Multimedia Đọc Báo in

Ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

16:28, 10/11/2016
Nước Mỹ chính thức có tổng thống mới sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump vượt qua đối thủ Hillary Clinton trong một cuộc đua gay cấn. 
 
Chiến thắng ngoạn mục
 
Các nguồn tin Anh và Mỹ đồng loạt đưa tin ông Donald Trump đã giành được 276 phiếu đại cử tri trong khi đối thủ của ông là bà Hillary Clinton chỉ nhận được 218 phiếu.
 
Thắng lợi này của ông Trump là khá bất ngờ khi ông không chỉ thắng đối thủ nặng ký Clinton được sự ủng hộ rất lớn từ chính phủ Mỹ mà còn thắng một cách áp đảo. Trước đó, các dự báo và giới cá cược nghiêng nhiều về bà Clinton. Ngoài vị trí Tổng thống, Đảng Cộng hòa còn giành được quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ.
 
Nếu không xảy ra “kiện cáo” nào từ phe tranh cử của bà Clinton thì dự kiến vào tháng 12-2016, đại cử tri đoàn Mỹ sẽ chính thức bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống mới của nước này. Sau đó tân Tổng thống Mỹ theo thông lệ sẽ nhậm chức vào tháng 1-2017. 
 
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump (phải) đã giành thêm chiến thắng tại nhiều bang quan trọng. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Ông Donald Trump (phải) đã giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
 
Ngay sau khi giành chiến thắng, chiều 9-11 (theo giờ Việt Nam), tỷ phú Donald Trump đã xuất hiện trước công chúng với cam kết ông sẽ nỗ lực hết sức vì một nước Mỹ hùng mạnh. Phát biểu trước những người ủng hộ tại thành phố quê nhà New York, Tổng thống đắc cử Trump nhấn mạnh hiện là thời điểm để nước Mỹ hàn gắn những chia rẽ nội bộ, cùng nhau đoàn kết vì tương lai của đất nước. Ông cam kết sẽ là tổng thống của mọi người dân Mỹ, và thông báo một kế hoạch to lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội. Tổng thống đắc cử Trump nêu rõ dành quan tâm đến các cựu chiến binh. Liên quan đến quan hệ đối ngoại, Tổng thống đắc cử Trump khẳng định chính quyền mới sẵn sàng hợp tác với các nước khác trên thế giới, tìm kiếm những nền tảng chung và hướng tới quan hệ đối tác thay vì xung đột.
 
Ông cũng hoan nghênh nỗ lực của ứng cử viên đảng Dân chủ Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng kéo dài hơn 1 năm qua, đồng thời cho biết ông đã nhận được cuộc gọi chúc mừng chiến thắng từ nữ chính khách này.
 
Ngay sau khi có kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã chúc mừng tổng thống mới đắc cử của Mỹ. 
 
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chúc mừng ông Donald Trump về chiến thắng của ông này trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thông cáo của điện Kremlin nêu: “Ông Putin bày tỏ hy vọng về một sự hợp tác nhằm khôi phục quan hệ Nga-Mỹ khỏi tình trạng khủng hoảng, và cùng xử lý các vấn đề quốc tế cấp bách, tìm kiếm các cách thức phản ứng hiệu quả trước các thách thức đối với an ninh toàn cầu”. Ông Putin cũng cho biết ông chắc chắn một đối thoại mang tính xây dựng giữa Moscow và Washington sẽ phục vụ lợi ích của cả hai nước.
 
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini cho biết, Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục làm việc sau khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ. Bà Mogherini nhấn mạnh, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sâu sắc hơn những thay đổi chính trị, vì vậy hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để củng cố sức mạnh của châu Âu. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz bày tỏ sự thận trọng khi dự báo quan hệ giữa Liên minh châu Âu với Mỹ sẽ có thể khó khăn hơn so với Chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, ông khẳng định sự tôn trọng đối với tổng thống tương lai được bầu một cách dân chủ ở Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định quan hệ giữa Mỹ và châu Âu "không thể suy yếu". Quan chức này cho biết Paris sẽ tiếp tục hợp tác với Washington song cần làm rõ quan điểm của chính quyền mới trong các vấn đề nóng của thế giới như biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình Syria. 
 
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhấn mạnh, Australia sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ và Australia  chia sẻ nhiều lợi ích chung và Australia sẽ nỗ lực để  bảo đảm hợp tác song phương tại khu vực châu Á.
 
Tại châu Á, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines và Malaysia cũng đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Donal Trump. Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền tương lai tại Mỹ. Ông Suga nhấn mạnh, không gì có thể thay đổi thực tế rằng mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đóng vai trò nền tảng trong đường lối ngoại giao của Nhật Bản và nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ vì hòa bình và sự thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
 
Từ Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định, nước này sẽ hợp tác với Tổng thống đắc cử của Mỹ để bảo đảm sự phát triển tốt đẹp và bền vững của mối quan hệ song phương. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Trump và bày tỏ mong muốn hợp tác với chính quyền Mỹ sắp tới để thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng và lợi ích của nhau. Chúc mừng ông Donald Trump, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định, Malaysia sẵn sàng tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác với Mỹ. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se bày tỏ hy vọng, chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục chính sách liên quan đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, mối quan hệ với Mỹ sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử Mỹ: “Chúng tôi là một đồng minh với Mỹ hơn 180 năm qua. Cho dù ai trở thành Tổng thống Mỹ thì Thái Lan vẫn giữ chính sách đối ngoại cân bằng của mình với Mỹ”
 
Cùng với cộng đồng thế giới, giới lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ ngày 9-11 đã lần lượt lên tiếng chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump. 
 
Phản ứng phấn khích của người ủng hộ Donald Trump tại nơi tập hợp trong đêm bầu cử 8/11 ở Manhattan, New York.
Phản ứng phấn khích của người ủng hộ Donald Trump tại nơi tập hợp trong đêm bầu cử 8/11 ở Manhattan, New York. (Ảnh: Reuteurs)
 
Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Dân chủ gạt sang một bên nỗi thất vọng sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời cùng nỗ lực cho một tiến trình chuyển giao quyền lực một cách êm thấm.  “Tiến trình chuyển giáo chính trị là một trong những dấu ấn của nền dân chủ Mỹ. Trong một vài tháng tới, chúng ta cần thể hiện rõ cho thế giới thấy điều này. Trong một cuộc đua, người thua cuộc sẽ đều không vui. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng, tất cả chúng ta đều là người một nhà. Đây không phải là một cuộc chiến giữa hai đảng. Không phải đảng Dân chủ là trên hết, cũng không phải đảng Cộng hòa là trên hết mà chính nước Mỹ là trên hết”, Tổng thống Obama cho biết.
 
Ông Obama cũng khẳng định cá nhân ông cũng sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm tổng thống mới sẽ thành công trên cương vị của mình. Ông cũng kêu gọi những người trẻ tuổi lạc quan, loại bỏ tâm lý hoài nghi vì lúc này nước Mỹ cần sự đoàn kết, thống nhất và tôn trọng thể chế.
 
Trước đó, trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng sau thất bại trước ông Trump, bà Clinton đã cam kết sẽ phối hợp với Tổng thống đắc cử, đồng thời kêu gọi các nghị sĩ đảng Dân chủ cho nhà tỷ phú của đảng Cộng hòa cơ hội lãnh đạo đất nước.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã cam kết sẽ giám sát tiến trình chuyển giao quyền lực một cách trật tự cho chính quyền của ông Trump, đồng thời cảm ơn các nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ vì đã đứng ngoài cuộc đua tranh chính trị vừa qua.
 
Trong khi đó, về phía các đảng Cộng hòa của ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cùng ngày đã cam kết phối hợp chặt chẽ với Tổng thống đắc cử Donald Trump để thúc đẩy chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong thời gian tới. Trong giai đoạn vận động tranh cử của mình, giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, dù đều là thành viên đảng Cộng hòa, song đã nảy sinh tranh cãi lớn liên quan đến những phát ngôn của ông Trump. Dự kiến, ông Ryan sẽ tái tranh cử cương vị Chủ tịch Hạ viện vào tháng 1 năm sau.
 
Lý do nào giúp ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng
 
Trái với dự đoán của giới chuyên gia, tỷ phú Donald Trump đã bất ngờ giành thắng lợi vang dội trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. 
 
Theo nhận định ban đầu của giới phân tích, có một số nguyên nhân chủ quan và khách quan đã mang lại chiến thắng thuyết phục cho ông trùm bất động sản này trước cựu Đệ nhất phu nhân. 
 
Về chủ quan, có thể nói rằng khí chất cứng cỏi và bản lĩnh của ứng cử viên Đảng Cộng hòa, một doanh nhân rất thành đạt trên thương trường, đã thuyết phục được cử tri Mỹ. Điều này được thể hiện trong vòng bầu cử sơ bộ khi ông Trump nhanh chóng vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ, cho dù nhiều người cho rằng ông thậm chí còn không thể trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức của Đảng Cộng hòa. Bên cạnh đó, những chính sách của ngôi sao truyền hình thực tế này đã đánh trúng tâm lý của một bộ phận đông đảo cử tri Mỹ mong muốn có một sự thay đổi thực sự sau quãng thời gian dài đảng Dân chủ cầm quyền với một nền kinh tế Mỹ bị trì trệ do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, cộng với việc vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế bị suy giảm và ngày càng lép vế trước sự trỗi dậy của các cường quốc như Nga, Trung Quốc... 
 
Khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã thực sự đánh thức lòng tự hào dân tộc của nhiều cử tri. Những cử tri ủng hộ ông Trump không hẳn yêu thích con người ông, mà họ ủng hộ ông vì những mối lo như vấn đề người nhập cư, việc làm, bản sắc... 
 
Ông tuyên bố sẽ cắt giảm sự hỗ trợ đối với các đồng minh, giảm can thiệp vào các điểm “nóng” để ưu tiên dành các nguồn lực cho phát triển đất nước. Điều này hoàn toàn trái với chủ trương “cứng rắn” của bà Clinton như cam kết đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Syria, thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống, thúc đẩy chính sách “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương...
 
Ngoài ra, sự phản đối nhằm vào ông Trump trong thời gian qua cũng giống như tâm lý đám đông trên thị trường tài chính. Tâm lý này có thể bủa vây vào một thời điểm nào đó, nhưng cũng có thể qua đi rất nhanh chóng. Cho dù trong đoạn băng video bị tiết lộ, những lời lẽ khiếm nhã với phụ nữ hồi năm 2005 của ông Trump có phần gây sốc và bất bình trong dư luận ra sao, thì tất cả những nội dung trong đó cũng không có gì tệ hơn những gì ông đã nói trước đây. 
 
Vấn đề mà nhiều cử tri Mỹ quan tâm là tỷ phú này sẽ làm gì khi trở thành tổng thống Mỹ, thay vì việc ông sẽ làm gì với một phụ nữ đã có gia đình. 
 
Về mặt khách quan, rất nhiều cử tri Mỹ đã mất niềm tin vào ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton sau vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để giải quyết việc công khi bà còn giữ cương vị Ngoại trưởng từ năm 2009-2013. Đa số cử tri Mỹ cho rằng bà là người thiếu trung thực. Nhiều người đã ví von rằng vụ bê bối này có ảnh hưởng không khác gì vụ Watergate vì đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Mỹ.  
 
