Multimedia Đọc Báo in

Nga và Ukraine cạnh tranh sự ủng hộ ngoại giao ở châu Phi

16:01, 06/06/2023

Cuộc cạnh tranh ngoại giao giữa Nga và Ukraine đang diễn ra quyết liệt ở châu Phi, trong đó cả hai bên có cùng một mục tiêu: thu hút sự ủng hộ của các nước châu Phi.

Cách xa tiền tuyến ở Ukraine, một cuộc cạnh tranh khác đang diễn ra giữa Moskva và Kiev, một cuộc tranh giành ngoại giao thay vì vũ khí, theo bình luận của hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây.

Anadolu cho rằng cuộc cạnh tranh ngoại giao giữa Nga và Ukraine trên hiện đang diễn ra ở châu Phi, trong đó cả hai bên có cùng một mục tiêu: thu hút sự ủng của các nước châu Phi. Do đó, các ngoại trưởng Nga và Ukraine đều thực hiện chuyến công du tới châu lục này vào cuối tuần trước.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kenya, nền kinh tế lớn nhất Đông Phi, trước thềm hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng ngoại giao BRICS kéo dài hai ngày tại Nam Phi.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Nam Phi Nadeli Pandor tại Pretoria, tháng 1/2023. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Nam Phi Nadeli Pandor tại Pretoria, tháng 1/2023. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã đến thủ đô Abuja của Nigeria, cùng với những điểm dừng chân khác ở Mozambique, Rwanda và Ethiopia. 

Đó là chuyến thăm thứ 4 của ông Lavrov tới châu Phi kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, trong khi ông Kuleba thực hiện chuyến thăm thứ hai tới lục địa này.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã chứng kiến sự xuất hiện của một số chiến tuyến trên khắp thế giới. Các quốc gia phương Tây, chủ yếu là Mỹ và các đồng minh, ủng hộ mạnh mẽ Kiev, viện trợ dưới mọi hình thức cả vật chất, tài chính và tinh thần.

Tuy nhiên, nhiều nước trong số còn lại của thế giới vẫn duy trì lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine - trong đó có các quốc gia châu Phi.

Các nhà phân tích chính trị ở châu Phi cũng nhận ra những lý do khiến Moskva và Kiev ngày càng tăng cường tiếp cận lục địa này.

Dirk Kotze, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nam Phi ở Pretoria, nói: “Những chuyến thăm này nhằm mục đích nhận được sự ủng hộ ngoại giao của châu Phi, đặc biệt là cho các cuộc bỏ phiếu trong tương lai tại Liên hợp quốc”.

Ông Kotze giải thích: Nhiều nước châu Phi đã bỏ phiếu trắng khi Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức bỏ phiếu vào năm ngoái về cuộc xung đột, nói rằng quan điểm trung lập phù hợp với chính sách đối ngoại không liên kết của họ.

Do đó, thay đổi quan điểm trên có lẽ là ưu tiên hàng đầu của Ukraine. Ông Kuleba, nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine, đã thừa nhận điều đó trong chuyến công du gần đây của mình, khẳng định rằng các quốc gia châu Phi phải nhận ra rằng “sự trung lập không phải là câu trả lời”. Ông cũng nhấn mạnh rằng Ukraine muốn hỗ trợ và giúp đỡ từ châu Phi.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) trong chuyến thăm tới Ethiopia. Ảnh: Pravda
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) trong chuyến thăm tới Ethiopia. Ảnh: Pravda

Phát biểu tại Ethiopia nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Liên minh châu Phi, Ngoại trưởng Kuleba cho biết chuyến thăm của ông là một dấu hiệu cho thấy “cam kết thực sự của Kiev đối với một kỷ nguyên quan hệ mới” giữa Ukraine và châu Phi.

Ông Kuleba nói: “Chúng tôi đến để nói chuyện bình đẳng và làm việc với tư cách là đối tác”, đồng thời nhấn mạnh rằng “với tư cách là một trong những quốc gia sáng lập Liên hợp quốc, Ukraine luôn bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của các quốc gia châu Phi”.

Là một phần của nỗ lực ngoại giao, ông Kuleba tuyên bố tại Mozambique rằng Ukraine sẽ sớm thành lập Đại sứ quán tại thủ đô Maputo, một bước quan trọng trong “chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương” giữa hai nước.

Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết việc mở Đại sứ quán là một quyết định phù hợp với “sự phục hồi của quan hệ Ukraine-châu Phi”.

Mametlwe Sebei, người đứng đầu Liên đoàn Công nhân Công nghiệp Nam Phi nhận định, rõ ràng là cả Nga và Ukraine đều đang tranh giành sự ủng hộ của châu Phi tại Liên hiệp quốc.

“Nhưng họ cũng đang nhắm đến nhiều vấn đề hơn nữa. Họ coi châu Phi không chỉ là thị trường tiêu dùng mà còn là nguồn nguyên liệu thô cho các ngành năng lượng xanh sắp tới”, ông Sebei nói.

Về sự ủng hộ dành cho Nga ở lục địa này, ông Sebei cho biết nhiều quốc gia châu Phi có quan điểm thông cảm với Moskva “vì di sản chống thực dân của nước này từ thời Liên Xô”, bất chấp thực tế rằng “nước Nga ngày nay đã thay đổi”.

Ông Sebei cũng cho rằng các cường quốc phương Tây đang sử dụng Ukraine như một bình phong trong nỗ lực nhằm làm giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi.

Đó là một điểm mà Ngoại trưởng Kuleba dường như trực tiếp giải quyết trong bài phát biểu của mình ở Ethiopia, khi ông nhấn mạnh rằng “ủng hộ Ukraine không phải là thân phương Tây hay chống phương Tây”.

Ông Kuleba cũng nói về “chiến lược châu Phi đầu tiên” của Ukraine, đặc biệt là cách nước này “tăng cường đối thoại chính trị với nhiều quốc gia ở lục địa” và thậm chí có kế hoạch “tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - châu Phi lần đầu tiên”.

Về phần mình, Giáo sư Kotze chỉ ra rằng Kiev có nhiều cơ hội để phát triển ở châu Phi, nhưng “sẽ mất thời gian cho Ukraine” vì “Nga đã có truyền thống hợp tác với các quốc gia châu Phi, bán vũ khí cho một số nước và thậm chí giúp đỡ một số nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của họ”.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc