Multimedia Đọc Báo in

Mỹ, Trung Quốc và Nga bất đồng về vấn đề Triều Tiên tại Liên hiệp quốc

15:08, 21/03/2023

Ngày 20/3, Mỹ, Trung Quốc và Nga đã đưa ra nhiều ý kiến tranh luận trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về việc ai phải chịu trách nhiệm khi để Triều Tiên phóng hàng chục tên lửa đạn đạo và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Theo hãng tin Reuters, Hội đồng Bảo an đã họp sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 lớn nhất của nước này ngày 16/3. Triều Tiên đã bị Liên hiệp quốc áp đặt lệnh trừng phạt vì các chương trình tên lửa và hạt nhân kể từ năm 2006.

Tại cuộc họp, đại diện của Trung Quốc và Nga nói rằng các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Triều Tiên, còn đại diện Mỹ cáo buộc Trung Quốc và Nga khuyến khích Triều Tiên khi bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt.

Cụ thể, Phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc, bà Anna Evstigneeva, mô tả hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc là chưa từng có, còn Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Geng Shuang đặt câu hỏi liệu đây có phải là các cuộc tập trận phòng thủ hay không và cho rằng các cuộc tập trận đã làm gia tăng căng thẳng.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược Hwasong-17 của Triều Tiên được phóng tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, ngày 16/3/2023. Ảnh: KCNA/TTXVN
Tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược Hwasong-17 của Triều Tiên được phóng tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, ngày 16/3/2023. Ảnh: KCNA/TTXVN

Trái lại, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Linda Thomas-Greenfield, lập luận: “Những cuộc tập trận này đã có từ lâu và là hoạt động thường lệ. Về bản chất, cuộc tập trận hoàn toàn mang tính chất phòng thủ... Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên”.

Một quan chức cấp cao Liên hiệp quốc tại cuộc họp trên cho biết Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres vẫn quan ngại sâu sắc về những chia rẽ đã ngăn cản cộng đồng quốc tế hành động về vấn đề này.

Trong vài năm qua, Hội đồng Bảo an đã bị chia rẽ về vấn đề Triều Tiên. Nga và Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt nhiều hơn sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp đó được nới lỏng. Ông Geng Shuang nói đây là một cử chỉ thiện chí để cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giảm căng thẳng.

Còn theo bà Thomas-Greenfield, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc sẽ khuyến khích Triều Tiên không làm gì để tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Trước đó, ngày 17/3, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin trước tình hình nghiêm trọng - trong đó, môi trường an ninh trên Bán đảo Triều Tiên rơi vào trạng thái bất ổn nhất do các hoạt động tập trận quy mô lớn mang tính khiêu khích của Mỹ và Hàn Quốc gây ra, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã quyết định tiến hành vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 hôm 16/3.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên, tại Seoul ngày 19/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên, tại Seoul ngày 19/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo KCNA, vụ phóng vũ khí chiến lược ICBM Hwasong-17 nhằm mục đích đưa ra cảnh báo mạnh mẽ hơn đối với những kẻ thù có ý đồ leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời thể hiện phản ứng cương quyết trước những lời đe dọa quân sự vô trách nhiệm và mang tính coi thường bất chấp cảnh báo nghiêm khắc từ phía Triều Tiên, cũng như cho thấy rõ ràng hơn quyết tâm thực sự của Đảng và Chính phủ Triều Tiên phản kích bằng những biện pháp tấn công ồ ạt vào bất cứ thời điểm nào.

Vụ phóng Hwasong-17 được thực hiện tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng. Tên lửa bay lên tới độ cao 6.045km và di chuyển qua quãng đường 1.000,2 km trong 4.151 giây trước khi rơi chính xác xuống vị trí định trước ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Triều Tiên.

Cũng theo KCNA, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo vụ phóng Hwasong-17 nói trên tại hiện trường.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên được thực hiện trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do, dự kiến kéo dài 11 ngày. Đây là cuộc tập trận lớn nhất giữa hai nước đồng minh trong nhiều năm qua. Triều Tiên lên án hoạt động này, cho rằng đây là “sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược” nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tiếp đó, sáng 19/3, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết tên lửa được Triều Tiên phóng đi từ khu vực Tongchang-ri ở tỉnh Bắc Pyongan vào lúc 11h05, giờ địa phương.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho rằng vật thể Triều Tiên vừa phóng khả năng là một tên lửa đạn đạo. Đài NHK dẫn một số nguồn tin cho biết tên lửa của Triều Tiên dường như đã rơi bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc có cuộc gặp cấp cao tại Tokyo, trong đó nhất trí tăng cường hợp tác an ninh chặt chẽ hơn để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng.

Ngày 20/3, Triều Tiên tuyên bố nước này đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng theo kịch bản của một cuộc phản công hạt nhân chiến thuật vào cuối tuần.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.