Multimedia Đọc Báo in

Kế hoạch Marshall mới của châu Âu: EU đặt cược vào chương trình tái thiết Ukraine

16:28, 22/06/2023

Việc tái thiết Ukraine đang đặt ra một vấn đề lớn - thuyết phục các quốc gia và nhà đầu tư rót hàng tỷ USD viện trợ và đầu tư vào một quốc gia đang có xung đột.

Đối với nhiều quốc gia, việc hỗ trợ Ukraine giống như một "canh bạc" đáng tham gia, khi EU nỗ lực ngăn chặn thảm họa kinh tế và nhân đạo ở châu Âu. Theo Ngân hàng Thế giới, Liên hiệp quốc và Ủy ban châu Âu, khoản tiền cần thiết đã là 411 tỷ USD - và con số này sẽ chỉ tăng lên khi xung đột tiếp diễn.

Khi các quan chức chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân toàn cầu đến London ngày 21/6 để tham dự Hội nghị quốc tế về phục hồi và tái thiết Ukraine, các dấu hiệu cho thấy thế giới phương Tây đang chuẩn bị mở "hầu bao" để giúp Ukraine tái thiết.  

Hôm 20/6, Ủy ban châu Âu đã công bố một dự án mới kéo dài nhiều năm, trị giá hàng tỷ euro để giúp tái thiết Ukraine - một kế hoạch tài trợ nhiều năm, tốn kém. 

Một khu vực bị tàn phá ở Ukraine do xung đột với Nga. Ảnh: Politico
Một khu vực bị tàn phá ở Ukraine do xung đột với Nga. Ảnh: Politico

Các nhà đầu tư tư nhân cũng đang khởi động kế hoạch của họ. BlackRock và JPMorgan Chase đang làm việc với Chính phủ Ukraine về một quỹ phát triển mới cho nước này - về cơ bản là một quỹ tái thiết nhằm thu hút vốn cho các dự án xây dựng. 

Đối với Ukraine, điều quan trọng là dự án phục hồi bắt đầu ngay bây giờ. “Việc tái thiết đã và đang diễn ra. Đó là một phần trong cuộc chiến của chúng tôi. Nhiều người đã rời Ukraine, nhưng cũng có hàng triệu người vẫn ở lại - làm việc, sinh sống ở đây. Chúng ta cần tìm cách cung cấp khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản cho những người đó. Ukraine cần sự giúp đỡ - không chỉ trên chiến trường, mà còn về đầu tư tư nhân và công cộng”, Oleksandra Azarkhina, Thứ trưởng phụ trách cộng đồng, lãnh thổ và phát triển cơ sở hạ tầng của Ukraine nói. 

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị tái thiết trên trong một bài phát biểu vào tối 19/6, nói rằng sự phục hồi kinh tế của Ukraine "sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng tự do là bất khả chiến bại".

Nhưng 7 thập kỷ khi Kế hoạch Marshall do Mỹ điều hành giúp tái thiết Tây Âu sau Thế chiến thứ hai, châu Âu thấy mình đang ở một thời điểm quyết định: Đặt câu hỏi liệu họ có nên cung cấp cho Ukraine các nguồn lực và khoản đầu tư cần thiết để tái thiết hay không, ngay cả khi xung đột đang diễn ra ác liệt. 

Đó là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Được điều chỉnh theo lạm phát, Kế hoạch Marshall - một gói cho vay và trợ cấp - cung cấp ít hơn một phần ba những gì Ukraine cần. Hơn nữa, quy mô của thách thức tiếp tục thay đổi - việc vỡ đập Nova Kakhovka trong tháng này đã gây ra thiệt hại lớn về môi trường cũng như cơ sở hạ tầng, cho thấy nhu cầu của Ukraine đang thay đổi như thế nào trong thời gian thực. 

“Mọi người muốn đưa cuộc sống của họ trở lại bình thường, đi học, đi làm", Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna nói, lưu ý đó là điều không nên trì hoãn cho đến thời kỳ hậu xung đột vì nó cấp bách và cần thiết vào lúc này.

Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna. Ảnh: AFP
Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna. Ảnh: AFP

Các nhu cầu của Ukraine bao gồm từ việc xây dựng lại hơn 300 cây cầu đã bị phá hủy, đến gỡ, phá mìn và xử lý hàng triệu tấn chất thải công nghiệp do các cuộc oanh tạc. Nhưng bất chấp quy mô của thách thức, EU đang có những nỗ lực lớn – ít nhất là vào lúc này.

Vào đêm trước của hội nghị thượng đỉnh, Ủy ban châu Âu đã tiết lộ một kế hoạch mới để giúp điều hành các hoạt động hàng ngày và tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Được mệnh danh là “Công trình của Ukraine”, nó sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới 50 tỷ euro cho Ukraine từ năm 2024 đến năm 2027 - 33 tỷ euro cho vay và 17 tỷ euro tài trợ, sẽ được quản lý thông qua một công cụ đặc biệt mới có tên là "Nguồn dự trữ Ukraine".

