Tổng thống Hàn Quốc và câu chuyện thúc đẩy "đồng minh giá trị" với Anh và Pháp
Vừa trở về từ chuyến thăm Mỹ và tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 30, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bắt đầu chuyến thăm châu Âu với hai điểm đến là Anh và Pháp trong nỗ lực thúc đẩy chính sách ngoại giao “đồng minh giá trị” với mục đích phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực.
Thời điểm “vàng” để giành cơ hội
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái, đây là lần thứ hai Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thăm Anh và Pháp, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với Hàn Quốc trong việc thúc đẩy mối quan hệ với các nước phương Tây.
Tổng thống Hàn Quốc công du tới hai quốc gia này là hiện thực hóa tuyên bố chính quyền của ông sẽ tham gia vào các hoạt động kinh tế mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu, tương xứng với vị trí là một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới khi nhậm chức vào năm 2022.
Trước hết đối với Anh là chuyến thăm cấp nhà nước, đánh dấu hai bên kỷ niệm 140 năm thiết lập quan hệ song phương. Tại Pháp nhằm thực hiện chiến dịch ngoại giao cuối cùng để kêu gọi ủng hộ cho việc trở thành nước chủ nhà của Triển lãm Thế giới 2030.
Tại Anh, Tổng thống và Phu nhân là những vị khách cấp nhà nước đầu tiên của Anh kể từ khi nhà Vua đăng quang vào tháng 5, cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của Anh trong mối quan hệ với Hàn Quốc. Tổng thống được đón với nghi thức trang trọng nhất với 41 phát súng sẽ được bắn. Ông cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Anh, nhấn mạnh tương lai tốt đẹp của quan hệ hai bên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong chuyến thăm Pháp, Tổng thống Yoon Suk-yeol ngoài những mục đích thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ở lĩnh vực kinh tế, an ninh, nhưng quan trọng là kêu gọi ủng hộ cho thành phố Busan giành quyền đăng cai Triển lãm thế giới World Expo 2030. Chỉ tuần trước thôi, Thủ tướng Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cũng đã thăm Paris và gặp gỡ tổng cộng 61 lãnh đạo đến từ 50 quốc gia có liên quan về việc này.
Thông qua Triển lãm, Hàn Quốc mong muốn Busan sẽ là nơi thực hiện các giá trị đoàn kết, trở thành nơi tìm kiếm giải pháp cho những bài toán chung của nhân loại như biến đổi khí hậu, khoảng cách kỹ thuật số và bất bình đẳng… Cũng chỉ còn vài ngày nữa vào ngày 28/11 tới, việc bỏ phiếu bầu chọn sẽ diễn ra tại Paris, nên có thể nói đây là thời điểm “vàng” để cho Hàn Quốc có cơ hội cao giành quyền đăng cai.
Hàn Quốc vốn đã thành công trong việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc hay còn gọi là trào lưu Hallyu ra thế giới. Do đó, việc đăng cai triển lãm cũng là cơ hội giao lưu văn hóa quy mô lớn, thúc đẩy phát triển dựa trên nguồn gốc là giao lưu văn hóa. Điểm nhấn của chuyến thăm châu Âu lần này của Tổng thống Hàn Quốc tạo cơ hội tốt nhất cho giành quyền đăng cai sự kiện toàn cầu, đồng thời cũng là cú hích cho Hàn Quốc phát triển.
Thúc đẩy quan hệ truyền thống
Một quan chức của Hàn Quốc nhận định rằng chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới Anh nhằm tăng cường hợp tác chiến lược với một quốc gia thân thiện chủ chốt. Dự kiến trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak, hai bên thảo luận tập trung về tăng cường hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, năng lượng hạt nhân, công nghiệp quốc phòng, chất bán dẫn và không gian…đồng đưa ra phương hướng hợp tác song phương trong tương lai, làm sâu sắc hơn mối quan hệ vốn chưa được phát huy hết.
Ông Yoon cũng có kế hoạch thảo luận các cách cải thiện hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-Anh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc thâm nhập thị trường Anh sau khi nước này rời Liên minh châu Âu.
Tại Pháp, nơi được coi là nôi văn hóa châu Âu, ông Yoon Suk-yeol như ở trên tôi đã đề cập qua mong muốn quảng bá hình ảnh một Hàn Quốc có bản sắc văn hóa, và bản sắc văn hóa này đang ảnh hưởng và được nhân rộng trên thế giới. Không dễ gì một ban nhạc của Hàn Quốc lại là khách mời của Tổng thống Mỹ, hay một bộ phim của Hàn Quốc, mỹ phẩm Hàn Quốc lại làm “rung động” không những ở châu Á và trên toàn thế giới. Và Pháp vốn coi trọng văn hóa thì sẽ trở thành nơi quảng bá tốt nhất cho văn hóa Hàn Quốc ra châu Âu.
Như vậy, mặc dù chưa có văn bản chính thức nào, nhưng mối quan hệ của Hàn Quốc với Anh và Pháp giống như mối quan hệ “đồng minh tự nhiên”.
Thúc đẩy chính sách “đồng minh giá trị”
Chính sách này thực ra được đưa ra khi ông Yoon Suk-yeol chính thức trở thành Tổng thống Hàn Quốc vào năm ngoái. Theo đó, Tổng thống đến nay rất tích cực thể hiện lập trường muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản, tăng cường quan hệ với Trung Quốc, tránh “đao to búa lớn” ở phương diện ngoại giao đối với những vấn đề quốc tế phức tạp như vấn đề xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas...
Chính sách ngoại giao dường như ôn hòa hơn và thiên về củng cố quan hệ với các nước lớn, hay có vai trò về mặt địa lý, có triển vọng trong tương lai gần. Nghĩa là tạo ra giá trị thực cho sự phát triển của quốc gia, không quá phụ thuộc vào một qui tắc tự thân nào.
Ví dụ như, sau khi thăm Anh, ông Yoon Suk-yeol sẽ đến Pháp, không chỉ cho Pháp mà còn cho các đối tác khác thấy sự nhiệt thành (Pháp được coi là quốc gia có vai trò quan trọng đặc biệt trong các sự kiện văn hóa, kinh tế của thế giới), quyết tâm khi muốn trở thành nước chủ nhà của Triển lãm thế giới. Như vậy, Hàn Quốc muốn thông qua Pháp để “lôi kéo” lợi ích cho đất nước bằng giá trị của chính mình.
Hay như trong chuyến thăm Anh, một tuyên bố chung về quy định phổ quát về mối quan hệ song phương được đưa ra. Tuyên bố chung kỳ vọng là nền tảng để thắt chặt hợp tác Hàn - Anh trong các lĩnh vực đa dạng như chính trị - kinh tế, quốc phòng, khoa học kỹ thuật hiện đại và giao lưu nhân lực vốn trước đó chưa thực sự sâu sắc.
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc