Multimedia Đọc Báo in

Mỹ và Israel nỗ lực thu xếp lại cuộc họp về Dải Gaza: Dấu hiệu “tan băng”?

18:25, 29/03/2024

Theo giới quan sát, động thái thu xếp lại cuộc họp về Dải Gaza đánh dấu sự tan băng giữa Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Israel Netanyahu trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo ngày càng bất đồng với nhau.

Ngày 28/3, Nhà Trắng cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang lên lại kế hoạch cử 2 quan chức tới Washington để bàn về chiến dịch quân sự có thể diễn ra ở Rafah vào đầu tuần tới.

Động thái này cho thấy sự thay đổi hoàn toàn sau khi ông Netanyahu hủy chuyến đi Mỹ dự kiến vào ngày 24/3 vừa qua của các quan chức trên để phản đối việc Mỹ không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza.

Theo giới quan sát, động thái này đánh dấu sự tan băng giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Netanyahu trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo ngày càng bất đồng với nhau.

Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 27/3. (Ảnh: THX/TTXVN
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN

Các quan chức Mỹ đã bày tỏ quan điểm phản đối một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah - khu vực phía Nam Dải Gaza vì lo ngại có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực hiện là nơi tập trung hơn 1 triệu người Palestine này.

Kết quả một cuộc thăm dò mới của Gallup cho thấy đa số người Mỹ hiện không tán thành cuộc chiến của Israel tại Gaza. Số người không đồng tình tăng từ 45% trong tháng 11/2023 lên 55% trong tháng này.

Trong diễn biến cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh sự cấp thiết phải thực thi lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Dải Gaza theo đúng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Tuyên bố này của ông Shoukry được đưa ra trong cuộc gặp tại Cairo với ông Tariq Ahmad, Quốc vụ khanh Anh phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi, Nam Á, Liên hiệp quốc và các vấn đề Khối thịnh vượng chung.

Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 27/3. (Ảnh: THX/TTXVN
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid cho biết tại cuộc hội đàm, ông Shoukry cũng kêu gọi viện trợ nhân đạo phải được cung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người Palestine ở Gaza và cộng đồng quốc tế phải gây áp lực lên Israel để mở tất cả các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Gaza nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Tel Aviv.

Ngoại trưởng Ai Cập cũng một lần nữa tái khẳng định rằng Ai Cập kiên quyết phản đối bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel tại thành phố Rafah, ở phía Nam Gaza.

Ngoài ra, ông Shoukry và ông Ahmad nhất trí về tầm quan trọng của việc đạt được tầm nhìn về mặt chính trị cho việc thành lập và công nhận một nhà nước Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Cũng trong ngày 28/3, Hãng thông tấn Petra đưa tin Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ireland Micheal Martin, thảo luận về xung đột ở Gaza. Hai ngoại trưởng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và nhanh chóng cung cấp viện trợ đầy đủ, lâu dài cho vùng lãnh thổ này.

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc được thông qua ngày 26/3, kêu gọi ngừng bắn trong tháng Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo.

Các cuộc đàm phán cũng đề cập đến những nỗ lực đang diễn ra nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Israel và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.

Trong khi đó, Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) cho biết không có gì thay đổi trên thực địa trong cuộc xung đột ở Dải Gaza kể từ khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc yêu cầu “ngừng bắn ngay lập tức."

Sau hơn 5 tháng giao tranh, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lần đầu tiên yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Nghị quyết này yêu cầu "lệnh ngừng bắn ngay lập tức" trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, qua đó giúp hướng đến lệnh ngừng bắn lâu dài.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây, Chủ tịch MSF Christos Christou cho biết: “Kể từ thời điểm đó, chúng tôi không thấy bất cứ thay đổi nào. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ tác động nào đến… cuộc sống của người dân ở đó hằng ngày. Chúng tôi chưa thấy tác động nào đến cách thức cung cấp viện trợ nhân đạo. Tình hình vẫn như cũ."

Cũng theo ông Christou, yêu cầu của MSF vẫn không thay đổi. Ông nói điều cần thiết là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài, dừng tất cả các cuộc tấn công vào các cơ sở và nhân viên y tế, đồng thời "viện trợ nhân đạo không bị cản trở ở Dải Gaza".

Theo TTXVN/Vietnam+
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.