Multimedia Đọc Báo in

Liên hợp quốc cảnh báo tỷ lệ nghèo cùng cực trở lại

10:02, 19/10/2024

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép: nghèo đói cùng cực trở lại sau 20 năm và khoảng cách bất bình đẳng ngày càng nới rộng.

Trong Báo cáo Xã hội thế giới 2024 có tiêu đề “Phát triển xã hội trong thời kỳ khủng hoảng hội tụ: Lời kêu gọi hành động toàn cầu”, Cơ quan Kinh tế và Xã hội của LHQ cho biết sau những nỗ lực giảm nghèo trong nhiều thập kỷ, thế giới đã chứng kiến một sự đảo ngược đáng lo ngại. Năm 2022, tình trạng nghèo đói cùng cực đã quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19 ở hầu hết các nước, ngoại trừ những quốc gia có thu nhập thấp. 

Các em nhỏ được phát bữa ăn cứu trợ tại Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Các em nhỏ được phát bữa ăn cứu trợ tại Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước thu nhập thấp vẫn cao, với chênh lệch việc làm tăng từ 20% năm 2018 lên 21% vào năm 2023. Xu hướng này đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và sở hữu tài sản hiện nay trên toàn cầu. Vào năm 2022, một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu chỉ sở hữu 2% tài sản của thế giới, trong khi 10% giàu nhất nắm giữ 76%. Theo báo cáo, các cuộc khủng hoảng liên tiếp có thể dẫn đến tổn thất sản lượng kinh tế tích lũy hơn 50.000 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030, phản ánh việc mất đi các cơ hội đầu tư vào phát triển xã hội.

Mặc dù tình hình hiện tại rất khó khăn, nhưng báo cáo cũng chỉ ra rằng đây là cơ hội để các quốc gia xây dựng lại một xã hội bền vững hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có những hành động quyết liệt và phối hợp trên toàn cầu. Báo cáo kêu gọi thế giới cần nhanh chóng để hỗ trợ các quốc gia đối phó với khó khăn do các tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu gần đây, tránh để các biến cố trở thành các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Báo cáo cũng nhấn mạnh cần xem xét các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng nợ cho các quốc gia đang phát triển, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước này.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách Kinh tế và Xã hội Li Junhua cho biết báo cáo này nêu bật tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Ông cho rằng việc hỗ trợ các quốc gia tìm kiếm các nguồn lực tài chính để chống đói nghèo, tạo việc làm và đảm bảo mọi người có cơ hội bình đẳng là điều vô cùng quan trọng.

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.