Giành đủ số phiếu đại biểu, Tổng thống Biden và ông Trump chờ ngày “tái đấu”
Chính trường Mỹ đang bước vào thời kỳ sôi động khi nhiều cuộc bầu cử sơ bộ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ liên tục diễn ra tại nhiều bang. Sau “Siêu thứ Ba” vào ngày 5/3 và sau các cuộc bầu cử sơ bộ ở Georgia, Mississippi, Washington, Quần đảo Bắc Mariana vào ngày 12/3, vị trí ứng viên tổng thống của mỗi đảng đã nằm trong tay của cả ông Joe Biden và ông Donald Trump.
Tổng thống Biden và ông Trump giành đủ phiếu đại biểu
Ông Biden đã có đủ số phiếu đại biểu để trở thành ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng Dân chủ, sau khi giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang Georgia và Mississippi ngày 12/3.
Ông Biden cần tối thiểu 1.968 phiếu trong tổng số 3.934 phiếu đại biểu để giành được đề cử. Theo Edison Research - công ty thực hiện các cuộc thăm dò dư luận và thu thập kết quả bầu cử ở Mỹ, ông Biden đã vượt qua mốc này tối 12/3 (giờ Mỹ) sau khi có kết quả ban đầu của cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Georgia. Còn tính tới trưa 13/3 (giờ Việt Nam), theo kênh CNN, số phiếu đại biểu mà ông Biden có đã là 2.099.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã thu về đủ số phiếu ủng hộ của các đại biểu đảng Cộng hòa để trở thành ứng viên của đảng. Tính tới trưa 13/3 (giờ Việt Nam), ông Trump đã có 1.228 phiếu đại biểu, vượt con số 1.215 cần thiết.
Phát biểu sau khi vượt mốc 1.215, ông Trump nói: “Đây là ngày chiến thắng tuyệt vời. Tuần trước cũng là Siêu thứ Ba rất đặc biệt, nhưng giờ chúng ta phải trở lại làm việc”.
Trong “Siêu thứ Ba” tuần trước, ông Biden và ông Trump đã có màn thể hiện xuất sắc khi giành chiến thắng tại hầu hết các bang. Ông Biden chỉ thua tại vùng lãnh thổ Samoa, còn ông Trump chỉ thua tại bang Vermont.
Như vậy, Tổng thống Biden và ông Trump sẽ có màn “tái đấu” trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Công bố chính sách thu hút cử tri
Trước các cuộc bầu cử sơ bộ nói trên, cả hai ứng viên tiềm năng đều tận dụng mọi cơ hội để thu hút thêm cử tri bằng các đề xuất, chính sách cụ thể.
Ngày 11/3, Tổng thống Biden đã phác thảo tầm nhìn chính sách cho nước Mỹ khi công bố danh mục chi tiêu ước tính trị giá 7,3 nghìn tỷ USD. Cụ thể, ông Biden muốn tăng mạnh thuế đối với các tập đoàn và cá nhân có thu nhập cao nếu ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm. Mục đích là để giúp cắt giảm thâm hụt liên bang và chi trả cho các chương trình mới nhằm hỗ trợ những người có thu nhập thấp đối phó với tình trạng chi phí nhà ở và chăm sóc trẻ em tăng cao.
Theo ngân sách đề xuất của Tổng thống Biden cho năm tài chính 2025, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng từ 21% lên 28% đối với những công ty có doanh thu trên 400.000 USD/năm, những người có tài sản từ 100 triệu USD trở lên phải trả thuế ít nhất 25% thu nhập.
Trong khi đó, chính phủ sẽ tài trợ cho các chương trình chăm sóc trẻ em, cấp 258 tỷ USD để xây dựng nhà ở, chi hàng tỷ USD để ngăn chặn tội phạm bạo lực và thực thi pháp luật.
Ngoài ra, ngân sách đề xuất cũng hứa hẹn cắt giảm thâm hụt chi tiêu hàng năm khoảng 3.000 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Daniel Hornung nhận định rằng với đề xuất này, ông Biden đã nhấn mạnh chủ trương thúc đẩy các chính sách thuế nhằm đảm bảo lợi ích của người lao động, chứ không phải các tỷ phú hay các tập đoàn lớn.
