Bị loại khỏi đàm phán về Ukraine, châu Âu họp khẩn giành tiếng nói
Việc chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy đàm phán trực tiếp với Nga mà không có sự tham gia của Ukraine khiến các đồng minh châu Âu cũng không có vai trò rõ ràng.
Trong khi các quan chức Mỹ từ tuần trước đã chuẩn bị bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu đang vội vã tổ chức một phản ứng đối với nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đạt được một giải pháp dường như khiến họ và Kiev không có vai trò rõ ràng trong quá trình này. Một cuộc họp khẩn của các nhà lãnh đạo châu Âu đã được tổ chức ngày 17/2 tại Paris.
![]() |
Chính quyền Tổng thống Trump đang thúc đẩy một thỏa thuận với Nga về Ukraine. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN |
Theo tờ New York Times, Đại sứ Nga tại Saudi Arabia, nơi các cuộc đàm phán Mỹ - Nga dự kiến diễn ra trong tuần này, đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao của vương quốc này hôm 16/2. Hai quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump - Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff - sẽ bay đến Saudi Arabia để tham gia cùng Ngoại trưởng Marco Rubio trong các cuộc đàm phán.
Các công tác chuẩn bị cuối cùng diễn ra sau một loạt các cuộc thảo luận ngoại giao trong vài ngày qua, bao gồm một cuộc trò chuyện giữa ông Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov.
Hôm 16/2, ông Rubio đã nói trong một cuộc phỏng vấn từ Jerusalem với CBS News rằng nếu có cơ hội "cho một cuộc trao đổi rộng hơn liên quan đến Ukraine, liên quan đến việc chấm dứt chiến tranh, liên quan đến các đồng minh của chúng ta trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, chúng tôi sẽ tìm hiểu nếu có cơ hội đó".
Cuộc họp với Nga, mặc dù chỉ là sơ bộ, sẽ báo hiệu sự khởi đầu lịch trình tăng tốc của ông Trump cho một thỏa thuận và quyết tâm rõ ràng của ông là tiến hành đàm phán riêng với Nga, ít nhất là cho đến lúc này.
Ukraine sẽ không tham gia vào quá trình đó, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã xác nhận hôm 16/2 trong một bài đăng trên trang mạng xã hội Telegram. Ông Yermak cho biết Ukraine muốn đạt được một kế hoạch chung cho các cuộc đàm phán với chính quyền Trump trước khi gặp phái đoàn Nga.
"Không có cuộc họp nào đang diễn ra, cũng không có cuộc nào được lên kế hoạch", ông Yermak viết. "Tổng thống [Zelensky] đã nói rõ rằng bất kỳ thỏa thuận nào đạt được mà không có sự tham gia của Ukraine sẽ không được chấp nhận. Các đảm bảo an ninh phải bao gồm Mỹ. Chúng tôi sẽ không bao giờ đưa ra quyết định đi ngược lại lợi ích của Ukraine".
Trong một sáng kiến ban đầu được Ukraine khuyến khích, chính quyền Tổng thống Trump đang đàm phán để đảm bảo một phần lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine để đổi lấy viện trợ an ninh. Nhưng khi đề xuất của chính quyền được đưa ra, ông Zelensky đã từ chối các điều khoản mà theo đó Mỹ sẽ nhận được một nửa lợi nhuận.
![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP/TTXVN |
Tổng thống Zelensky cho biết ông đã từ chối, một phần, vì không có đảm bảo nào về sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến. Hiện vẫn chưa rõ liệu yêu cầu của Mỹ có liên quan đến viện trợ trong tương lai hay được coi là sự đền bù cho những khoản viện trợ đã được cung cấp.
Việc ông Zelensky từ chối đề xuất đã vấp phải chỉ trích từ Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Waltz. Ông Waltz cho rằng, Tổng thống Zelensky sẽ "rất khôn ngoan" khi chấp nhận thỏa thuận, và rằng "người dân Mỹ xứng đáng được đền đáp, xứng đáng được đền đáp cho hàng tỷ đô la mà họ đã đầu tư vào cuộc chiến này".
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo của Pháp, Anh, Đức, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch, cùng các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu và NATO, đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Paris vào 17/2 để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và an ninh châu Âu. Mục đích là để phối hợp phản ứng trước việc chính quyền Tổng thống Trump mở các cuộc đàm phán với Nga mà không có sự tham gia của châu Âu.
Tiếp theo là cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu vào 23/2. Trên thực tế, EU đã cung cấp nhiều hỗ trợ quân sự cho Ukraine hơn Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn của Fox News, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz đã phủ nhận việc người châu Âu bị loại khỏi các cuộc đàm phán. Ông cho biết: "Họ có thể không thích một số trình tự đang diễn ra trong một số cuộc đàm phán này. Tôi phải phản bác bất kỳ ý kiến nào cho rằng họ không được tham vấn. Họ hoàn toàn được tham vấn".
Ông Waltz nói thêm rằng các nhà đàm phán Mỹ "sẽ tập hợp mọi người lại với nhau khi thích hợp", đồng thời nêu rõ rằng người châu Âu sẽ được kỳ vọng "cung cấp các đảm bảo quân sự dài hạn".
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông sẽ đến Saudi Arabia vào tuần này nhưng không nêu rõ thời gian cụ thể. Nhà lãnh đạo Ukraine nói rõ rằng ông không muốn tham gia đàm phán trước khi xác định được các quốc gia phương Tây sẵn sàng đưa ra những đảm bảo an ninh nào để đảm bảo lệnh ngừng bắn không bị vi phạm. Tính đến hôm 15/2, ông Zelensky cho biết ông không nhận được bất kỳ đảm bảo nào như vậy từ Washington.
Trong một cuộc phỏng vấn với NBC vào ngày 16/2, Tổng thống Ukraine nhắc lại rằng ông sẽ "không bao giờ" chấp nhận một cuộc đàm phán hòa bình được giải quyết giữa Nga và Mỹ mà không có Ukraine.
Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy mình có một chỗ ngồi tại bàn đàm phán ngay bây giờ không, ông Zelensky đã không trả lời trực tiếp, nhưng cho biết ông đã tính đến một vị trí như vậy.
Tại Moskva, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận. Tuy nhiên truyền hình nhà nước Nga hôm 16/2 đã phát sóng một cuộc phỏng vấn với người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitri S. Peskov, người đã khẳng định lại sự lạc quan mới tìm thấy của Nga về việc đàm phán với Mỹ sau nhiều năm bị chính quyền cựu Tổng thống Biden cô lập về mặt ngoại giao.
Ông Peskov nói: "Bây giờ chúng ta sẽ nói về hòa bình, không phải về chiến tranh. Dựa trên các tuyên bố của Tổng thống Trump, chúng ta đang giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại".
Nga và Ukraine đã không gặp nhau để đàm phán trực tiếp trong gần ba năm qua. Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, đầu tiên do Belarus và sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, bắt đầu ngay từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 nhưng đã tan vỡ chỉ 6 tuần sau đó. Nỗ lực đàm phán sau đó bị đình trệ hẳn do các diễn biến chiến trường ở Ukraine.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc