Thực hư trong những đề xuất đáng chú ý của ông Trump về Tây Bán cầu
Những đề xuất đối với khu vực Tây Bán cầu của ông Trump đang thu hút sự chú ý với những đề xuất táo bạo như mua Greenland, đòi lại Kênh đào Panama và biến Canada thành tiểu bang thứ 51. Ý tưởng gây tranh cãi này làm dấy lên câu hỏi về tham vọng chiến lược của Tổng thống đắc cử Mỹ.
Trong một bài phát biểu kéo dài hơn một giờ đồng hồ tại Mar-a-lago, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã gây chú ý khi đề xuất nhiều ý tưởng táo bạo về Tây Bán cầu, như một phần trong tầm nhìn về "bình minh của thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ".
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP/TTXVN |
Những đề xuất đáng chú ý của ông Trump bao gồm: mua lại Greenland từ Đan Mạch với lý do an ninh quốc gia và bảo vệ thế giới tự do; đòi lại Kênh đào Panama từ Panama do lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc; biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ và thậm chí đề xuất vận động viên khúc côn cầu nổi tiếng Wayne Gretzky làm thống đốc; cũng như đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Châu Mỹ.
Liên quan đến Canada, ông Trump cho rằng nước này đang được trợ cấp khoảng 200 tỷ USD một năm cùng nhiều lợi ích khác, trong khi chỉ duy trì một lực lượng quân sự nhỏ và phụ thuộc vào quân đội Mỹ. Về Kênh đào Panama, ông Trump phàn nàn: "Chúng tôi đã trao Kênh đào Panama cho Panama. Chúng tôi không trao nó cho Trung Quốc, và họ đã lạm dụng nó”.
Mặc dù một số ý tưởng có vẻ khó tin, nhưng việc ông Trump liên tục nhắc đến Greenland, Panama và Canada trong nhiều dịp khác nhau cho thấy đây không đơn thuần là những phát ngôn nhất thời. Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng cân nhắc việc mua Greenland.
Theo Đại sứ đã nghỉ hưu Gordon Gray, hiện là Giáo sư tại Đại học George Washington, sự mở rộng lãnh thổ luôn là một phần trong bản chất của người Mỹ. Giáo sư Gray cũng lưu ý rằng mặc dù giai đoạn bành trướng chậm lại vào đầu thế kỷ 20, Alaska và Hawaii vẫn trở thành tiểu bang của Mỹ vào năm 1959.
Về lập trường của Mỹ với Tây Bán cầu, nhìn lại lịch sử, vào năm 1823, Tổng thống Mỹ James Monroe đã thiết lập Học thuyết Monroe thông qua thông điệp gửi Quốc hội, cảnh báo các cường quốc châu Âu không được tiếp tục thực dân hóa ở Tây Bán cầu. Sau đó, trong quá trình giám sát việc xây dựng Kênh đào Panama, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã mở rộng học thuyết này, khẳng định trách nhiệm của Mỹ trong việc giúp đỡ các quốc gia ở Tây Bán cầu.
Lịch sử cũng cho thấy Mỹ có tiền lệ về việc mua lại lãnh thổ từ Đan Mạch. Năm 1917, nước này đã mua Quần đảo Virgin với giá 25 triệu USD sau nhiều thập kỷ đàm phán. Hiện nay, Quần đảo Virgin là một trong năm vùng lãnh thổ của Mỹ, cùng với Puerto Rico là vùng lãnh thổ lớn nhất và đông dân nhất. Người dân sinh ra ở các vùng lãnh thổ này là công dân Mỹ nhưng chỉ được đại diện tượng trưng trong Quốc hội và chỉ có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống nếu chuyển đến một bang khác.
Đối với Greenland, có nhiều lý do chiến lược khiến Mỹ quan tâm, đặc biệt là về khoáng sản quý hiếm trong bối cảnh Trung Quốc đang thống trị thị trường đất hiếm toàn cầu. Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn kiên quyết không bán hòn đảo này.
Giáo sư Gray phân tích rằng trong khi mong muốn mua Greenland của ông Trump có thể xuất phát từ lợi ích chiến lược thực sự, thì những bình luận về Canada hay việc đề cử Wayne Gretzky làm thống đốc có vẻ mang tính chính trị nhiều hơn. Tương tự, việc đề cập đến Kênh đào Panama dường như nhắm vào mối lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc - một vấn đề được cử tri của ông Trump đặc biệt quan tâm.
Mới nhất, Donald Trump Jr., con trai cả của Tổng thống đắc cử Trump, đã thực hiện chuyến đi đến Greenland và đăng tải video từ buồng lái máy bay cũng như hình ảnh người dân địa phương đội mũ MAGA (khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong chiến dịch tranh cử của ông Trump), góp phần thu hút sự chú ý vào vấn đề này.
Di sản là một vấn đề quan trọng đối với ông Trump, điều này thể hiện rõ qua cách ông đưa cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào những bình luận của mình về Kênh đào Panama. Phát biểu với các phóng viên, ông Trump cho rằng quyết định ký hiệp ước trả lại khu vực Kênh đào cho Panama sau 75 năm Mỹ cai trị là nguyên nhân khiến ông Carter thất bại trong cuộc bầu cử. "Theo tôi, lý do khiến Jimmy Carter thua cuộc bầu cử là vì Kênh đào Panama", ông Trump nói.
Điều đáng chú ý là ông Trump đã không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự để đạt được các mục tiêu này, một lập trường có vẻ mâu thuẫn với lời hứa tranh cử về việc kiềm chế Mỹ tránh xa các cuộc chiến. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các kế hoạch cụ thể cho thấy những đề xuất này vẫn đang ở giai đoạn ý tưởng.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc