Multimedia Đọc Báo in

Thiếu hụt nhân lực y tế ngày càng trầm trọng

16:45, 13/12/2011

Bộ Y tế đang ráo riết tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng quá tải bệnh viện. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng giường bệnh, nâng cao chất lượng khám, điều trị thì nguồn nhân lực cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tải. Với khoảng 7 bác sĩ/10.000 dân, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ bác sĩ thấp nhất thế giới và khu vực. Song, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong đào tạo, sử dụng và đãi ngộ y, bác sĩ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số bác sĩ phục vụ 1 vạn dân bình quân hiện đã tăng từ 4,1 bác sĩ (năm 2001) lên gần 7 bác sĩ/vạn dân, nhưng các tỉnh vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này lại rất thấp, đó là chưa kể, tình trạng chênh lệch, thiếu hụt điều dưỡng càng trầm trọng hơn. Đối với khu vực bệnh viện, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ cần phải đạt là 2,5 - 3,5 người/bác sĩ, nhưng tỷ lệ hiện nay mới đạt 1,7 điều dưỡng /bác sĩ và càng ở bệnh viện tuyến trên thì tỷ lệ này càng thấp. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ điều dưỡng của một quốc gia phải có ít nhất là 2 điều dưỡng/1.000 dân. Nếu xét theo tỷ lệ này, thì thực trạng thiếu hụt điều dưỡng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tại hội nghị về nhân lực y dược mới đây, Bộ Y tế dự kiến đến năm 2015 cả nước cần có 976.033 cán bộ y tế. Như vậy, số cán bộ y tế cần bổ sung từ nay đến 2015 là gần 700.000 người, số cần đào tạo hàng năm là 78.000 người. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục - Đào tạo, năng lực đào tạo (khóa 2007 - 2013) chỉ khoảng 27.300 người.

Hiện nay, phần lớn y, bác sĩ có tay nghề đều muốn bám trụ tại các thành phố lớn, bởi ngoài việc làm cho các cơ sở y tế công lập thì việc làm thêm, làm ngoài giờ cũng khá thuận tiện, thu nhập cao. Còn đối với dược sĩ thì việc không muốn làm cho cơ sở y tế công lập mà đi làm cho các hãng dược phẩm càng thấy rõ. Nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo tình trạng “trắng” bác sĩ, dược sĩ ở các xã, phường từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có chính sách cải thiện. Chẳng hạn, theo Bộ Y tế, thời điểm này, Việt Nam mới chỉ đạt 1,5 dược sĩ/10.000 dân, đặc biệt, 52% dược sĩ tập trung tại 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kết quả thống kê tại 245 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh của Cục Quản lý khám chữa bệnh, với gần 52.000 giường bệnh chỉ có gần 470 dược sĩ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, quy mô đào tạo các trường đại học, cao đẳng y dược không lớn, thấp hơn so với quy mô đào tạo một trường đại học khối ngành khác. Do đó, khả năng đáp ứng yêu cầu mục tiêu cán bộ y tế đến năm 2015 rất khó khăn. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nhu cầu tuyển thêm nhân lực để bù đắp số về hưu, nghỉ việc, chuyển công tác... thì số cán bộ y tế cần thêm hàng năm là 20%, tương ứng 54.230 người, riêng trình độ đại học là 12.815 người. Trong khi đó, số liệu ước tính nhu cầu đào tạo đến năm 2015 cho thấy số cán bộ y tế bậc đại học ra trường hàng  năm vào thời điểm năm 2015 vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển của các cơ sở y tế công lập và tư nhân.

Để giải quyết tình trạng trên, TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng tăng quy mô đào tạo của hệ thống trường đại học, cao đẳng y dược để đạt bình quân trên 45.000 sinh viên, học sinh/năm vào năm 2015 là điều cần thiết. Thậm chí như Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở thêm ngành dược. Ngoài ra cần huy động nguồn lực xã hội, đó là mở thêm các trường đại học y khoa tư nhân.

Tại các cuộc họp tìm giải pháp chống quá tải bệnh viện mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận còn nhiều nghịch lý và bất cập trong đào tạo, sử dụng cán bộ y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành sẽ xem xét lại việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng cao công tác khám chữa bệnh. So với các ngành kinh tế khác, sự tăng trưởng nhân lực y tế quá chậm do hệ thống các cơ sở đào tạo y dược quy mô tăng chậm và hạn chế trong khi các định mức cán bộ y tế không thay đổi hàng chục năm nay. Vì thế số lượng cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cả hệ thống y tế. 

Mục tiêu nhân lực y tế đến năm 2020

* 8 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2015 và 12 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2020.
* 1,5 dược sĩ đại học/10.000 dân vào năm 2015 và 2 dược sĩ đại học/10.000 dân năm 2020.
* 20 điều dưỡng từ trung cấp trở lên/10.000 dân vào năm 2015 và 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2020.
 

 K.O (nguồn SGGP)


Ý kiến bạn đọc