Multimedia Đọc Báo in

NATO kết nạp Ukraine là không thể đảo ngược song không phải tương lai gần

15:30, 11/07/2024

Việc kết nạp Ukraine vào NATO trở thành vấn đề tâm điểm trong ngày họp thứ hai của hội nghị thượng đỉnh khối này đang diễn ra (10/7) ở Mỹ. Dù khẳng định việc kết nạp Ukraine trở thành thành viên của khối là vấn đề không thể đảo ngược, song NATO vẫn chưa thể thực hiện kế hoạch này trong thời gian gần.

Trong các tuyên bố, nhiều nước thành viên của NATO trong đó có Phần Lan, Ba Lan đều khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Ukraine làm thành viên NATO. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nêu rõ:

“Tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng, trước hết là con đường để Ukraine gia nhập NATO là không thể đảo ngược, nghĩa là NATO thực sự sẵn sàng chấp nhận Ukraine vào hàng ngũ của mình. NATO ủng hộ và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, nhưng NATO không muốn gây chiến với Nga. Do đó, con đường đến NATO đã rộng mở cho Ukraine nhưng vẫn cần một cuộc thảo luận về thời điểm và các bước tiếp theo của vấn đề này".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu khi đứng cạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bữa tối dành cho các đồng minh và đối tác của NATO tại Nhà Trắng trong hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Washington, Mỹ, ngày 10/7/2024. Ảnh: Reuters.

Chia sẻ quan điểm này với  lãnh đạo các nước thành viên, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong tuyên bố đã nói rằng NATO đang thực hiện các hành động được mô tả là cầu nối để Ukraine trở thành thành viên NATO, trong đó có việc thành lập một bộ chỉ huy gồm 700 người đóng ở Đức, cũng như các trung tâm ở phía Đông để đơn giản hóa việc huấn luyện và hỗ trợ an ninh cho quốc gia Đông Âu này.

Các cam kết tài chính dài hạn, phát triển khả năng tương tác và việc cung cấp chiến đấu cơ của phương Tây là những ví dụ về cách thức mà NATO đang đưa Ukraine vào liên minh và làm cho việc trở thành thành viên trở nên dễ dàng hơn khi đúng thời điểm. Tuy nhiên, người đứng đầu liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương nhấn mạnh hiện còn quá sớm để nói chính xác khi nào điều đó sẽ xảy ra:

"Trong cuộc họp, chúng tôi đã quyết định thực hiện các bước tiếp theo để đưa Ukraine đến gần hơn nữa với NATO. Khi Ukraine tiếp tục những cải cách quan trọng, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ trên con đường không thể đảo ngược để trở thành thành viên NATO. Công việc mà chúng tôi đang cùng nhau thực hiện bây giờ sẽ đảm bảo rằng khi đến thời điểm thích hợp, Ukraine có thể tham gia không chậm trễ. Vấn đề không phải là có hay không mà là khi nào”.

Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS News hôm 7/7 vừa qua, khi được yêu cầu giải thích lý do Ukraine sẽ gia nhập khối quân sự do Mỹ lãnh đạo vào năm 2034, thay vì trong vòng 3 năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng, không có gì đảm bảo rằng Ukraine sẽ gia nhập NATO trong thập niên tới. 

Mặc dù ủng hộ Ukraine gia nhập NATO song nhiều nước thành viên NATO cho đến nay vẫn chưa nhất trí kết nạp Ukraine vào liên minh. Theo giới phân tích, trong khi nhiều nước vùng Baltic và Đông Âu ủng hộ việc Ukraine gia nhập, các nước gồm Mỹ, Đức, Italy và Hungary đến nay vẫn lo ngại, việc kết nạp Ukraine khi chiến sự tiếp diễn sẽ khiến chiến sự leo thang và là nguồn cơn khiến NATO đối đầu trực tiếp với Nga.

Nga luôn xem việc NATO mở rộng về phía biên giới phía Đông của Nga là một mối đe dọa hiện hữu. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng ý định gia nhập khối của Ukraine là một trong những lý do chính dẫn đến xung đột. Theo quan điểm của Nga, việc Ukraine ở trạng thái trung lập là điều kiện tiên quyết cho hòa bình bền vững ở quốc gia Đông Âu này.

Theo VOV


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.