Thượng đỉnh NATO tại Vilnius sẽ trao “phao cứu sinh” cho Ukraine?
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã mang lại cho NATO động lực mới. Sau khi rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, NATO đã quay trở lại tập trung vào nỗ lực phòng thủ tập thể tại châu Âu.
Trong cuộc gặp Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một đánh giá lạc quan rằng: “Các đồng minh trong NATO chưa bao giờ đoàn kết mạnh mẽ như hiện nay”.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã mang lại cho NATO động lực mới. Sau khi rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, NATO đã quay trở lại tập trung vào nỗ lực phòng thủ tập thể tại châu Âu.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid năm 2022, lãnh đạo các nước thành viên đã nhất trí Khái niệm chiến lược mới, ưu tiên cho răn đe và phòng thủ, cũng như tăng cường lực lượng ở sườn phía Đông của liên minh. Vào tháng 4 năm nay, việc kết nạp Phần Lan đã giúp liên minh tăng cường sự hiện diện ở các vùng Bắc Cực và Baltic.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, bắt đầu vào ngày 11/7, các nhà lãnh đạo liên minh dự kiến bàn thảo một loạt kế hoạch trong khu vực và soạn thảo tài liệu quốc phòng chi tiết nhất của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Song song với đó, bộ quốc phòng các nước này đang nghiên cứu các mục tiêu để phù hợp với “Mô hình Lực lượng mới” đã được nhất trí tại Madrid.
Trước đó khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội châu Âu được đánh giá là đã bị suy giảm. Chi tiêu quốc phòng của phần lớn các nước thành viên ở dưới mức 2% GDP. Nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi tất cả.
Hiện nay, chi tiêu quốc phòng của hầu hết các nước thành viên, ngoại trừ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đã tăng lên đáng kể. Báo cáo của NATO cho biết, liên minh quân sự này đang chi hơn 1,3 nghìn tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2023, tăng từ 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2022.
Ngoài chi tiêu quốc phòng, còn rất nhiều vấn đề khác cần phải quyết, đặc biệt là cuộc chiến tại Ukraine. Vai trò chính của NATO không phải là trang bị vũ khí cho Ukraine để nước này đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.
Việc trang bị vũ khí phụ thuộc vào quyết định của từng nước thành viên, nằm dưới sự giám sát của Trung tâm điều phối tài trợ quốc tế và Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine. Cả 2 cơ quan này đều hoạt động tách biệt với NATO.
Sự hỗ trợ của NATO chủ yếu là đào tạo, huấn luyện binh sỹ và cung cấp lương thực, nhiên liệu, vật tư y tế. Vào tháng 4 vừa qua, các ngoại trưởng NATO đã thông qua “chương trình hỗ trợ chiến lược kéo dài nhiều năm” để củng cố cam kết đó. Hội nghị thượng đỉnh Vilnius dự kiến sẽ đề cập cam kết này.
Kiev đang mong muốn được xem xét tư cách thành viên tương lai của NATO tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Nếu được kết nạp, Ukraine sẽ hưởng lợi từ Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (quy định về nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các nước NATO) và được sự đảm bảo an ninh hạt nhân của Mỹ.
Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã hối thúc NATO gấp rút phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO. Nhưng không quốc gia nào trong NATO ủng hộ việc trao tư cách thành viên cho Ukraine khi nước này vẫn còn xung đột với Nga.
Hiện đang có sự chia rẽ trong NATO về vấn đề này. Các nước Baltic, Ba Lan, Anh và Pháp muốn thượng đỉnh vạch ra một con đường rõ ràng để Ukraine có thể trở thành thành viên của khối sau khi xung đột kết thúc. Trong khi Mỹ và Đức muốn để ngỏ tất cả các lựa chọn (trong đó có cả việc trì hoãn xem xét tư cách thành viên của Ukraine) vì lo ngại cuộc xung đột sẽ kéo dài vô thời hạn.
Theo giới phân tích, tại hội nghị, chắc chắn sẽ có những phát biểu mạnh mẽ về nguyện vọng của Ukraine trở thành thành viên NATO nhưng lại có rất ít chi tiết về cách thức đạt được điều đó.
Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém là ai sẽ thay thế ông Stoltenberg làm Tổng thư ký NATO. Ông Stoltenberg đã đảm nhận công việc này từ năm 2014 và đã được gia hạn nhiệm kỳ 2 lần. Quan chức này đã bày tỏ nguyện vọng nghỉ hưu khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 10/2023.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP |
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace mong muốn sẽ là người kế nhiệm nhưng ông không được Pháp và Mỹ ủng hộ. Giới phân cho rằng, nhiệm kỳ của ông Stoltenberg nhiều khả năng sẽ được gia hạn thêm một lần nữa.
Ngoài ra, hội nghị được cho là sẽ thảo luận về đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Sau hơn 1 năm, Phần Lan giờ đây đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của liên minh.
Trong khi đó, nỗ lực của Thụy Điển vẫn gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Tiến trình này gặp nhiều thách thức hơn sau khi vụ người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển đốt bản sao kinh Qur’an bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng gay gắt trước vụ việc này.
Cuối cùng là chính sách của NATO đối với Trung Quốc. Khái niệm chiến lược năm 2022 của NATO nêu bật lo ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. Để đối phó Bắc Kinh, NATO đã tăng cường quan hệ chính trị với 4 nước châu Á - Thái Bình Dương là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Thượng đỉnh tại Vilnius dự kiến sẽ xác nhận các thỏa thuận hợp tác riêng rẽ với những quốc gia này. Tuy nhiên, vấn đề hóc búa hơn là việc NATO cần hành động ra sao trong kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh Mỹ - Trung.
Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute cho rằng, hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius sẽ bao trùm mọi thứ từ xung đột Nga - Ukraine đến người kế vị tổng thư ký NATO. Theo ông Lute, đây có lẽ sẽ là hội nghị thượng đỉnh “thách thức nhất” trong lịch sử NATO.
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc