Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội cho lao động nước ngoài trong ngành khách sạn tại Nhật Bản

16:13, 09/08/2024

Các nhà điều hành khách sạn Nhật Bản có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân viên nước ngoài khi ngành này đang phải chật vật để lấp đầy khoảng trống trong bối cảnh du lịch phục hồi khiến nhu cầu tăng vọt.

Công ty Tokyu Resorts & Stays có kế hoạch tăng số lượng nhân sự nước ngoài từ khoảng 120 lên 580 người vào năm 2033, chiếm khoảng 30% trong tổng nhân sự, so với mức 6% hiện nay. Khi công ty này tiếp tục mở các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mới, họ đánh giá lượng sinh viên Nhật Bản mới tốt nghiệp chưa thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn.

Nỗ lực tuyển dụng này sẽ tập trung vào chương trình lao động có kỹ năng cụ thể của Nhật Bản. Tokyu Resorts trước đây đã tuyển dụng lao động từ Philippines và Myanmar làm việc tại Nhật Bản theo khuôn khổ này, nhưng cũng có kế hoạch xem xét lao động từ các quốc gia khác như Indonesia và Nepal. Công ty cho biết sẽ chủ yếu tuyển dụng lao động nước ngoài làm đầu bếp và phục vụ tại các nhà hàng của họ.

Du khách chụp ảnh trên con đường lát đá dành cho người đi bộ ở Kyoto, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Du khách chụp ảnh trên con đường lát đá dành cho người đi bộ ở Kyoto, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhằm giữ chân nhân viên nước ngoài, Tokyu Resorts đang cải tạo một ký túc xá để đào tạo tại chỗ ở một khu nghỉ dưỡng ở tỉnh Nagano và lắp đặt Internet không dây tại đó để tạo điều kiện thuận lợi cho các thực tập sinh.

Trong khi đó, Seibu Prince Hotels Worldwide đặt mục tiêu tuyển thêm 20% lao động nước ngoài trong năm tài chính này, cũng như nhận thêm nhiều thực tập sinh đang theo đuổi các vị trí toàn thời gian. Công ty cũng sẽ đảm bảo nhiều phúc lợi hơn, bao gồm trợ cấp sinh hoạt hằng tháng 20.000 yen (136 USD) và trợ cấp đi lại lên đến 100.000 yen hằng năm cho 2 chuyến về thăm nhà mỗi năm.

Nhà điều hành chuỗi khách sạn Fujita Kanko đặt mục tiêu có 10% nhân viên nước ngoài trong tổng số nhân viên vào năm 2028, tăng từ 8,1% vào cuối năm ngoái. Tháng 5/2023, công ty đã bắt đầu trả khoản trợ cấp 4.000 yen cho nhân viên mỗi lần gia hạn thị thực lao động.

Ngành du lịch, lưu trú tại Nhật Bản đang "đau đầu với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Dữ liệu của Chính phủ cho thấy, việc làm trong ngành lưu trú và nhà hàng đang phục hồi - tăng thêm 30.000 lao động lên 4 triệu vào tháng 6/2024. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức 4,21 triệu vào năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Theo dự báo của công ty phát triển bất động sản Mori Trust, lượng khách du lịch đến Nhật Bản sẽ tăng 38% trong năm nay lên mức kỷ lục 34,5 triệu người. Tuy nhiên, ngay cả khi nhu cầu lưu trú tăng lên, một số khách sạn vẫn phải để phòng trống do thiếu nhân viên phục vụ.

Tháng 2/2024, Hiệp hội Du lịch và Lữ hành Nhật Bản đã khuyến nghị Chính phủ xem xét lại các nhiệm vụ công việc được mô tả cho nhân viên khách sạn theo chương trình lao động có tay nghề cụ thể.

Theo TTXVN

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.