Trong lần đọc Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ, Tổng thống Biden cũng tận dụng cơ hội này để củng cố vị thế, xóa bỏ những lo ngại về vấn đề tuổi tác, đồng thời chứng minh cho cử tri thấy rằng ông xứng đáng được lựa chọn để tiếp tục chèo lái con thuyền nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo.
Giới quan sát cũng nhận định sự kiện ông Biden đọc Thông điệp Liên bang ngày 7/3 mang hơi hướng của một cuộc vận động tranh cử. Ông Biden đã có lợi thế tài chính rõ rệt khi quỹ tái tranh cử của ông đã thu được 10 triệu USD trong vòng 24 giờ sau khi ông đọc Thông điệp Liên bang.
Một cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden cho biết số tiền này được chuyển đến thông qua khoảng 116.000 khoản quyên góp từ 113.000 người ủng hộ, tạo lợi thế tài chính ban đầu cho ông Biden so với cựu Tổng thống Trump.
Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về phần mình, cũng trong ngày 11/3, cựu Tổng thống Trump cũng đã trình bày một số ưu tiên tài chính và bảo vệ chính sách cắt giảm thuế tổng thể mà ông định thực hiện. Theo đó, chính trị gia này kêu gọi gia hạn chính sách cắt giảm thuế mà ông đưa ra hồi năm 2017.
Trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC, ông Trump kêu gọi hành động vì vị thế của nước Mỹ, vì các chương trình đảm bảo quyền lợi của người dân, trong đó có việc cắt giảm thuế, đưa ra các chương trình trợ cấp y tế và an sinh xã hội. Ông nhấn mạnh rằng cắt giảm thuế có thể bù đắp các khoản chi tiêu gia tăng mà các hộ gia đình đang phải gánh.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Trump đã loại trừ khả năng ông có thể hạn chế việc sử dụng bitcoin và các loại tiền điện tử khác.
Các phát ngôn trên là những nhận xét đầu tiên của ông Trump về kế hoạch kinh tế kể từ khi ông trở thành ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa.
Màn tái đấu khó đoán định
Như vậy, sau các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 12/3, Tổng thống Joe Biden và ông Trump sẽ lại đấu với nhau trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Đây là kịch bản mà giới chuyên gia và truyền thông đã dự báo từ lâu.
Giành được đề cử của đảng mới chỉ là bước đầu, đường vào Nhà Trắng của cả hai ứng cử viên này còn nhiều chông gai.
Ông Biden (trái) và ông Trump. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thế mạnh của ông Trump có sức thuyết phục với thành phần cử tri trung thành với ông, nhưng vẫn khiến một bộ phận trong hàng ngũ đảng Cộng hòa không cảm thấy thoải mái. Một nhà quan sát nhận định: "Nội bộ Đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết”.
Những gương mặt nổi bật trong đảng, như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, hay Thống đốc bang Florida Ron deSantis, đã đồng loạt tuyên bố ủng hộ ông Trump, nhưng “đó chỉ là bề ngoài”.
Trở ngại khác đối với ông Trump là hàng loạt các vụ án ông đang phải đối mặt, trong đó có 4 vụ án hình sự. Theo kết quả một cuộc thăm dò được hãng tin AFP trích dẫn, ít nhất 1/3 số cử tri tham gia bầu cử sơ bộ đã không bỏ phiếu cho ông Trump vì lý do này.
Trong khi đó, đương kim Tổng thống Biden có bất lợi lớn là tuổi đã ngoài 80. Kết quả thăm dò do báo "New York Times" và Đại học Siena College thực hiện cho thấy một nửa số cử tri từng ủng hộ Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đánh giá ông đã quá cao tuổi cho công việc điều hành đất nước.
Một trở ngại lớn khác đối với Tổng thống Mỹ đương nhiệm là xung đột ở Gaza. Ông đang chịu sức ép phải hối thúc Israel ngừng bắn ở dải đất này trong bối cảnh thương vong dân thường vượt 30.000 người.
Dự báo kết quả bầu cử tháng 11 tới sẽ rất sít sao với khoảng cách giữa hai ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa có thể sẽ chỉ là vài nghìn lá phiếu tại một số bang chiến địa hoặc dao động.
Từ nay cho đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ (5/11), con đường còn dài và sẽ còn trở ngại gây khó khăn cho cả hai ứng viên. Kịch bản khó đoán nhất với cả hai bên sẽ là có một ứng viên bất ngờ xuất hiện, có sức thu hút cử tri.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc