Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng di cư lại “nóng” ở châu Âu

08:43, 03/12/2022

Bài toán người di cư ở châu Âu chưa được tìm được lời giải, nay lại tiếp tục là nguyên nhân tạo nên những căng thẳng mới giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Người di cư – gánh nặng của EU

Cơ quan biên phòng châu Âu (Frontex) cho biết trong 10 tháng năm 2022, khoảng 275.500 người đã di cư bất hợp pháp vào EU, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2016.

Theo Frontex, người di cư vào EU chủ yếu sử dụng tuyến đường qua Tây Balkan. Frontex hiện duy trì lực lượng 2.300 người tham gia các hoạt động kiểm soát đường biên giới bên ngoài của EU. Khoảng 500 người trong số này hoạt động ở khu vực Balkan, nơi ghi nhận dòng người di cư vào EU lớn nhất trong thời gian gần đây và cũng đang tăng nhanh nhất kể từ năm ngoái. Người di cư bất hợp pháp qua khu vực này thường đến từ Afghanistan, Iraq và Burundi.

Tuyến đường phổ biến thứ hai là qua Địa Trung Hải với 79.140 người di cư vào EU trong năm nay. Tuyến đường này thường được người di cư Ai Cập, Tunisia và Bangladesh sử dụng.

Khác với cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân chiến tranh tại Syria, làn sóng di cư trong năm 2022 không xuất phát từ một biến cố địa chính trị đặc biệt nào tại Trung Đông hay Bắc Phi. Giới phân tích tại châu Âu cho rằng làn sóng di cư mới về châu Âu hiện nay chủ yếu do nhu cầu kinh tế cấp bách hơn sau đại dịch COVID-19 cũng như bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay trên thế giới, đồng thời được tiếp sức bởi việc nới lỏng một số quy định đi lại tại châu Âu, đặc biệt là tại một số điểm trung chuyển vào châu Âu.

Giải quyết vấn đề người nhập cư đang là gánh nặng của chính phủ các nước EU. Đây cũng là nguyên nhân gây ra những bất đồng, chia rẽ giữa các nước trong khối này.

Sự kiện về nhập cư gây tranh cãi nhất tại châu Âu trong tháng 11/2022 và cũng là khởi điểm khiến Pháp yêu cầu EU họp khẩn về chính sách di cư là việc nước Pháp phải tiếp nhận con tàu chở người di cư mang tên “Ocean Viking”. Con tàu này cứu hộ 234 người di cư từ châu Phi và Trung Đông trên biển Địa Trung Hải nhưng đã phải lang thang trên biển suốt 3 tuần mà không được Italy cho phép cập bến dù khi đó con tàu này đang trên vùng biển Italy.

Người di cư trên tàu cứu hộ Ocean Viking tại Biển Tyrrhenian, vùng biển quốc tế, ngày 10/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 11/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì lý do nhân đạo đã chấp nhận cho tàu “Ocean Viking” cập cảng Toulon ở miền Nam nước Pháp và tiến hành sàng lọc, phân loại những người xin tị nạn. Sự kiện này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn giữa Pháp và Italy khi Pháp chỉ trích Italy đã không tuân thủ các điều ước quốc tế về cứu nạn trên biển cũng như các chính sách về di cư của Liên minh châu Âu. Pháp sau đó đã yêu cầu EU họp gấp để thiết lập chính sách phối hợp chung nhằm tránh lặp lại kịch bản con tàu “Ocean Viking”.

Trong khi đó, Chính phủ Italy tuyên bố chỉ hỗ trợ người di cư vì mục đích nhân đạo như trẻ em, phụ nữ mang thai… và cho rằng tàu cứu hộ treo cờ nước nào thì nước đó phải tiếp nhận. Trước đó, Italy mới chỉ cho phép tàu cứu hộ Humanity 1 treo cờ Đức cập cảng để kiểm tra những trường hợp đủ tiêu chí được phép xuống tàu, những trường hợp khác sẽ phải rời khỏi lãnh hải của nước này.

 

Sau khủng hoảng tị nạn 2015, vấn đề di cư, tị nạn là một chủ đề gai góc mà gần như tất cả các nước EU đều muốn né tránh.

Trên thực tế, sau khủng hoảng tị nạn 2015, vấn đề di cư, tị nạn là một chủ đề gai góc mà gần như tất cả các nước EU đều muốn né tránh. Ở châu Âu hiện nay không còn một quốc gia nào tuyên bố sẵn sàng mở cửa biên giới đón người tị nạn giống như chính phủ của bà Angela Merkel tại Đức năm 2015 bởi ngoài vấn đề gánh nặng kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa… chủ đề nhập cư đã bị chính trị hóa cao độ bởi các đảng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa. Bà Giorgia Meloni của đảng có nguồn gốc phát xít trở thành Thủ tướng Italy phần lớn nhờ các khẩu hiệu chống nhập cư, coi Italy là trên hết và là của riêng người Italy.

Tại Thụy Điển, đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển (SD) cũng thắng vì nhờ các tư tưởng bài ngoại tương tự. Riêng tại Pháp, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 67% người dân Pháp muốn chính phủ Pháp có các chính sách cứng rắn hơn về nhập cư, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và liên tiếp xảy ra các vụ phạm tội do người nhập cư bất hợp pháp gây ra.

Tìm giải pháp

Trước đó, vào tháng 6/2022, từ đề xuất của Pháp, các nước EU đã thống nhất được một cơ chế có tên gọi là “Cơ chế đoàn kết tự nguyện”, theo đó khoảng 10 nước châu Âu đã đồng ý tiếp nhận mỗi năm khoảng 10 nghìn người tị nạn từ các nước EU giáp Địa Trung Hải như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha… nhằm giảm tải gánh nặng cho các quốc gia này.

Tuy nhiên, cơ chế này rõ ràng không hiệu quả bởi chỉ là tự nguyện, không có tính ràng buộc nên một quốc gia đã đồng ý vẫn có thể rút lại cam kết, giống như việc Pháp quyết định tạm ngưng thực hiện cơ chế này sau khi xảy ra sự cố tàu “Ocean Viking” với Italy dù theo cam kết ban đầu mỗi năm Pháp sẽ nhận khoảng 3.500 người tị nạn từ Italy hay Hy Lạp. Điều quan trọng hơn, đó là số lượng phân bổ dựa trên cơ chế tự nguyện này - 10.000 người - cũng là quá ít do với hàng trăm nghìn người di cư đổ về các nước EU giáp Địa Trung Hải nên chính phủ các nước Italy hay Hy Lạp ngày càng thực thi các chính sách cấm đoán cực đoan hơn. Tương tự, trên biên giới đất liền, cảnh sát Croatia hay Hungary sẵn sàng sử dụng bạo lực để ngăn dòng người di cư từ “Con đường Balkan”.

Trước tình trạng bế tắc và phối hợp lỏng lẻo như hiện nay, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21/11 đã đưa ra Kế hoạch hành động khẩn cấp bao gồm 20 biện pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường phối hợp với các nước như Tunisia, Lybia, Ai Cập để kiểm soát ngay từ đầu nguồn các dòng người di cư, ngăn chặn và triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép cũng như đẩy nhanh thủ tục trục xuất người di cư về lại nơi xuất phát.

Bên cạnh đó, châu Âu cũng đang chuẩn bị ứng phó với một làn sóng mới khi hàng triệu người Ukraine có thể đổ sang châu Âu tị nạn trong thời gian tới khi xung đột ở Ukraine ngày càng khốc liệt, hạ tầng năng lượng ở nước này bị phá hủy khiến nhiều người không thể chống chọi được với mùa đông khắc nghiệt.

Hồng Hà (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.