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đang đàm phán với Ngân hàng Đầu tư châu Âu để cung cấp bảo lãnh ngân sách của EU nhằm tài trợ khoản vay 100 triệu euro khác cho Ukraine. 

Đó là một cam kết quan trọng của EU vào thời điểm ngân sách của họ đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu từ các quốc gia thành viên - từ xây dựng năng lực phòng thủ tập thể của riêng mình và di cư bất thường, đến củng cố khả năng cạnh tranh và cơ sở công nghiệp của EU. 

Động lực của EU đằng sau quyết định trên có thể là do họ lo ngại dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự bất ổn nào ở Ukraine. Sau quyết định của Hội đồng châu Âu về việc trao tư cách thành viên cho Ukraine và Moldova vào năm ngoái, Ukraine đang trên đường gia nhập EU. Do đó, lợi ích của EU là một quốc gia 40 triệu dân mà một ngày nào đó có thể gia nhập khối là một nền dân chủ ổn định, lành mạnh về kinh tế.

EU cũng đang để mắt đến tiềm năng của Ukraine theo những cách khác. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maroš Šefčovič cho rằng Ukraine - quốc gia lớn tính theo diện tích ở châu Âu - có thể là một nguồn tài nguyên quan trọng đối với lục địa này. “Nếu bạn nhìn vào các nguyên liệu thô quan trọng, Ukraine có 21 trong số 30 nguyên liệu mà EU cần. Nó có thể thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng của Nga cho châu Âu”, ông Šefčovič nói. 

Tương tự, Ukraine có thể đóng vai trò là trung tâm lưu trữ năng lượng của châu Âu. “Ukraine có các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất ở châu Âu - 33 tỷ mét khối, ngay biên giới Slovakia. Tiềm năng ở đó là rất lớn. Nó có thể là một tài sản chiến lược rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của EU”, ông Šefčovič lưu ý.

Con đường gian nan phía trước

Nhưng những thách thức vẫn còn, ít nhất là vấn đề tham nhũng ở Ukraine, trong đó nhiều nước EU vẫn cảnh giác. Do đó, gói viện trợ của EU thường đi kèm với các điều kiện ràng buộc. 

Brussels sẽ thực hiện kiểm soát đáng kể đối với cách thức phân phối và triển khai vốn. Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu được công bố hôm 20/6, Chính phủ Ukraine phải chuẩn bị một "kế hoạch Ukraine" nêu chi tiết tầm nhìn của họ đối với nước này trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về quản trị và hành chính công. Tiền sẽ được giải ngân hàng quý, miễn là các điều kiện được đáp ứng.

Một cư dân Ukraine dọn dẹp đống đổ nát do xung đột gây ra. Ảnh: AFP
Một cư dân Ukraine dọn dẹp đống đổ nát do xung đột gây ra. Ảnh: AFP

Các công ty và chính phủ khác cũng đang vật lộn với thách thức đầu tư vào các dự án ở một đất nước vẫn còn xung đột. Quỹ phát triển mới của Ukraine sẽ không thực sự được đầu tư ngân sách cho đến khi xung đột kết thúc. 

Nổi lên trong cuộc thảo luận về đầu tư trước hội nghị tuần này là vấn đề bảo hiểm - một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nước này. 

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis tuần trước cho biết họ đang thảo luận với một số đối tác, bao gồm Anh và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, về một kế hoạch tiềm năng nhằm khuyến khích ngành bảo hiểm triển khai các chính sách bảo hiểm chiến tranh cho Ukraine. Thông tin chi tiết dự kiến sẽ được công bố vào ngày 22/6. 

Một vấn đề gây tranh cãi khác là liệu tài sản của Nga, đặc biệt là khoản dự trữ ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ước tính trị giá 300 tỷ USD, có nên được sử dụng để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine hay không. Một dự luật lưỡng đảng đã được giới thiệu tại Thượng viện Mỹ trong tuần này ủng hộ động thái trên. 

Tại Brussels, quyết định vẫn chưa được đưa ra, khi EU cố gắng đạt được sự đồng thuận trong bối cảnh một số quốc gia lo ngại về tính hợp pháp của một động thái như vậy và tiền lệ mà nó có thể đặt ra. Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới. Khi cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc tranh luận về cách tài trợ cho công cuộc tái thiết Ukraine vẫn tiếp diễn, vấn đề tài sản của Nga có thể trở thành tranh cãi lớn tiếp theo. 

Nhưng ngay cả khi những rào cản này được vượt qua, nhiều người vẫn cảnh báo về quy mô của thách thức phía trước. 

Jacob Funk Kirkegaard, một thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Đức, lo ngại rằng kế hoạch của EU không đủ tham vọng - đặc biệt nếu EU quyết định rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên của EU vào đầu những năm 2030. 

“Rõ ràng, điều này phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột - nhưng không có ước tính nào cho thấy rằng điều này gần đủ cho một sự phục hồi toàn diện, dồn lực trước mắt để khiến tư cách thành viên EU của Ukraine trong khoảng 10 hoặc 12 năm trở nên khả thi. Đó có thể là một cuộc tái thiết Ukraine không đủ tham vọng”, vị chuyên gia trên nói.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.