Multimedia Đọc Báo in

Thông điệp “cứng rắn” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm Trung Đông

16:56, 06/03/2023

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông đã mở rộng với sự thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế của khu vực khiến Mỹ lo ngại về sự tham gia ngày càng tăng của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng nhạy cảm ở vùng Vịnh.

Theo hãng tin Reuters ngày 6/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, hiện đang ở Jordan trong chuyến công du 3 quốc gia Trung Đông, nhằm mục đích trấn an các đồng minh chủ chốt về cam kết của Washington đối với khu vực bất chấp sự tập trung gần đây của Mỹ vào Nga và Trung Quốc, nhưng cũng gửi thông điệp cứng rắn đến các nhà lãnh đạo của Israel và Ai Cập.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc dự kiến sẽ gây sức ép với các nhà lãnh đạo Israel để giảm căng thẳng ở Bờ Tây và nỗ lực củng cố mối quan hệ trong các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Ai Cập đồng thời đề cập đến các vấn đề nhân quyền.

"Ông Austin sẽ khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với Trung Đông và đảm bảo với các đối tác của Washington rằng Mỹ vẫn hỗ trợ quốc phòng cho họ", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết với điều kiện giấu tên. Mỹ có khoảng 30.000 quân trong khu vực và được coi là trụ cột trong việc giúp chống lại ảnh hưởng của Iran.

Tướng Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Frank McKenzie, người từng đứng đầu các lực lượng Mỹ ở Trung Đông cho đến năm ngoái cho biết, khu vực này có ý nghĩa quan trọng đối với Washington một phần vì vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc.

Quốc vương Jordan Abdullah II gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Kỳ Lloyd Austin tại Amman. Ảnh: Reuters
Quốc vương Jordan Abdullah II gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Kỳ Lloyd Austin tại Amman. Ảnh: Reuters

"Tôi nghĩ chuyến đi này là một cơ hội tuyệt vời để tiếp tục khẳng định với các đồng minh và đối tác trong khu vực rằng họ vẫn quan trọng đối với chúng tôi", McKenzie hiện đang lãnh đạo Viện An ninh Quốc gia và Toàn cầu của Đại học Nam Florida, nói.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông đã mở rộng với sự thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế của khu vực, khiến Mỹ lo ngại về sự tham gia ngày càng tăng của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng nhạy cảm ở Vùng Vịnh, bao gồm cả ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Mỹ tuần trước đã yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich theo đường lối cứng rắn về việc "xóa bỏ" một ngôi làng điểm nóng của người Palestine - một bình luận mà ông Netanyahu hôm 5/3 gọi là "không phù hợp". 

"Ông ấy (Austin) cũng sẽ khá thẳng thắn với các nhà lãnh đạo Israel về những lo ngại của Washington liên quan đến chu kỳ bạo lực ở Bờ Tây và tham khảo ý kiến về những bước mà các nhà lãnh đạo Israel có thể thực hiện để khôi phục sự ổn định một cách có ý nghĩa trước kỳ nghỉ lễ sắp tới", quan chức quốc phòng Mỹ trên cho biết.

Trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và kỳ nghỉ lễ kỷ niệm tôn giáo của người Do Thái (Jewish Passover holiday), các nhà trung gian hòa giải nước ngoài đã tìm cách giảm bớt căng thẳng gia tăng sau khi ông Netanyahu trở lại nắm quyền ở Israel với một liên minh cánh hữu cứng rắn.

Bên cạnh đó, theo Reuters, ông Austin cũng sẽ gửi một thông điệp rõ ràng về việc Chính phủ Ai Cập "cần tôn trọng nhân quyền", nhấn mạnh mối quan tâm của Washington về vấn đề này. Mỹ đã rút lại một phần viện trợ quân sự cho Cairo, với lý do không đáp ứng các điều kiện về nhân quyền. 

Mỹ, từ lâu đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông, đã bị chi phối bởi các vấn đề quốc tế khác dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine và lo ngại về sự trỗi dậy ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong khi đó, tâm lý nghi ngờ đối với Mỹ ở Trung Đông đã hình thành kể từ cuộc nổi dậy "Mùa xuân Arập" năm 2011 khi các nhà cầm quyền ở Vùng Vịnh bị sốc trước cách chính quyền của Tổng thống Barack Obama bỏ rơi cố Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sau hàng thập kỷ liên minh.

Mỹ cũng đã rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan trong một cuộc rút quân hỗn loạn vào năm 2021, càng làm dấy lên câu hỏi về cam kết của Washington.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.