Multimedia Đọc Báo in

Liên hợp quốc kêu gọi hành động khẩn cấp giải cứu các sông băng

16:44, 22/01/2025

Việc bảo vệ các sông băng đang thu hẹp trên thế giới là một "chiến lược sinh tồn" cấp thiết cho hành tinh. Đây là lời kêu gọi được Liên hợp quốc đưa ra ngày 21/1, khẳng định vai trò quan trọng của các sông băng trong hệ sinh thái.

Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các quốc gia và tổ chức tăng cường nỗ lực bảo vệ 275.000 sông băng trên toàn cầu, vốn đang bị tan chảy nhanh chóng do sự nóng lên của Trái Đất.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cùng Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã phát động Năm quốc tế bảo tồn sông băng, nhấn mạnh rằng các sông băng này chiếm diện tích khoảng 700.000 km2 và lưu trữ khoảng 70% lượng nước ngọt của hành tinh, cung cấp nước cho hơn 2 tỷ người trên toàn cầu.

Sông băng tại Gletsch, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Sông băng tại Gletsch, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phó Giám đốc WMO, bà Ko Barrett cho rằng bảo tồn sông băng là điều kiện thiết yếu đối với môi trường, nền kinh tế và sức khỏe của Trái Đất. Sông băng không chỉ đóng vai trò điều hòa khí hậu mà còn cung cấp các nguồn nước thiết yếu cho con người.

Tuy nhiên, sự tan chảy nhanh chóng của các sông băng đang là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu và gia tăng khí thải nhà kính. Hoạt động của con người đã góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu, đẩy nhanh quá trình tan chảy này. Vào năm 2023, các sông băng trên thế giới đã mất đi khối lượng lớn nhất trong vòng 5 thập kỷ qua. 

Một trong những cảnh báo đáng lo ngại là 50 di sản thế giới được UNESCO công nhận đang chứa các sông băng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, đến năm 2050, khoảng 1/3 trong số đó có thể biến mất hoàn toàn. Mặc dù các nỗ lực kìm hãm nhiệt độ tăng có thể cứu vãn tình hình tại một số nơi, nhưng điều này sẽ đòi hỏi phải duy trì nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc khôi phục các sông băng sẽ mất nhiều thập kỷ, đòi hỏi những thay đổi chính sách khẩn cấp, các kỹ thuật đo lường tốt hơn và thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai. Ngoài ra, các cơ quan LHQ cũng đang kêu gọi cắt giảm ngay lập tức và bền vững lượng khí thải nhà kính để chống lại tình trạng băng tan đang diễn ra nhanh chóng, cũng như các tác động rộng hơn đến môi trường.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ - quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc - khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Động thái này được cho là có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực hợp tác toàn cầu trong việc giảm khí thải, khiến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu càng gian nan.

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc