Multimedia Đọc Báo in

Đảm bảo quyền cho tất cả trẻ em

16:24, 20/11/2023

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với BBC, Ahmed al-Naouq - một người Palestine làm việc tại Anh đã chia sẻ tấm ảnh chụp cùng với 10 đứa cháu nhỏ đang quây quần bên bàn ăn dưới gốc cây ngoài trời ở một nơi nào đó trên Dải Gaza cách đây 4 năm. Anh vẫn nhớ như in những nụ cười, ánh mắt thơ ngây, tên và tuổi của từng đứa trẻ.

Nhưng hôm nay, hầu hết những nụ cười ấy đã vĩnh viễn tan biến sau những đợt bom dội trên dải đất tan hoang vì xung đột. Hơn 4.500 trẻ em đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10. Liên hiệp quốc (LHQ) ước tính trung bình mỗi 10 phút có 1 đứa trẻ ở Gaza tử vong, nếu không vì bom đạn thì là vì không được chăm sóc y tế cần thiết, bởi có những bệnh viện ở Gaza đã bị biến thành "vùng chết". 

Những điều mà trẻ em Gaza hay ở bất kỳ nơi nào có xung đột phải chịu đựng chính là sự thực đau đớn nhất nhắc nhở với thế giới rằng nhiệm vụ bảo vệ quyền cho những công dân nhỏ tuổi vẫn chưa được hoàn thành, cho dù đó là quyền cơ bản nhất - quyền được sống. Trong bối cảnh ấy, ngày Trẻ em thế giới 20/11 năm nay, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) lấy chủ đề là “For every child, every right” (Bảo đảm mọi quyền lợi cho mỗi trẻ em) như một lời nhắc nhở sâu sắc.

Trẻ em tại Rafah, Dải Gaza, ngày 31/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trẻ em tại Rafah, Dải Gaza, ngày 31/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Công ước LHQ về quyền trẻ em, được thông qua ngày 20/11/1989, là công ước nhân quyền được công nhận rộng rãi nhất trong lịch sử, bao hàm 3 trụ cột chính gồm bảo vệ trẻ em trước mọi loại phân biệt, ưu tiên những lợi ích tốt nhất cho các em và đảm bảo cho các em quyền được sống, phát triển.

Công ước cũng khẳng định mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền, bất kể dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, khả năng hay bất kỳ tình trạng nào khác. Tới nay hơn 195 quốc gia đã phê chuẩn công ước, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn (tháng 2/1990). 

Đồng thuận đã đạt được, lộ trình đã được vạch ra, công tác thực hiện Công ước cũng mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc, như giảm số ca tử vong có thể ngăn chặn được ở trẻ em, tăng số trẻ em tới trường và giảm nghèo đói cũng như tăng khả năng được tiếp cận nước sạch và dinh dưỡng.

Chỉ có điều, những tiến bộ đó chưa đồng đều, những vấn đề khó khăn nhất với thế giới như giải quyết bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện để mọi trẻ em trên thế giới đều được hưởng lợi và đặc biệt là bảo vệ trẻ em trước bạo lực và biến đổi khí hậu vẫn chưa thể tháo gỡ.

Hàng triệu trẻ em vẫn bị vi phạm những quyền cơ bản khi không được chăm sóc y tế phù hợp, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ trước bạo lực. Tuổi thơ của nhiều trẻ kết thúc sớm khi buộc phải bỏ học, tham gia những công việc nặng nhọc độc hại, kết hôn, thậm chí bị kéo vào các cuộc xung đột…

Những xu hướng trên toàn cầu như công nghệ số, biến đổi khí hậu, xung đột kéo dài và di cư diện rộng đang thay đổi hoàn toàn tuổi thơ của các em, dẫn tới những mối đe dọa mới.

Báo cáo của LHQ về bạo lực trẻ em năm 2023 nêu rõ trẻ em ngày càng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của tình trạng bạo lực do các cuộc khủng hoảng đa tầng và chồng chất.

Một em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza, ngày 9/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Một em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza, ngày 9/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Nguy cơ gia tăng, các biện pháp ứng phó không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thế giới đang chệch lộ trình thực hiện mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt mọi hình thức bạo lực nhằm vào trẻ em. Tác động của tình trạng bạo lực ngày càng nghiêm trọng, trực tiếp và kéo dài, cản trở phát triển trí não, sức khỏe thể chất và tinh thần, khả năng học tập. Những điều này không chỉ dẫn tới cái giá rất đắt về phát triển con người mà gây ra cả tổn hại về kinh tế.  

Bên cạnh đó, khoảng 100 triệu trẻ em rơi vào tình cảnh nghèo về mọi mặt do ảnh hưởng của đại dịch. Đói nghèo lại là nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực trẻ em, trong đó phải kể đến các tình trạng như lao động trẻ em, tảo hôn, buôn bán trẻ em, lạm dụng tình dục và tuyển mộ trẻ em cho các đường dây tội phạm, bạo lực cực đoan. Số trẻ em là đối tượng bị sử dụng lao động đã tăng lên 160 triệu, 35% các nạn nhân buôn người được phát hiện là trẻ em. 

Những cú sốc liên tiếp do biến đổi khí hậu càng làm gia tăng mức độ trầm trọng của các khủng hoảng hiện nay và nhân cấp nguy cơ bạo lực trẻ em. UNICEF ước tính khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cực cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các nguy cơ với trẻ em như tình trạng khan hiếm nước dùng, bệnh tật, ô nhiễm không khí, các hình thái thời tiết cực đoan …, tất cả những yếu tố môi trường được coi là có ảnh hưởng đáng kể tới quá trình sinh trưởng của trẻ trong giai đoạn hoàn thiện cơ thể từ ý thức đến thể chất. Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho rằng những hậu quả này thực sự khắc nghiệt.

Xung đột và biến đổi khí hậu dẫn đến cái nghèo đói lại thôi thúc làn sóng di cư. Tính đến cuối năm 2022, trên thế giới có khoảng 43,3 triệu trẻ em phải rời bỏ nhà cửa do ảnh hưởng của xung đột vào bạo lực, trong đó khoảng 17,5 triệu trẻ di cư và tị nạn, 25,8 triệu trẻ phải sơ tán trong nước (3,8 triệu em do ảnh hưởng của thảm họa khí hậu). Trong hành trình di cư này, các em tiếp tục chịu tác động của bạo lực, hoặc thậm chí mất đi mạng sống.

Nguy cơ trực tuyến đối với trẻ em đang ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trẻ em chiếm 15% trong số các nạn nhân của tình trạng bạo lực mạng được báo cáo, chưa kể những nguy cơ tiềm tàng khác. Tất cả những yếu tố kể trên khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới không được hưởng các quyền cơ bản, không được hỗ trợ và được bảo vệ như trong quy định của Công ước LHQ về quyền trẻ em.

Mọi trẻ em, ở bất kỳ đâu, đều có quyền được sống trên một thế giới hòa bình. Trẻ em có quyền hưởng một hành tinh an toàn và đáng sống. Trẻ em phải được lắng nghe và tham gia vào mọi quyết định có ảnh hưởng đến chúng...

Những ngày này, hàng loạt thông điệp như vậy được lan tỏa, thúc giục các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng phải cùng nỗ lực, không chỉ là cam kết chính trị mà cần hành động quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng vi phạm quyền trẻ em, để mọi trẻ em trên khắp thế giới đều được đảm bảo những nhóm quyền cơ bản: quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia. Trẻ em là tương lai của nhân loại, bảo vệ quyền trẻ em cũng là bảo vệ quyền con người ở giai đoạn sớm nhất để xây dựng một tương lai phát triển bền vững mai sau

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.