Multimedia Đọc Báo in

Ấn Độ - Trung Quốc nhất trí sớm giải quyết vấn đề biên giới

16:14, 26/07/2024

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Lào, trong đó hai bên nhất trí giải quyết các vấn đề biên giới giữa hai nước càng sớm càng tốt.

Thông báo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào.

Tại cuộc gặp, hai bộ trưởng đã nhất trí cần phải phối hợp một cách có mục tiêu và khẩn trương để hoàn tất hoạt động rút hoàn toàn binh lính ở khu vực biên giới hai nước trong thời gian sớm nhất.

Binh sĩ quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước. (Ảnh: Tribune News Service/TTXVN)
Binh sĩ quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước. Ảnh: Tribune News Service/TTXVN

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar nêu rõ hai bên đã nhất trí cần có chỉ đạo mạnh mẽ để hoàn tất quá trình rút binh lính trong khi vẫn đảm bảo tôn trọng đầy đủ Đường kiểm soát thực tế (LAC) và các thỏa thuận trước đây.

Theo ông Jaishankar, tình trạng biên giới cũng phản ánh một phần tình trạng mối quan hệ hai bên.

Trước đó, đầu tháng 7 này, ông Jaishankar và ông Vương Nghị cũng đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan.

Tại cuộc gặp này, hai bên nhất trí đẩy mạnh đàm phán để giải quyết sớm nhất có thể các vấn đề ở biên giới hai nước. Sau cuộc gặp, ông Vương Nghị cho rằng hai nước phải xử lý và kiểm soát tình hình ở khu vực biên giới đồng thời nối lại trao đổi bình thường ở các khu vực khác.

Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới dài trên dãy Himalaya, phần lớn chưa được phân định rõ ràng.

Quan hệ giữa hai bên căng thẳng kể từ sau vụ đụng độ quân sự năm 2020 khiến ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ và 4 binh sỹ Trung Quốc thiệt mạng.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.