Động thái hạ nhiệt trong tranh chấp thương mại Trung Quốc - EU
Trung Quốc khẳng định sẽ không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Trong tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không có kế hoạch áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu của EU, mặc dù cuộc điều tra vào đầu năm nay kết luận rằng các nhà sản xuất rượu ở EU đã bán phá giá từ 30,6% đến 39% tại thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ người, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.
Quyết định này cho phép hai bên có thêm thời gian để thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng.
Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 3/7/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Trung Quốc bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu của EU từ ngày 5/1 năm nay nhằm đáp trả việc EU hạn chế xuất khẩu xe điện của nước này. Động thái này được cho là chủ yếu nhằm vào Pháp, vì hầu như tất cả rượu mạnh của EU xuất khẩu sang Trung Quốc đều được sản xuất tại Pháp. Cuộc điều tra tập trung vào các sản phẩm rượu mạnh trong các thùng chứa dưới 200 lít.
Trung Quốc đã vận động 27 quốc gia thành viên EU bác đề xuất của Ủy ban châu Âu (EU) về việc áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 36,3% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 10/2024. Vì vậy, quyết định không áp thuế đối với rượu mạnh của EU có thể được xem là bước đi có lợi cho Trung Quốc.
Sau diễn biến trên, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu mạnh của Pháp Remy Cointreau và Pernod Ricard đã tăng khoảng 8%. Còn cổ phiếu của nhà sản xuất Campari của Italy tăng 4,5%.
Trước đó, Phòng Thương mại Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (CCCEU), ngày 9/8 tái khẳng định quan điểm cho rằng việc EU áp thuế cao đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ cản trở các mục tiêu khí hậu cũng như khả năng cạnh tranh công nghiệp và gây ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác Trung Quốc – EU trong ngành công nghiệp ô tô.
Theo CCCEU, việc chuyển hướng sang điện khí hoá ô tô đóng vai trò then chốt để EU đạt được các mục tiêu khí hậu của khối này. CCCEU lưu ý rằng áp đặt mức thuế quan cao đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng giá bán xe điện, gây giảm nhu cầu của người tiêu dùng và do đó, cản trở tốc độ xanh hóa, cùng với mục tiêu trung hòa khí hậu của chính EU.
CCCEU viện dẫn lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới đã nhiều lần chỉ ra rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm cho chi phí bảo hộ cao hơn và khiến các công ty mất dần khả năng cạnh tranh do nhận được sự bảo hộ từ thuế quan.
Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU kêu gọi hợp tác để sớm tìm kiếm một giải pháp được các bên chấp nhận. Tuyên bố của CCCEU nêu rõ hai bên cần tăng cường sự tin tưởng và ổn định những mục tiêu mong muốn về hợp tác thương mại - đầu tư giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và EU, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện và đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu.
Trong một diễn biến cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc EU áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng bước đi nói trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà sản xuất xe điện ở trong nước, cũng như bảo vệ sự hợp tác về chuyển đổi xanh trên phạm vi toàn cầu. Bộ này cũng kêu gọi EU cần thực hiện chính sách thuế phù hợp và cùng với Trung Quốc duy trì sự ổn định trong quan hệ hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai bên, cũng như chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp xe điện.
Trong khi đó, chuyên gia Jeff Tianfu Zhang, Ủy viên Ủy ban Kế toán và Tài chính, Hiệp hội Người di cư tài năng và chất lượng Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng thuế quan của EU đối với xe điện của Trung Quốc không giúp bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của khối này.
Theo tác giả, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 20/8 đã công bố dự thảo sửa đổi thuế nhập khẩu bổ sung đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc theo hướng thấp hơn so với mức áp thuế tạm thời hồi tháng Bảy vừa qua. Trước đó Mỹ áp thuế 100% đối với nhập khẩu xe điện của Trung Quốc.
EC chủ yếu nhắm vào ba nhà sản xuất ô tô lớn: SAIC Motor Corp, đối mặt với mức thuế bổ sung 36,3% bên cạnh mức thuế chung là 10% áp dụng với tất cả xe điện vào châu Âu hiện hành. Geely Automobile Holdings Ltd. với mức thuế 19,3% và BYD Co. với mức thuế 17%. Mức thuế trung bình đối với các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc là 21,3% và mức cao nhất đối với các nhà sản xuất được cho là không hợp tác là 36,3% trong bối cảnh EU và Trung Quốc vẫn đang đàm phán về tranh chấp thuế quan và Trung Quốc đã khiếu nại lên WTO.
Ý định của EU là bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong khu vực, đặc biệt là công nhân được trả lương cao và theo đuổi chương trình nghị sự xanh của riêng mình, đặc biệt là kế hoạch mà EU đã công bố về việc cấm ô tô động cơ đốt trong vào năm 2035.
Tuy nhiên, có thể có một chiến lược đằng sau mức thuế này: EU muốn ngăn chặn sự lặp lại của kịch bản trong ngành năng lượng Mặt Trời, trong đó các công ty Trung Quốc thay thế vị trí dẫn đầu của các công ty phương Tây.
Chính sách thuế quan trên khiến việc đạt được các mục tiêu trên trở nên khó khăn và có thể có tác động tích cực tới các thương hiệu xe điện của Trung Quốc, nhưng tác động tiêu cực đến việc EU thúc đẩy chuyển đổi xe động cơ đốt trong. Vào tháng 6/2024, xe điện của Trung Quốc chiếm 11,1% thị phần xe điện của EU, một mức cao kỷ lục được thiết kế để tránh thuế quan của EU được đưa ra vào tháng 7/2024. Mặc dù các tác động tiếp theo vẫn cần được theo dõi, nhưng thực tế cho thấy người tiêu dùng ở EU đang khao khát những chiếc xe điện giá cả phải chăng. Việc công bố chính sách thuế quan này thực sự đã nâng cao nhận thức về thương hiệu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Ngược lại, các nhà sản xuất xe điện nội địa của EU không thể cạnh tranh với lợi thế về chi phí của các thương hiệu Trung Quốc, vốn đã tạo ra chuỗi cung ứng hội nhập toàn cầu. Thuế quan sẽ khuyến khích các nhà sản xuất hàng đầu của Trung Quốc xây dựng những nhà máy sản xuất địa phương ở châu Âu. Mặc dù thuế quan đã làm tăng giá một cách giả tạo, nhưng sức hấp dẫn của xe điện Trung Quốc vẫn rất mạnh. Do đó, các "đại gia" ô tô châu Âu với sự lựa chọn hạn chế sẽ cần thiết lập quan hệ đối tác hoặc nhường chỗ cho các đối thủ cạnh tranh đó. Điều này đi ngược lại ý định "bảo vệ" của chính sách thuế quan này.
Cùng với việc giảm trợ cấp của EU cho người mua xe điện bán lẻ, tổng doanh số bán xe điện ở châu Âu bắt đầu giảm. Tại Đức, thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, số lượng đăng ký xe điện đã giảm 37% trong tháng Bảy. Tương tự, tại Thụy Điển, doanh số bán xe điện hàng tháng giảm 15%. Những con số này cho thấy sự quan tâm của thị trường đối với xe điện đang giảm dần, làm dấy lên hoài nghi về tham vọng của EU đối với việc cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc