Nỗ lực lấp khoảng trống nhân lực
Một vấn đề đang khiến các quốc gia châu Âu đau đầu là tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dân số già hóa, tỷ lệ sinh thấp, sức khỏe người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thời tiết cực đoan. Thu hút thêm nhiều lao động nhập cư là mục tiêu mà các nước hướng tới nhằm giải quyết bài toán nhân lực.
Nước Đức thiếu hụt số lượng lớn lao động có tay nghề, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này phải phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư. Hiệp hội kỹ thuật số Bitkom của Đức cảnh báo, tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin của nước này sẽ ngày càng trở nên trầm trọng, với việc thiếu đến 663.000 người vào năm 2040 nếu các nhà hoạch định chính sách không có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Martorell, Tây Ban Nha. |
Cũng theo Bitkom, thiếu hụt chuyên gia công nghệ thông tin đồng nghĩa với việc lĩnh vực kỹ thuật số của Đức giảm bớt tính cạnh tranh, sáng tạo và đe dọa triển vọng tăng trưởng.
Để khắc phục, Chính phủ Đức đang nỗ lực đẩy mạnh tuyển dụng lao động từ các quốc gia khác. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser mới đây thông báo, Đức đặt mục tiêu sớm ký kết các thỏa thuận di cư với Moldova và Kenya. Cũng theo quan chức này, các kế hoạch thiết lập thỏa thuận hợp tác với Kyrgyzstan, Uzbekistan đang được xúc tiến, với trọng tâm là tuyển dụng lao động lành nghề cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Giới chức Đức kỳ vọng rằng, các thỏa thuận di cư sẽ là chìa khóa mở cánh cửa đưa lao động lành nghề từ các nước khác đến với Đức một cách nhanh chóng hơn. Một biện pháp khác mà Đức thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng cao của nền kinh tế là cải cách luật quốc tịch, theo đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quy chế hai quốc tịch và việc nhập tịch đối với công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Không chỉ Đức, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng vật lộn tìm cách bổ sung lực lượng lao động. Theo Allianz Trade, công ty về bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp, Italia và Tây Ban Nha có nhu cầu cao về lao động nhập cư, trung bình lần lượt là 414.000 và 338.000 người mỗi năm. Khác với Đức, Italia và Tây Ban Nha có lợi thế về "nguồn dự trữ" trong nước khi tỷ lệ tham gia lao động, nhất là trong nữ giới, còn khá thấp.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Italia cho rằng, nước này đang đối mặt tình trạng thiếu lao động trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là lao động nữ và thanh niên trong độ tuổi từ 20 đến 34. Ngân hàng Trung ương Italia đã đề xuất một số giải pháp để giữ người lao động ở lại thị trường, trong đó có đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc trẻ em để phụ nữ có thể quay trở lại làm việc sau khi sinh con.
Già hóa dân số phản ánh những thành tựu của quá trình phát triển y tế, xã hội song cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn với nền kinh tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, vào năm 2024, số người trên 65 tuổi tại châu Âu sẽ nhiều hơn số người dưới 15 tuổi, đồng nghĩa với việc nhu cầu an sinh xã hội với người cao tuổi ngày càng tăng.
Trong khi đó, người lao động trên toàn thế giới đang đương đầu với nhiều mối nguy hại về sức khỏe liên quan tới biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động.
Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, năm 2020, khoảng 2,4 tỷ người lao động trên toàn cầu phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao vượt ngưỡng chịu đựng; khoảng 1,6 tỷ người lao động tiếp xúc với tia UV mỗi năm; có khoảng 15.000 ca tử vong hằng năm liên quan đến công việc là bởi các bệnh do ký sinh trùng và vật trung gian truyền bệnh.
Nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Thiếu hụt nhân lực chắc chắn sẽ khiến các quốc gia bỏ lỡ cơ hội quan trọng để bứt tốc phục hồi và phát triển sau thời kỳ dịch COVID - 19 hoành hành.
Theo Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc