhận và sẽ sớm có biện pháp sau khi phân tích tình hình.

Phó Thủ tướng Nga Alexandr Novak nhấn mạnh Nga sẽ không bán dầu cho các nước áp đặt giá trần, đồng thời đang xây dựng cơ chế cấm áp dụng giá trần với bất kỳ mức nào. Ông Novak nhắc lại quan điểm của Moskva coi bước đi của phương Tây là sự can thiệp thô bạo và phi thị trường, sẽ càng gây thêm bất ổn, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung và giảm đầu tư cho ngành năng lượng. Phó Thủ tướng Nga khẳng định nước này sẽ chỉ cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu theo cơ chế thị trường ngay cả khi phải cắt giảm khai thác.

Một giếng dầu gần thành phố Nefteyugansk, phía Bắc nước Nga. Ảnh: Reuters

Đại sứ quán Nga tại Mỹ tuyên bố phương Tây đang cố gắng định hình lại các nguyên tắc cơ bản về hoạt động của thị trường tự do. Theo cơ quan đại diện Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay do chính Mỹ tạo ra và việc áp đặt giới hạn giá dầu càng làm gia tăng tình trạng không chắc chắn cũng như chi phí của người tiêu dùng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao của Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng chương trình áp giá trần.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp giá trần đối với giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Na ở mức 60 USD/thùng là một chiến lược rủi ro với kết quả không rõ ràng.

Chuyên gia Nga Alexander Potavin nhận định, sẽ có 3 kịch bản đối với thị trường dầu mỏ của Nga sau ngày 5/12. Tuy nhiên, chuyên gia này thiên về kịch bản giá dầu của Nga duy trì ở mức 60 USD/thùng và sản lượng khai thác sẽ chỉ giảm 0,3 - 0,5 triệu thùng/ngày. Đây cũng là kịch bản mà giới phân tích phương Tây thừa nhận hầu như không tác động đến nguồn thu từ dầu mỏ của Nga bởi trên thực tế dầu Ural của Nga đang được xuất khẩu quanh ngưỡng 60 USD/thùng trong khi chi phí khai thác vào khoảng 20 USD/thùng.

Tờ Washington Post chỉ ra rằng việc áp giá trần phản ánh thực tế phương Tây vẫn cần có dầu mỏ của Nga và đang sử dụng mọi phương cách ngoại giao, kinh tế để có được nguồn cung này. Nhưng một khi các biện pháp áp đặt đơn phương vượt quá giới hạn, Nga sẽ có phản ứng đáp trả, không chỉ trên thị trường năng lượng mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác, kéo theo những hệ lụy khó lường.

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.