Ông Trump bắt tay ông Pence, người sẽ Phó Tổng thống Mỹ sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống. (ảnh: Reuters)
Ông Trump bắt tay ông Pence, người sẽ Phó Tổng thống Mỹ sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống. (Ảnh: Reuters)
 
Trên thực tế, dù Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã khẳng định giữ nguyên kết luận hồi tháng 7-2016 về vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton, song trên thực tế, vụ việc này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định của cử tri, đặc biệt là những người còn do dự chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Mặt khác, ảnh hưởng của truyền thông đến các cử tri Mỹ quá lớn khi các kết quả thăm dò trước bầu cử liên tục cho thấy cựu Ngoại trưởng dẫn trước đối thủ có lúc lên đến hai con số. Điều đó vô hình trung gây ấn tượng mạnh rằng bà Clinton chắc chắn sẽ giành chiến thắng và vì thế nhiều cử tri ủng hộ bà “chủ quan” không đi bỏ phiếu do tin tưởng về thắng lợi của bà. Đó là một trong những nguyên nhân khiến số phiếu ủng hộ bà Clinton bị sụt giảm tại một số bang. 
 
Cũng phải kể đến vai trò của các ứng cử viên độc lập như Gary Johnson của Đảng Tự do hay Jill Stein của Đảng Xanh. Trên thực tế, chính các ứng cử viên độc lập này đã lấy đi khá nhiều phiếu bầu của bà Clinton tại một số bang, nhất là những bang còn do dự. 
 
Có thể nói rằng việc bà Clinton bị thất cử trong cuộc bầu cử đầy kịch tính này cũng cho thấy một thực tế là dường như nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng chào đón một nữ tổng thống. Chiến thắng bất ngờ nhưng thuyết phục của ứng cử viên Donald Trump, một người được coi là “ngoại đạo” trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cho thấy nguyện vọng của cử tri Mỹ mong muốn có một sự thay đổi thực sự. 
 
Những điều cần biết về tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump
 
Tỷ phú Donald Trump sinh ngày 14-6-1946 tại New York, Mỹ. Ông là con thứ tư trong một gia đình 5 anh chị em và cha là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản.
 
Thuở nhỏ, ông Trump được đánh giá là một đứa trẻ năng động và quyết tâm cao. Ông có thành tích về mặt học vấn lẫn công tác xã hội. Khi tốt nghiệp trung học vào năm 1964, ông là một ngôi sao thể thao của trường lớp và là một học sinh “cốt cán”
 
Sau đó, ông vào Đại học Fordham và hai năm sau chuyển lên trường tài chính thuộc Đại học Pennsylvania. Năm 1968, ông tốt nghiệp với văn bằng kinh tế. Năm 1974, Donald Trump mở công ty kinh doanh địa ốc riêng và nhanh chóng trở thành một trong những ông trùm bất động sản ở Mỹ. Hiện, ông Trump đứng thứ 113 trong số các tỷ phú Mỹ và thứ 324 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2016 của Tạp chí Forbes với khối tài sản ước tính khoảng 4,5 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, tính thích đầu tư mạo hiểm cũng nhiều lần khiến tỷ phú Trump lao đao. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2009, ông từng 4 lần phải đến tòa nộp đơn xin phá sản, song đều vực dậy được nhờ những bất động sản “hái ra tiền” như hệ thống sòng bạc ở Atlantic City hay Tháp Trump ở New York.
 
Donald Trump cũng là một ngôi sao của ngành truyền thông Mỹ với vai trò là người dẫn chương trình kiêm nhà sản xuất của chương trình truyền hình thực tế The Apprentice của kênh NBC. Năm 2007, ông từng được vinh danh với một ngôi sao trên “Đại lộ Danh vọng” vì những cống hiến cho ngành truyền hình. Năm 2013, tạp chí Forbes vinh danh ông ở thứ hạng 30 trong tốp 100 nhân vật nổi tiếng nhất thế giới. Năm 2015, ông xếp thứ 72 trong bảng xếp hạng 100 nhân vật quyền lực toàn cầu.
 
Về đời tư, Donald Trump từng kết hôn 3 lần và có 5 người con. Người vợ hiện tại của tỷ phú này là Melania Trump, người mẫu và một nhà thiết kế thời trang. Bà kết hôn với ông Trump từ năm 2005.
 
Dương Hà ( Theo VOV, TTXVN)
 
 

Ý kiến bạn đọc